Chiến trường Việt Nam và bí mật về các biệt đội “săn người” Mỹ

VietTimes -- Năm 1966, quân đội Mỹ bắt đầu sử dụng chó nghiệp vụ và binh sĩ đã được huấn luyện đặc biệt để tìm kiếm, truy lùng lực lượng du kích ở Việt Nam. Mỹ giữ các đội thám báo này hoàn toàn bí mật với đối phương và che chắn những nước đồng minh khỏi một sự cố quốc tế tiềm tàng.
Lính Mỹ đi càn cũng với chó nghiệp vụ ở Miền Nam Việt Nam
Lính Mỹ đi càn cũng với chó nghiệp vụ ở Miền Nam Việt Nam

Các sĩ quan chỉ huy quá thất vọng với kết quả của những cuộc truy quét là động lực dẫn đến ý tưởng tổ chức các đội tìm kiếm truy lùng bằng chó nghiệp vụ, còn được gọi là (Combat Tracker Team).

Quân Giải phóng Việt Nam là bậc thầy về sử dụng địa hình, ngụy trang và tác chiến đường hầm. Họ là người quyết định khi nào và nơi nào sẽ tiến hành trận chiến. Tệ hại hơn với lính Mỹ là các chiến sĩ du kích và bộ đội địa phương có thể quyết định cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu.

Báo cáo của Nhóm nghiên cứu chiến thuật độc lập Quân đội Mỹ cho biết: "Bộ tư lệnh quân đội Mỹ ở Sài Gòn mong muốn giải quyết vấn đề tìm kiếm và đeo bám theo dõi các lực lượng Quân Giải phóng, sau khi họ tấn công hoặc trong một cuộc đọ súng, rút lui và cắt đứt sự truy đuổi của các đơn vị Mỹ".

Trước đây, quân đội Mỹ đã sử dụng chó trinh sát trong chiến tranh thế giới II và Triều Tiên, nhưng các đội thám báo - truy lùng đặc biệt này có mục đích và yêu cầu chiến thuật hoàn toàn khác. Thay vì chỉ theo dõi và đeo bám đối phương, đội thám báo - truy tìm đặc biệt với chó nghiệp vụ sẽ tiến hành các hoạt động tích cực hơn như: chủ động truy tìm, đeo bám và tiêu diệt mục tiêu.

Thực hiện chiến thuật này, những binh sĩ trong đội truy tìm đặc biệt với chó nghiệp vụ có thể dẫn đường cho lực lượng bộ binh Mỹ hành quân “tìm - diệt” đúng hướng, hoặc hoặc giúp đỡ lực lượng bộ binh gọi chi viện hỏa lực pháo binh và không quân, đánh chính xác khu vực mục tiêu.

Một đội Thám báo - truy lùng sử dụng chó nghiệp vụ của quân đội Mỹ ở Việt Nam

Cựu lính lực lượng đặc biệt và là nhà sử học quân sự Gordon Rottman nói " Đội thám báo - truy lùng đặc biệt có chó nghiệp vụ không phải là đơn vị chiến đấu mạnh với lực lượng Quân Giải phóng và du kích. Nhưng chính vì vậy mà các đội truy lùng thường đi phối thuộc với một đơn vị bộ binh thông thường".

Theo hồ sơ của Cơ quan nghiên cứu chiến thuật quân đội Mỹ CORG, vấn đề đầu tiên mà quân đội Mỹ gặp phải là thiếu kinh nghiệm theo dõi mục tiêu. Thử nghiệm lần thứ nhất truy lùng với chó nghiệp vụ đánh hơi thất bại vì những con chó sủa ầm lên khi dõi theo mùi đối tượng.

