Ngày 8/9, sau khi loại bỏ được thế lực kháng cự cuối cùng ở tỉnh Panjshir, phong trào Taliban mới đưa ra danh sách mới nhất của chính phủ lâm thời với 33 thành viên. Bản danh sách được công bố vào cuối ngày 7/9 có sự khác biệt rõ ràng với "các ứng cử viên chính phủ lâm thời" đã dần được xác định sau "Đại hội Loya Jirga" (hội nghị quốc dân bao gồm các trưởng lão bộ lạc, giáo sĩ và giới tinh hoa xã hội) tổ chức ngày 23/8.
Danh sách 33 thành viên chính phủ của Taliban bao gồm hai bộ phận. Bộ phận thứ nhất do Quyền Thủ tướng Mohammad Hassan Akhund của chính phủ lâm thời đứng đầu, bao gồm Phó thủ lĩnh Taliban Abdul Ghani Baradar, chỉ huy quân sự Mohammad Yaqub, người lãnh đạo mạng lưới "Haqqani" Sirajuddin Haqqani, nhà đàm phán Mullah Amir Khan Muttaqi ở Qatar, pháp quan đứng đầu Abdul Hakim Sharayi được trao giữ chức Phó Thủ tướng và 25 bộ trưởng các bộ chính bao gồm Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Tư pháp...
Quyền Thủ tướng Mohammad Hassan Akhund được trao chức vì là nhân vật nguyên lão trong Phong trào Taliban (Ảnh: Đông Phương). |
Bộ phận thứ hai bao gồm 8 nhân sự quan trọng khác bao gồm các thứ trưởng của các bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Nội vụ, Văn hóa, cũng như Tổng tham mưu trưởng quân đội (tức là Tư lệnh). Cả hai bộ phận này không có ai là các lãnh chúa lớn của Taliban, các chính trị gia hay các quan chức chuyên nghiệp của chế độ Cộng hòa Afghanistan trước đây. Một sự sắp xếp như vậy rõ ràng rất khác với một "cấu trúc chính trị rộng rãi và bao trùm" mà các nước trong đó có Trung Quốc và Nga đề xuất. Về vấn đề này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi được hỏi chỉ trả lời bằng câu "Điều này (việc thành lập chính phủ lâm thời) đã chấm dứt trạng thái vô chính phủ kéo dài hơn ba tuần ở Afghanistan".
Nhìn vào tình hình hiện tại, tiến trình xây dựng chính phủ của Taliban có thể đã bị chậm lại bởi quá trình đàm phán với lực lượng chống đối ở tỉnh Panjshir. Vào ngày 30/8, giới lãnh đạo cấp cao Taliban ban đầu dự định chính thức công bố chính phủ mới vào ngày 3/9. Cuộc đàm phán giữa Kabul và Panjshir từng được cho là sẽ đạt được thỏa thuận nhất định vào ngày 2/9. Khi các lực lượng của Ahmad Massoud còn tồn tại, thì cựu Tổng thống Hamid Karzai và cựu nhiếp chính Abdullah Abdullah, vẫn còn giá trị của "mặt trận thống nhất".
Thành phần chính phủ lâm thời Afghanistan phản ánh sự thỏa hiệp, mâu thuẫn trong nội bộ Taliban (Ảnh: Dwnews). |
Tuy nhiên, khi các cuộc đàm phán giữa hai bên đổ vỡ vào ngày 3/9, việc thành lập một chính phủ Taliban mới cũng bị ngừng lại. Sau khi Qari Fasihuddin, thủ lĩnh Taliban người Tajik, dẫn quân đánh chiếm Panjshir và giành được chức "Tham mưu trưởng quân đội" (tức là Tư lệnh quân đội) nhờ những chiến công quân sự, những người đã hạ vũ khí và quy hàng Taliban trước đó đều trở thành các “bình hoa”. Chiến thắng lớn lao của Taliban trên chiến trường đã gây ra những thay đổi lớn trong môi trường chính trị, họ bắt đầu thể hiện những đặc tính riêng trong chính phủ mới, tìm cách xây dựng một chính phủ mới của người Pashtun.
