Chiến tranh thế giới phức hợp Mỹ - Nga và Mỹ - Trung

VietTimes -- Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đánh thuế 10% lên khối lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD và sẽ triển khai tên lửa tầm trung ở Châu Á sau khi rút khỏi Hiệp ước hủy bỏ tên lửa tầm trung và tầm ngắn ký với Liên Xô/Nga, đồng thời áp đặt thêm nhiều biện pháp cấm vận Nga đã đưa cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện Mỹ - Trung và Mỹ - Nga lên tầm cao mới. 
Cuộc chiến địa chính trị Mỹ - Nga - Trung đang diễn ra quyết liệt
Cuộc chiến địa chính trị Mỹ - Nga - Trung đang diễn ra quyết liệt

Cuộc cạnh tranh này sẽ rất khó dẫn tới cuộc chiến tranh thế giới lần thứ III bởi Mỹ, Trung Quốc và Nga đều sở hữu vũ khí hạt nhân đủ sức hủy diệt đối phương. Nó đang diễn ra dưới hình thái một cuộc chiến tranh khác, được gọi là là “chiến tranh thế giới phức hợp”.

Khái nim chiến tranh thế gii phc hp”

Nếu gõ hai từ khóa “мировая гибридная война”, hoặc “World Hybrid War” trên trang tìm kiếm của Google, sẽ nhận được hàng ngàn bài viết và công trình nghiên cứu về chiến tranh thế giới phức hợp. Theo định nghĩa do Vladimir Gorbulin, Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược quốc gia và là Viện sỹ Viện hàn lâm khoa học Ukraine đưa ra thì chiến tranh thế giới phức hợp là cuộc chiến nhằm phá hủy trật tự thế giới cũ và hình thành trật tự thế giới mới.  

Còn theo Từ điển bách khoa Wikipedia, chiến tranh thế giới phức hợp là một loại hình chiến tranh, trong đó các bên không sử dụng các phương thức tác chiến truyền thống mà sử dụng các phương thức hành động phi truyền thống như chiến tranh kinh tế, chiến tranh thông tin-tư tưởng, chiến tranh ngoại giao, chiến tranh phá hoại ngầm, chiến tranh trong không gian mạng và hoạt động của các lực lượng đối lập trên lãnh thổ đối phương v.v.

Chiến tranh thế giới phức hợp diễn ra trong bối cảnh thế giới đang lâm vào cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống. Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ Mike Pompeo từng tuyên bố, với vị thế là siêu cường duy nhất có sức mạnh quân sự và kinh tế vượt trội mà không một quốc gia nào sánh kịp, Mỹ sẽ đóng vai trò “quan tòa của thế giới” để xây dựng một trật tự thế giới mới dựa trên các điều luật do Hoa Kỳ định đoạt. Nga và Trung Quốc không chấp nhận trật tự thế giới do Mỹ định đoạt, sẽ bị Hoa Kỳ loại ra khỏi hệ thống đó.

Bình luận về tuyên bố này của ông Mike Pompeo, bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, lên án chính sách của Mỹ và cho rằng với vị thế “quan tòa của thế giới”, Hoa Kỳ sẽ đưa thế giới quay trở lại kỷ nguyên của “luật rừng”- nơi chỉ có kẻ mạnh nhất mới có cơ hội tồn tại và sống sót. EU không chấp nhận một trật tự thế giới như vậy.

(ảnh minh họa: The Forward)
(ảnh minh họa: The Forward)

Trong bài phát biểu tại Hội nghị an ninh quốc tế lần thứ VII tháng 4/2018 ở Matxcơva, Tổng thư ký Tổ chức an ninh và hợp tác Châu Âu Greminger đã đề cập tới hiểm họa từ chiến tranh thế giới phức hợp, trong đó các ranh giới giữa tình trạng hòa bình và chiến tranh đã bị xóa nhòa và hệ thống quốc tế dựa trên luật pháp đã sụp đổ. Trong đó hoạt động thương mại, làn sóng di cư, thông tin, không gian mạng, chủ nghĩa khủng bố và tội phạm có tổ chức đang trở thành vũ khí chiến tranh, còn những kẻ gây chiến đang lẩn trốn trong bóng tối rất khó xác định.