Quân đội Anh từng sử dụng chó Labrador – loài chó có khả năng di chuyển rất xa và lặng lẽ để tìm kiếm quân nổi dậy người Hoa ở Malaysia và những chiến binh du kích Indonesia ở Borneo. Nhưng yêu cầu Anh giúp đỡ sẽ tạo ra một vấn đề mới mang tính quốc tế. Không như Washington, London tham gia ký Hiệp định Geneva năm 1954, phân chia Việt Nam thành hai miền và các lực lượng quân sự nước ngoài phải rút khỏi Việt Nam.

Thỏa thuận của Anh giúp đỡ quân đội Mỹ huấn luyện đội truy lùng có sử dụng chó nghiệp vụ có thể tạo thành căn nguyên khiến cuộc xung đột lan rộng ở Đông Nam Á. Nếu người Anh công khai tham gia cuộc chiến dù dưới vỏ bọc cố vấn, Liên Xô hay Trung Quốc có thể cáo buộc Anh vi phạm tinh thần của hiệp định Geneva.

Vấn đề càng trở nên phức tạp, trường Chiến tranh Nhiệt đới của Anh nằm ở Malaysia. Tương tự như London, Kuala Lumpur duy trì lập trường trung lập đối với cuộc chiến Việt Nam.

Nhưng cả ba nước đã đi đến thống nhất là đào tạo 14 đội truy lùng đặc biệt sử dụng chó nghiệp vụ tại trường của quân đội Anh ở Johor Bahru. Quân đội Mỹ sau khi tiếp thu được kinh nghiệm sẽ tự thiết lập chương trình của riêng mình và tổ chức nghiên cứu, huấn luyện đào tạo ở đâu đó tại Mỹ.

Một nhóm truy lùng đặc biệt gồm 5 binh sĩ với 2 chó nghiệp vụ là một đơn vị tác chiến cơ bản của các đội truy lùng đặc biệt do các chuyên gia chiến tranh vùng Nhiệt đới Anh đào tạo. Đội có thêm một vài chó nghiệp vụ dự bị để nhiệm vụ truy lùng, theo dõi và tiêu diệt mục tiêu không bị gián đoạn bởi bệnh tật hay vết thương của chó nghiệp vụ.

Huấn luyện lính và chó nghiệp vụ của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, trường huấn luyện có thể là ở Malaysia

Ngoài ra, trong đội còn có một thám báo (thợ săn) có năng lực quan sát sắc bén đi cùng với binh lính và chó nghiệp vụ. Những chiến binh này có trình độ truy tìm mục tiêu “con mồi” sâu và độc đáo, có thể phân biệt các chi tiết để lại của đối phương chỉ từ dấu chân và cây lá bị va quẹt.

Cựu chỉ huy đặc nhiệm Rottman giải thích."Cứ cho là, chó có thể đánh hơi và bám theo một người ở bất cứ đâu, nhưng theo dõi trực quan có thể xác định số lượng nhóm người, đối phương có mang vác nặng hay không, họ đang di chuyển nhanh hay chậm, phát hiện các vật đánh rơi hay bị vất đi, v.v".

"Một thám báo - thợ săn có khả năng quan sát sắc sảo, có kinh nghiệm có thể cho biết giới tính của những người đang theo dõi và những loại vũ khí nào họ đang mang," bản báo cáo của Cơ quan nghiên cứu chiến thuật độc lập quân đội Mỹ cho biết.

Sau một thời gian, quân đội Mỹ đã có những biệt đội săn người thành thạo các kỹ năng cần thiết cho các cuộc truy lùng, tìm kiếm và săn đuổi mục tiêu. Nhưng các đội truy lùng này không thể đối phó được với tất cả.

Trong một bản đánh giá tổng quan không ghi ngày tháng, được tìm thấy trong kho Lưu trữ quốc gia ở Trường Đại học Park, Maryland có nhận xét: Các thám báo “thợ săn” không thể xác minh đối tượng mà họ phát hiện được trong đêm tối, trong và sau những cơn mưa tầm tã, theo dấu và đeo bám đối phương trên các đường mòn là bất khả thi.

