Trong một tuyên bố đưa ra vào cuối hôm đầu tuần, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ "sẽ không ngồi yên" trước các mối đe dọa như vậy, kêu gọi Mỹ tránh làm tăng căng thẳng. AP dẫn lời một quan chức thuộc Bộ này cho hay, nhóm 3 bộ ba đồng minh của Mỹ nên "hành động khôn ngoan" và rằng việc triển khai các vũ khí như trên sẽ "không mang lại lợi ích an ninh quốc gia cho các nước này".
Những bình luận trên cho thấy sự khó khăn mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đối diện khi đang cố gắng ngăn chặn khả năng tên lửa của Trung Quốc trong khu vực, sau khi Washington chính thức rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga hồi tuần trước. Bất cứ quốc gia nào chấp nhận đặt thêm tên lửa của Mỹ sẽ đối mặt với đòn trả đũa ngoại giao và kinh tế từ Bắc Kinh - trong khi tất cả 3 đồng minh của Mỹ được đề cập tới đều xem Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của họ.
Thủ tướng Australia Scott Morrison đã loại trừ khả năng thiết lập căn cứ tên lửa Mỹ khi phát biểu hồi đầu tuần này, sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói ông muốn triển khai tên lửa Mỹ ở châu Á trong vài tháng tới. Hàn Quốc vốn đã chịu đòn trả đũa thương mại của Trung Quốc sau khi lắp đặt hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) do Lockheed Martin chế tạo, vào năm 2016.
"Trung Quốc sẽ không chỉ ngồi chịu trận và chứng kiến các lợi ích của chúng tôi bị xói mòn" - Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong một tuyên bố - "Thêm nữa, chúng tôi sẽ không cho phép bất cứ quốc gia nào khuấy động rắc rối ngay trước cửa nhà của chúng tôi. Chúng tôi sẽ đưa ra mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo các lợi ích an ninh quốc gia của mình".
Ông Fu Cong - Giám đốc cơ quan kiểm soát vũ trang thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cũng cho rằng việc Mỹ triển khai tên lửa ở châu Á "sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới sự ổn định chiến lược toàn cầu". Vị quan chức đặc biệt nhắc tới Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc như những nơi có thể tiếp nhận tên lửa của Mỹ.
Hiệp ước INF năm 1987 quy định Mỹ và Nga không bao giờ được triển khai các tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo mặt đất có tầm bắn trong khoảng 500 - 5.500 km, dù là tên lửa truyền thống hay hạt nhân. Chính quyền Trump đã chính thức rút khỏi hiệp ước này sau khi cáo buộc Nga vi phạm các điều khoản, họ muốn Trung Quốc tham gia INF nhưng cũng bất thành. Trong khi Trung Quốc có thể đặt các vùng lãnh thổ và nước đồng minh của Mỹ vào tầm ngắm nhờ vào các tên lửa tầm trung đặt trên các vùng bờ biển của họ, lựa chọn của Mỹ lại khá hạn chế khi chỉ dựa vào các nước đồng minh và vùng lãnh thổ Guam.
Bà Hoa Xuân Oánh cho rằng, bất cứ hành động triển khai tên lửa nào diễn ra ở bên ngoài lãnh thổ của Mỹ đều cho thấy nước này "có mục tiêu tấn công".
Tờ Global Times còn có bài xã luận đăng tải hôm cuối tuần trước, nói rằng Mỹ có thể gây ra tình trạng hỗn loạn địa chính trị" bằng việc triển khai tên lửa ở châu Á.
"Tầm ảnh hưởng của nó sẽ còn nghiêm trọng hơn cả THAAD lắp đặt ở Hàn Quốc, bởi các tên lửa tầm trung rõ ràng là các vũ khí để tấn công" - bài xã luận có đoạn - "Bất kỳ quốc gia nào chấp nhận triển khai tên lửa Mỹ sẽ là chống lại Trung Quốc và Nga, trực tiếp hoặc gián tiếp, và tự bắn vào chân mình".
Theo Bloomberg
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu