Chiến lược của Mỹ cấm vận Nga đã bị phá sản
Nội dung cơ bản của chiến lược mới của Mỹ với Nga được đăng tải trên trang mạng của Trung tâm an ninh mới của Mỹ, gọi tắt là CNAS (Center for a New American Security). Các tác giả của chiến lược này nhận định, các biện pháp của Mỹ và Phương Tây cấm vận Nga từ năm 2014 tới nay sau khi Tổng thống Nga V.Putin sát nhập Crimea về Nga đã không đạt được mục đích đề ra là “làm thay đổi hành vi của Nga trong quan hệ với Phương Tây”. Nghĩa là, các biện pháp cấm vận đó không dẫn tới hậu quả làm “vỡ vụn nền kinh tế Nga” như nhận định của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông phát động chiến dịch này.
Còn theo con số của Tổng thống Nga V.Putin đưa ra trong chuyến thăm Pháp ngày 19/8/2019, từ năm 2014 đến nay, các biện pháp của Mỹ và Phương Tây cấm vận Nga tuy có làm cho nền kinh tế nước này thiệt hại 50 tỷ USD, nhưng EU cũng chịu tổn thất lên đến 240 tỷ USD. Đó là chưa kể, “nhờ bị cấm vận” nhiều lĩnh vực kinh tế Nga có bước phát triển đột phá. Thí dụ, chỉ sau 3 năm bị Mỹ và Phương Tây cấm vận, Nga trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản lớn hàng đầu thế giới, còn nền kinh tế Nga đã bắt đầu phát triển dựa vào khoa học-công nghệ cao, không còn quá phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên. Hoặc, trong điều kiện bị cấm vận, với ngân sách quốc phòng ít hơn rất nhiều lần của Mỹ, Nga đã phát triển được nhiều loại vũ khí độc nhất vô nhị, hoàn toàn có khả năng vô hiệu hóa mọi cuộc tấn công hạt nhân từ bên ngoài.
Về chiến lược mới của Mỹ với Nga
Tác giả của chiến lược mới của Mỹ với Nga là các chuyên gia làm việc tại các trung tâm và viện nghiên cứu thuộc quyền kiểm soát của Đảng Cộng hòa như Hội đồng chính sách đối ngoại-AFPC (American Foreign Policy Council), Viện nghiên cứu chính trị Potomac-PIPC (Potomac Institute for Policy Studies), Viện kinh doanh Mỹ-AEI (American Enterprise Institute), Cơ quan nghiên cứu của Cục tình báo trung ương Mỹ-Stratfor và Quỹ Jamestown. Ngoài ra, còn có các viện nghiên cứu của Đảng Dân chủ như Trung tâm an ninh mới của Mỹ- CNAS (Center for a New American Security), Viện Brooking và Hội đồng quan hệ đối ngoại-CFR (Council on Foreign Relations). Trong đó đóng vai trò quan trọng nhất là CNAS.
Được thành lập vào năm 2007, CNAS là trung tâm nghiên cứu phân tích có vai trò và chức năng tương tự như Đề án thế kỷ mới của nước Mỹ-PNAC (The Project for the New American Century), nhằm phát huy sức mạnh và ảnh hướng lan tỏa của Hoa Kỳ trên khắp thế giới. Cùng với các viện nghiên cứu có tên trên đây, CNAS là công cụ để “nhà nước ngầm” thực hiện chiến lược toàn cầu của Mỹ sau Chiến tranh lạnh. Từ tháng 1/2018 đến tháng 1/2019, CNAS thuộc quyền chỉ đạo của một nhân vật có tư tưởng chống Nga quyết liệt nhất. Đó là bà Victoria Nuland-người đứng đầu một nhóm nghiên cứu gồm 10 chuyên gia thuộc CNSA, được giao nhiệm vụ soạn thảo Chiến lược của Mỹ ứng phó với Nga” (U.S. Strategies to Counter Russia: A Commentary Series).
Chiến lược mới của Mỹ với Nga sử dụng các biện pháp được gọi là “chính sách gây sức ép kinh tế” bao gồm cấm vận, gây bất ổn kinh tế-xã hội và phá hoại môi trường đầu tư. Tuy nhiên, chính sách gây sức ép về kinh tế chỉ là một phần của chiến lược gây sức ép tổng lực, hay còn được gọi là “chiến tranh phức hợp” (“Hybrid War”), bao gồm việc ủng hộ các lực lượng chính trị đối lập và tiến hành chiến tranh trên không gian mạng.