Trong điều kiện chiến tranh thế giới phức hợp, rất khó phân biệt giữa sự thật và sự dối trá, với hậu quả dẫn đến tính trạng khó lường, khó kiểm soát và bất ổn, tạo ra tình trạng ngờ vực và mất lòng tin. Hiện nay, chiến tranh thế giới phức hợp trở thành chủ đề quan tâm của LHQ và Tổ chức an ninh và hợp tác Châu Âu nhằm xây dựng cơ sở pháp lý để xây dựng các biện pháp đối phó.

Chiến tranh phc hp gia M vi Liên Xô/Nga

Tiền thân của chiến tranh thế giới phức hợp là Chiến tranh thế giới lần thứ I và Chiến tranh thế giới lần thứ II. Còn Chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô, thực chất là cuộc chiến tranh thế giới phức hợp đầu tiên trong lịch sử thế giới.  

Chiến tranh thế giới phức hợp giữa Mỹ và Liên Xô diễn ra trên nhiều chiến tuyến. Trên chiến tuyến quân sự diễn ra cuộc chạy đua vũ trang để giành giật ưu thế chiến lược với cao điểm là “cuộc chiến tranh giữa các vì sao” hay “sáng kiến phòng thủ chiến lược” do Tổng thống Mỹ Ronald Reagan phát động, đưa Liên Xô lâm vào cuộc chạy đua vũ trang dẫn tới tình trạng cạn kiệt tiềm lực kinh tế. Cũng trên chiến tuyến quân sự, Mỹ lôi kéo Liên Xô dấn thân và sa lầy vào cuộc chiến với các tổ chức khủng bố quốc tế mà nòng cốt là lực lượng Al-Qaeda do Washington nuôi dưỡng và kiểm soát ở Afghanistan.

Trên chiến tuyến kinh tế, Mỹ ra sức phá hoại tiềm lực kinh tế của Liên Xô thông qua các hoạt động chiến tranh ngầm, đồng thời thao túng thị trường dầu mỏ thế giới, làm cho giá dầu sụt giá tới mức thấp kỷ lục và đưa nền kinh tế của Liên Xô phụ thuộc vào xuất khẩu dầu lâm vào khủng hoảng.

Trên chiến tuyến chiến tranh thông tin-tư tưởng, Mỹ sử dụng bộ máy truyền thông khổng lồ của Phương Tây đồng thời cài cắm các điệp viên ảnh hưởng vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt vào bộ máy truyền thông của Liên Xô dưới thời cầm quyền của tập đoàn lãnh đạo do M.Gorbachev đứng đầu để tiến hành cuộc chiến tranh thông tin nhằm thay đổi các giá trị của chủ nghĩa xã hội hiện thực.

Để thực hiện thành công cuộc chiến trên lĩnh vực thông tin-tư tưởng, thông qua ban lãnh đạo Liên Xô dưới thời M.Gorbachev, Mỹ đã thành công trong việc tạo ra tình hình khan hiếm giả tạo các hàng hóa nhu yếu phẩm tiêu dùng trên phạm vi cả nước. Mượn cớ đó, bộ máy truyền thông của Phương Tây và cả của Liên Xô khi đó do Mỹ nắm quyền kiểm soát, đưa ra lời cáo buộc tình trạng khủng hoảng này là do sai lầm của mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực.

Trên chiến tuyến phá hoại ngầm, Mỹ sử dụng lực lượng thuộc “đội quân thứ năm” ở Liên Xô, trong đó Mỹ đã cài cắm người của họ vào bộ máy lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Liên Xô. Kết cục của cuộc chiến tranh phức hợp này là Mỹ và các nước Phương Tây đã giành thắng lợi trong Chiến tranh lạnh và làm tan rã Liên Xô. Vì thế, cuộc chiến tranh phức hợp này còn được gọi là Chiến tranh thế giới thứ III.  

Sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ đứng đầu các nước Phương Tây tiếp tục cuộc chiến tranh thế giới phức hợp nhằm tiếp tục làm tan rã Liên bang Nga như một quốc gia có chủ quyền, mở đầu bằng cái gọi là “liệu pháp kinh tế sốc” trong những năm 1990 nhằm tư nhân hóa ồ ạt nền kinh tế Nga. Kết quả của “liệu pháp kinh tế sốc” là nước Nga từ vị thế một cường quốc kinh tế được kế thừa Liên Xô, trở thành quốc gia kém phát triển vào cuối những năm 1990.

Kể từ khi V.Putin lên cầm quyền vào năm 2000, Mỹ đứng đầu các nước Phương Tây tiếp tục tiến hành chiến tranh thế giới phức hợp chống phá Nga với toan tính xóa bỏ nước Nga như một quốc gia có chủ quyền. Cuộc chiến này diễn ra trên nhiều chiến tuyến: cuộc chiến ở Libya và Syria; cuộc khủng hoảng Ukraine; cuộc chiến tranh cấm vận; cuộc chiến thông qua “đội quân thứ năm” và các lực lượng đối lập ở Nga; cuộc chạy đua vũ trang; sự mở rộng Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) sát biên giới Nga; cuộc chiến tranh ma túy từ Afghanistan; cuộc tranh khủng bố từ các nước Trung Á v.v. Về cơ bản, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống V.Putin, bước đầu nước Nga đã đối phó thành công với chiến tranh thế giới phức hợp do Mỹ đứng đầu Phương Tây tiến hành.  

Chiến tranh phc hp gia M vi Trung Quc

Kể từ khi Trung Quốc cải cách, mở cửa và hội nhập với Phương Tây, giới lãnh đạo ở Mỹ cho rằng, bằng cách chấp nhận Trung Quốc hội nhập vào nền kinh tế thị trường ở Phương Tây, sẽ từng bước thay đổi bản chất chế độ cầm quyền ở Bắc Kinh. Tuy nhiên, giới cầm quyền ở Mỹ và Phương Tây không nhận thấy rằng Trung Quốc theo đuổi mục tiêu đầy tham vọng là giành quyền “bá chủ thiên hạ” mà thực chất là xây dựng trật tự thế giới theo sự “đồng thuận Bắc Kinh” thay thế trật tự thế giới theo “sự đồng thuận Washington”. Tham vọng này bộc lộ sau khi Trung Quốc đã vươn lên vị thế nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.

Kể từ khi Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ, nhận thức rõ tham vọng của Trung Quốc, ông xác định Trung Quốc là “kẻ thù số 1” của Mỹ. Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, Donald Trump tuyên bố, ông không thể gọi Trung Quốc bằng một cái tên nào khác là “kẻ thù của nước Mỹ”, là “kẻ phá hoại trật tự thế giới” do Mỹ kiểm soát. Do đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phát động cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện với Trung Quốc, thực chất là phát động chiến tranh phức hợp nhằm vào Trung Quốc.

(ảnh minh họa: Chinimandi.com)
(ảnh minh họa: Chinimandi.com)

Hiện nay, chiến tranh phức hợp giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra trên nhiều chiến tuyến: chiến tuyến chiến tranh thương mại;  chiến tuyến giữa “Made In China 2025” của Trung Quốc và “Made In America” của Mỹ, thực chất là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Trung Quốc và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Mỹ; chiến tuyến giữa chiến lược “Vành đai và Con đường” (BRI) của Trung Quốc và chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ; chiến tuyến giữa mô hình kinh tế Trung Quốc và mô hình kinh tế Mỹ; chiến tuyến giữa đồng đô la Mỹ và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc; chiến tuyến chạy đua vũ trang. Chiến tranh thế giới phức hợp giữa Mỹ và Nga, giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ kéo dài và định hình cục diện trật tự thế giới trong thế kỷ XXI, sẽ thay đổi hoàn toàn diện mạo của thế giới, chí ít cũng tương tự như cuộc chiến tranh phức hợp giữa Mỹ và Liên Xô trong thế kỷ XX