Chiến tranh ủy nhiệm hay chiến tranh qua tay người khác để chỉ các cuộc chiến tranh được tiến hành gián tiếp giữa các cường quốc đối địch thông qua các lực lượng thứ ba thay mặt họ.
Sau sự đổi mới quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa ra lập trường ngoại giao về xung đột Syria, cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu cuộc nội chiến 5 năm này không được giải quyết. Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus mới đây đã cảnh báo rằng chiến tranh ủy nhiệm ở Syria giữa Nga và Mỹ có thể dẫn đến cuộc xung đột toàn cầu giữa hai cường quốc.
“Nếu chiến tranh proxy còn tiếp diễn, Mỹ và Nga sẽ xảy ra chiến tranh”, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Kurtulmus khẳng định.
Tuy nhiên, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục giữ những quan điểm khác nhau về giải pháp của cuộc xung đột Syria. Ông Kurtulmus gọi tổng thống Syria Bashar al-Assad là “con tốt” và cho rằng việc ông Assad từ bỏ quyền lực là cần thiết để đạt được nền hòa bình lâu dài, the Independent đưa tin. Nhưng Nga có vẻ như không dễ chấp nhận đề xuất này.
Theo Russia Insider, sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ với lực lượng chiến binh thánh chiến, bao gồm cả các tay súng của nhóm khủng bố IS là rất lớn. Các thành viên NATO vẫn kêu gọi tổng thống Assad từ chức, mức độ can dự của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc hình thành xung đột toàn cầu giữa Nga và Mỹ ngày càng trở nên không rõ ràng.
Có thể những lời cảnh báo của Thổ Nhĩ Kỳ không phải dành cho Nga, đặc biệt là khi cân nhắc sự thật rằng chính vì liên minh NATO mà Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị buộc phải ủng hộ Mỹ trong cuộc xung đột toàn cầu giữa thế lực phương Đông và thế lực phương Tây.
Hơn nữa, lập trường của Tổng thống Thổ Nhĩ kỳ Erdogan về các vấn đề Trung Đông đã được khẳng định, khi ông Erdogan tuyên bố với tổng thống Iraq hãy biết chỗ đứng của mình. Sự coi thường trắng trợn luật pháp quốc tế này là sự đáp trả lập trường của Iraq. Iraq không muốn Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ trong những cuộc tấn công sắp tới của họ nhằm mục đích tái chiếm vùng Mosul từ quân IS. Thực tế, Iraq đã mạnh dạn yêu cầu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ rời khỏi lãnh thổ Iraq nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không nghe, thậm chí còn cố mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
Trong khi đó, Iran đã đưa tàu chiến của mình tới bờ biển Yemen sau những cuộc tấn công của quân đội Mỹ vào sào huyệt của phiến quân Houthi. Động thái của hải quân Mỹ nhằm tuần tra Vịnh Aden, một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất thế giới.
Mọi việc có vẻ như đều đang sẵn sàng cho một cuộc đối đầu quân sự cấp độ toàn cầu, Russia Insider cảnh báo.