Theo danh sách hiện đã được biết, trong chính phủ mới của Kabul, ngoài Phó thủ tướng thứ hai người Uzbekistan là Abdul Salam Hanafi (đại diện của Taliban trước đó đã điện đàm với Ngô Giang Hạo, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc), Bộ trưởng Kinh tế Qariuddin Hanif và tư lệnh quân đội Fasihuddin là người Tajik ra; hầu hết các thành viên nội các khác đều là người Pashtun.
Phó thủ lĩnh Abdul Ghani Baradar, người có quan hệ tốt với Trung Quốc được trao chức Phó Thủ tướng thứ nhất (Ảnh: Xinhua). |
Sadar Ibrahim, nhà lãnh đạo quân sự người Hazara, người trước đó được vào chính phủ lâm thời với tư cách Quyền Bộ trưởng Nội vụ, có dấu hiệu cho thấy được Iran ủng hộ, đã bị tạm thời bãi chức. Sự sắp xếp này cực kỳ không cân xứng với tỷ lệ các nhóm dân tộc chính ở Afghanistan: người Pashtun chiếm 42%, người Tajik chiếm 27%, người Hazara chiếm 9% và người Uzbekistan chiếm 9%.
Nhưng bất kể như thế nào, Taliban, với tư cách là kẻ chiến thắng, đã không có ý tưởng gì về việc cân bằng các nhóm sắc tộc và phe phái khác nhau. Thực tế trong 33 bộ trưởng, thứ trưởng thậm chí còn phải tính đến sự cân bằng và sắp xếp theo thứ bậc trong nội bộ Taliban.
Trong số họ, nổi bật nhất là Quyền Thủ tướng Mullah Hassan Akhund người dưới quyền lãnh tụ tối cao Haibatullah Akhundzada. Thành tích quân sự và khả năng chính trị của người này không có gì nổi bật, chỉ vì là một nguyên lão trong thời kỳ cầm quyền của Taliban trước đây và cũng thuộc lớp người sáng lập ra Taliban đầu tiên nên ông ta mới bị đẩy đến vị trí như vậy.
Theo cách tương tự, Bộ trưởng Các vấn đề biên giới và bộ lạc Noorullah Nori, Bộ trưởng An ninh Abdul Haq Wasiq được đề cử giữ chức bộ trưởng chỉ vì họ đã tham gia vào Taliban rất sớm. Xét thấy nhóm Abdul Wasiq có quan hệ chặt chẽ với Al-Qaeda, Đông Turkistan và các phái vũ trang khác trong những năm đầu, điều này sẽ khiến chính phủ mới của Taliban khó có thể thực sự cắt đứt với các tổ chức khủng bố ở thế giới Ả Rập trong tương lai.
Về chi tiết liên quan đến tổ chức khủng bố, gia tộc Haqqani, phái lớn nhất trong phong trào Taliban, còn đóng một vai trò đáng lo ngại hơn. Có quan hệ chặt chẽ với Al Qaeda, Đông Turkistan, Phong trào Hồi giáo Uzbekistan, Taliban Pakistan và các tổ chức cực đoan khác, nhưng gia tộc Haqqani đã đảm nhiệm ít nhất 4-5 chức bộ trưởng, trong đó có Bộ Nội vụ. Với sự ràng buộc của truyền thống Afghanistan (Pashtunwali) “giữ khách bằng mọi giá", sẽ rất khó khăn cho chính quyền Kabul với nòng cốt là Taliban trong việc vạch rõ ranh giới (cắt đứt hoàn toàn) với các tổ chức khủng bố như thế lực Đông Turkistan của người Duy Ngô Nhĩ Tân Cương trong thời gian tới.
Cựu Tổng thống Hamid Karzai (trái) và nhiếp chính Abdulla, hai nhân vật quan trọng của chính thể cũ cuối cùng đều bị Taliban loại khỏi thành phần chính phủ (Ảnh: Dwnews). |
Xem xét tình hình hiện tại, chính quyền Taliban rất khó có thể đưa ra một cấu trúc chính trị có thể “đoàn kết tất cả các phe phái và sắc tộc ở Afghanistan” và “thúc đẩy tiến trình hòa bình và hòa giải ở Afghanistan”. Việc chính phủ mới cậy mình binh hùng tướng mạnh, không muốn chia sẻ quyền lực với tất cả các sắc tộc và phe phái đã thể hiện đầy đủ sự hẹp hòi của họ.
Tất nhiên, giới cao cấp Taliban cũng có thể đã nghĩ đến việc thiếu "tính bao trùm" của chính phủ lâm thời này, khiến danh sách mà họ đưa ra ngày 7/9 chỉ là "chính phủ lâm thời", thụt lùi so với kế hoạch thành lập chính phủ chính thức ngày 3/9, được xác định từ hôm 30/8.
Xét từ các cuộc biểu tình diễn ra ở Kabul vào ngày 7/9 và việc các nước lớn, bao gồm cả Trung Quốc, đã sớm đưa ra kiến nghị về sự bao trùm của chính phủ Afghanistan mới; chính quyền Taliban đã thành lập các bộ Khai thác mỏ, Dầu khí, Thủy lợi và Điện lực trước Bộ Công nghiệp, với hy vọng rằng thế giới bên ngoài sẽ công nhận chính quyền của họ và đầu tư phát triển, thì sự thay đổi từ chính phủ lâm thời Afghanistan sang chính phủ chính thức vẫn là điều đáng chú ý.
Ngay sau khi chính phủ lâm thời ra đời, đã xuất hiện các cuộc biểu tình chống Taliban, đòi quyền tự do của dân chúng ở thủ đô (Ảnh: Dwnews). |
Trang tin Hồng Kông Đông Phương cho rằng, việc Taliban sau khi chiếm được Kabul được gần 3 tuần mới tuyên bố thành lập chính phủ lâm thời là do mâu thuẫn nội bộ giữa những người ôn hòa và cứng rắn trong tổ chức này. Những người phái ôn hòa trong Taliban chủ trương thành lập một chính phủ có tính bao trùm toàn bộ, nhưng bị những người cứng rắn ở cấp cao cản trở; cuối cùng chỉ thành lập chính phủ lâm thời, là tình huống "tự chia nhau miếng bánh".
Mullah Hassan Akhund, người được giao chức Quyền Thủ tướng, được coi là một ứng cử viên theo khuynh hướng chiết trung đứng giữa sự khác biệt giữa hai phe, ông từng là Ngoại trưởng trong chế độ Taliban cũ cách đây 20 năm. Ông cũng có ảnh hưởng và được tôn trọng trong lĩnh vực tôn giáo; cũng là người được coi là có vai trò chính trị hơn là vai trò quân sự trong số các thành viên chính phủ lâm thời.
Điều đáng chú ý là không có bất cứ phụ nữ nào trong chính phủ mới, và không có thành viên phái Hồi giáo Shia nào, hầu như tất cả các thành viên cốt cán đều là người Pashtun. Afghanistan do người Hồi giáo dòng Sunni thống trị, chiếm hơn 80%, trong khi người Pashtun tuy là nhóm dân tộc lớn nhất của Taliban, nhưng chỉ chiếm 42% đất nước. Các nhóm sắc tộc khác còn lại bao gồm Tajik, Hazara, Uzbek, Turkmen, Baloch...Thủ lĩnh tinh thần tối cao của Taliban, Haibatullah Akhundzada cũng là người Pashtun.
Phân tích tin rằng tính chất lâm thời của chính phủ lâm thời đã cung cấp không gian thở cho Taliban để chuyển đổi từ một lực lượng vũ trang sang một chính quyền, nhưng nó sẽ không có lợi để Taliban giành được sự ủng hộ của quốc tế.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu