Chiến sự Aleppo: Nga từng đàm phán đình chiến bí mật với phiến quân

VietTimes -- Các thủ lĩnh phe đối lập Syria dưới sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành đàm phán bí mật với Nga về đình chiến ở Aleppo, Mỹ không tham gia cuộc đàm phán này. Tuy nhiên, cuộc đàm phán không đem lại kết quả khả quan.
Chiến sự ở Aleppo vẫn đang tiếp diễn hết sức ác liệt
Chiến sự ở Aleppo vẫn đang tiếp diễn hết sức ác liệt

Liên minh Các lực lượng dân tộc đối lập và cách mạng Syria đã xác nhận thông tin các cuộc họp kín của đại diện Nga và phe đối lập Syria ở Ankara.

"Các cuộc gặp đã diễn ra trong ba ngày bằng những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ, có sự tham gia rất thận trọng của các nhóm mà Thổ Nhĩ Kỳ có một số ảnh hưởng”,  ông Samir Nashar, một thành viên của liên minh nói với Sputnik, lưu ý rằng ông không biết chính xác những người đại diện cho Mátxcơva và Ankara.

Theo ông Nashar, những người dự họp đã cố gắng đề ra kế hoạch giải quyết tình hình ở Aleppo dựa trên đề xuất của đặc phái viên Liên Hợp quốc Staffan de Mistura về một hành lang sơ tán an toàn cho thường dân đổi lấy lệnh ngừng bắn.

"Nhưng có lẽ là không đạt thỏa thuận, vì các nhóm bị bao vây ở Aleppo cương quyết chiến đấu đến cùng và không rút lui”, đại diện của liên minh cho biết. Trước đó, Financial Times đã đưa tin về cuộc họp kín, trích dẫn nguồn tin trong phe đối lập. Họ cho biết, các thủ lĩnh phe đối lập Syria dưới sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành đàm phán bí mật với Nga về đình chiến ở Aleppo, Mỹ không tham gia cuộc đàm phán này.

Cựu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Iraq, ông Unal Chevikoz đã nhận xét với Sputnik về tình hình Aleppo và chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ trên nền tuyên bố gây chấn động mới đây từ ông Erdogan, người nói rằng mục tiêu hoạt động của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria là lật đổ chính quyền Assad.

"Giữa các mục tiêu được Ankara đưa ra vào đầu chiến dịch ở Syria và tình hình của họ hiện nay ở Syria có sự khác biệt đáng lưu ý. Mục tiêu quân sự cũng như chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Syria đều không được xác định rõ ràng. Nói chung, sự mơ hồ còn tồn tại trong chính sách của Ankara về Syria… Thổ Nhĩ Kỳ phải hiểu là việc giải quyết xung đột Syria trong tình hình hiện nay không thể thiếu ông Assad. Hai đấu thủ quốc tế như Mỹ và Nga đã bật đèn xanh cho hoạt động Lá chắn Euphrates, đều không chấp nhận chiến lược để ngỏ khả năng đụng độ trực tiếp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria”, ông Chevikoz đánh giá.

Theo ông Chevikoz, một trong những lý do chính các hoạt động quân sự ở Aleppo trở nên khốc liệt hơn trong thời gian gần đây có liên quan tới việc các đối thủ nỗ lực củng cố vị thế trước khi ông Trump chính thức bước vào Nhà Trắng.