Các nhóm truy lùng đặc biệt với chó nghiệp vụ cùng không thể làm được gì nhiều ngoài bảo vệ mình nếu họ đã tìm thấy các vị trí tập kết của du kích Việt Nam. Chỉ được trang bị vũ khí cá nhân và súng trường AR-15, các nhóm phải căn cứ tương quan lực lượng trong rừng, nếu quân số của nhóm lớn hơn, các đội truy lùng đặc biệt sẽ khởi động các cuộc tấn công, trong trường hợp ngược lại, các đội sẽ lặng lẽ rút lui và gọi hỏa lực pháo binh hoặc không kích, đôi khi để tránh không bị truy đuổi và chắc chắn tiêu diệt mục tiêu, các đội “săn người” yêu cầu sử dụng cả bom napalm.

Các quan chức cao cấp của quân đội Mỹ lập tức đưa các đội thám báo - truy lùng đặc biệt với chó nghiệp vụ biên chế cho cho sư đoàn bộ binh, lữ đoàn và Trung đoàn Kỵ binh bay số 11 trên chiến trường Nam Việt Nam.

Các đội thám báo - truy lùng đặc biệt với chó nghiệp vụ tham gia hầu hết các cuộc càn quét “tìm và diệt” trên chiến trường Miền Nam. Để tìm kiếm chiến thắng, các đội săn người này đã sát hại dã man cả dân thường đang ẩn nấp trong rừng hoặc dưới hầm để lấy chiến tích.

Lính Mỹ và chó nghiệp vụ trong một trận càn quét ở Miền Nam Việt Nam

Các đội truy lùng sử dụng chó nghiệp vụ còn được sử dụng để tìm kiếm các vị trí ấn nấp bí mật như hầm hào giao thông bí mật. Nhưng những hoạt động này cũng không mang lại kết quả mong muốn do du kích và Quân Giải Phóng Miền Nam Việt Nam nhanh chóng tìm ra vô vàn giải pháp vô hiệu hóa khứa giác nhạy cảm của chó săn.

Mặc dù các đơn vị truy lùng đặc biệt sử dụng chó nghiệp vụ được biên chế rộng trong các đơn vị quân đội Mỹ, yếu tố bí mật vẫn bao trùm những giai đoạn đầu của chương trình truy lùng sử dụng chó nghiệp vụ.

Chỉ huy trưởng đặc nhiệm Rottman cho biết: "Các đội thám báo có kỹ năng săn lùng (săn người) quan trọng hơn so với giống chó nghiệp vụ Scout, họ không muốn điều đó bị đối phương và thế giới biết đến. Nhưng lý do chính là Mỹ đã sử dụng các nước Khối thịnh vượng chung vào cuộc chiến tại Việt Nam, lực lượng thám báo săn người này được đào tạo tại Malaysia".

Nhiều thông tin cho biết, quân đội Anh, Malaysia, Australia và New Zealand đã thực hiện chương trình đào tạo tác chiến chống du kích cho lính Mỹ. Australia và New Zealand đưa quân sang chiến đấu ở miền Nam Việt Nam.

Hai năm sau khi dự án được tiến hành, Quân đội Mỹ bắt đầu đào tạo các thám báo – thợ săn người ở Fort Gordon thuộc bang Georgia. Quân đội Mỹ đưa ra cơ cấu tổ chức của riêng mình, mỗi đội chỉ còn một chó nghiệp vụ và tất cả các thành viên đều là người quản lý chó. Một cơ sở huấn luyện khác, khá nổi tiếng với tên gọi là Kit Carson Scouts tuyển chọn và huấn luyện những kẻ đảo ngũ từ lực lượng Quân Giải Phóng – để biên chế cho các đơn vị thám báo – đội truy lùng đặc biệt.

Với phòng cách hoàn toàn Mỹ hóa này, các đội truy lùng đặc biệt nhận được biệt danh chính thức. Cơ cấu tổ chức các đội thám báo – truy lùng – phục kích theo chiến thuật “tìm và diệt” được biên chế tương đương trung đội bộ binh, các đơn vị nhỏ hơn trở thành tiểu đội phối thuộc.

Quân đội cũng quay lại xem xét hồ sơ lịch sử đơn vị, áp dụng những thay đổi hiện có của các nhóm đơn vị thám báo – truy lùng đặc biệt. Điều đó khiến cho chính quyền Anh và Malaisia rũ bỏ mọi dấu vết liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam.

Tài liệu tham khảo từ các giảng viên nước ngoài và từ Trường Chiến tranh vùng Nhiệt đới của Anh đã bị loại bỏ khỏi hệ thống tài liệu giảng dạy và được sao chép lại.  Bên lề của các tài liệu có ghi viết "ở Fort Gordon, GA" để thay thế cho các tiêu đề gốc. Mô tả cơ cấu biên chế tổ chức đơn vị kiểu Anh cũng được đánh dấu tương tự như vậy trên tài liệu. Điều đó có chính danh là, các tài liệu này được người Mỹ viết, cơ cấu tổ chức đơn vị được biên chế khởi điểm ban đầu theo kiểu Anh – chứ không phải là Anh hoặc Malaisia tham gia vào xây dựng lực lượng này.

Nhưng các đội thám báo – truy lùng đặc biệt sử dụng chó nghiệp vụ vẫn gặp khó khăn khi truy tìm lực lượng Quân Giải Phóng. Phần lớn các cuộc truy bắt, săn đuổi hoặc tấn công đều cho kết quả không rõ ràng – dân thường – du kích hay quân giải phóng. Điều này đã dẫn đến các vụ lạm sát giết hại dân thường Việt Nam hoặc tàn phá cả một khu vực bằng bom napal hay bom phát quang, pháo chụp.

Các trung đội thám báo – truy lùng đặc biệt nhiều lần tiến hành các cuộc hành quân truy quét kéo dài hàng tháng vẫn không thấy lực lượng du kích. Trong các khu vực càn quét nhiều lần, dù phát hiện ra đường hầm, hang động, cạm bẫy chông mìn, những các cuộc truy lùng thường cho kết quả rất thấp, đôi khi lại lao vào các ổ phục kích của lực lượng vũ trang Quân Giải phóng.

Mặc dù vậy, các đơn vị thám báo – truy lùng đặc biệt với chó nghiệp vụ vẫn được duy trì và tham gia vào các hoạt động tác chiến của quân đội Mỹ, dù càng ngày, các hoạt động truy lùng càng mất ý nghĩa chiến thuật.

Sau khi cuộc chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ giải tán các đơn vị truy lùng đặc biệt sử dụng chó nghiệp vụ. Năm 1973, lực lượng bộ binh đã tập hợp các nguồn thông tin tư liệu và biên tập, hợp nhất thành bộ tài liệu thống nhất, mô tả chi tiết mục đích yêu cầu, biên chế tổ chức và các nhiệm vụ của tất cả các mô hình biên chế tổ chức đội truy lùng đặc biệt sử dụng chó nghiệp vụ.

Theo các tài liệu có được nhờ áp dụng Luật tư do Thông tin, các đơn vị bộ binh chỉ thành lập các đơn vị đặc biệt sử dụng chó nghiệp vụ theo “yêu cầu cụ thể” của chiến trường.

Lính huấn luyện và chó nghiệp vụ lại được tổ chức lại một lần nữa trong giai đoạn cuối thế kỷ 20 sang đầu thế kỷ 21. Trên chiến trường Iraq và Afghanistan, quân đội Mỹ lại thành lập các đội truy lùng đặc biệt sử dụng chó nghiệp vụ để tìm kiếm các tay súng nổi dậy và bom mìn gài bên lề đường.

 TTB