Theo lý giải của Andrea Kendall-Taylor-Giám đốc Chương trình an ninh xuyên Đại tây dương trực thuộc CNAS, một trong những biện pháp của Chiến lược mới của Mỹ với Nga là nhằm chia rẽ giới tinh hoa cũng như dân chúng Nga với bộ máy quyền lực trong Điện Kremli và với Tổng thống V.Putin, đồng thời tạo ra trạng thái bạo loạn trên lãnh thổ Nga. Để đạt được mục đích đó, Chiến lược mới của Mỹ nhằm thể hiện cho người dân Nga thấy rằng V.Putin đang dẫn dắt họ “đi sai hướng”.
Do đó, theo Kendall-Taylor, các biện pháp cấm vận kinh tế sẽ được bổ sung thêm biện pháp nhằm thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ ở Nga. Để làm được điều đó, Mỹ cần tái lập lại quan hệ đối với Nga, từ đó tạo điều kiện để tiếp xúc với giới trẻ ở quốc gia này. Cũng theo Kendall-Taylor, đây là cách tốt nhất để gây bất ổn ở nước Nga trong kỷ nguyên hậu V.Putin. Do đó, Mỹ cần phải tập trung nỗ lực nhiều hơn nữa vào các chương trình hành động và tuyên truyền để chứng tỏ cho người dân Nga thấy rằng V.Putin đang cản trở người dân nước này hướng đến “một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Chỉ đạo trực tiếp Kendall-Taylor không ai khác mà chính là Victoria Nuland-Giám đốc Trung tâm an ninh mới của Mỹ, người đã từng trực tiếp chỉ đạo cuộc bạo loạn chính trị ở thủ đô Kiev của Ukraine. Hiện nay, để thực hiện Chiến lược mới của Mỹ chống Nga, Victoria Nuland chuyển sang thực hiện chủ trương khôi phục lại quan hệ với nước Nga, từ đó tạo điều kiện để trực tiếp giao lưu với giới trẻ và chỉ cho họ thấy “con đường hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Với mục đích đó, tháng 5/2019, Victoria Nuland đề nghị Matxcơva cấp visa cho bà nhập cảnh vào Nga để tham dự một hội nghị được tổ chức bởi Hội đồng về quan hệ quốc tế của Nga, Hiệp hội đối ngoại của Đức (DGAP) và Viện các công trình nghiên cứu triển vọng quốc tế thuộc Đại học John Hopkins của Mỹ (SAIS). Tuy nhiên, phía Nga đã từ chối đề nghị này bởi Victoria Nuland đã bị chính phủ Nga liệt vào “danh sách đen” để đáp trả các biện pháp cấm vận của Mỹ nhằm vào các quan chức Nga.
Hiện tại, Victoria Nuland làm việc tại Viện Brookings cùng với chồng là Robert Kagan-nhà sáng lập Đề án thế kỷ mới của nước Mỹ. Bà Victoria Nuland cũng đang hợp tác với một tổ chức có tên là “Tập đoàn Albright Stonebridge Group” dưới sự điều hành của nguyên Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Madeleine Albright-một nhân vật diều hâu có tư tưởng chống Nga quyết liệt.
Cuộc tập dượt chiến lược mới của Mỹ chống Nga
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh: The Sacker)
|
Trong những ngày 27/7, 3/8 và 10/8/2019 các lực lượng đối lập ở Nga nhận được sự tài trợ về tinh thần, chính trị và tài chính từ Mỹ và một số nước Phương Tây đã tổ chức tiến hành các cuộc biểu tình trên một số đường phố Matxcơva nhằm phá hoại cuộc bầu cử vào Hội đồng thành phố thủ đô của nước Nga sẽ được tổ chức trong tháng 9/2019. Giới quan sát nhận thấy các cuộc biểu tình ở Matxcơva trong những ngày vừa qua là sự lặp lại y nguyên kịch bản Maidan ở Kiev trong những năm 2013-2014 đã từng dẫn tới cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Ukraine, ông Viktor Yanukovich. Ở Kiev, ban đầu những người tham gia các cuộc biểu tình trên Quảng trường Maidan được kích động bởi các tổ chức “phi chính phủ” của Mỹ chỉ yêu cầu tiếp tục thực hiện chủ trương hội nhập vào Liên minh Châu Âu, nhưng ngay sau đó họ chuyển sang mục tiêu lật đổ Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych.
Để thực hiện mục tiêu này, các chuyên gia xây dựng kịch bản Maidan sử dụng ba con bài chủ yếu: thủ lĩnh các lực lượng đối lập; bộ máy truyền thông; sự can thiệp từ nước ngoài. Về thủ lĩnh các lực lượng đối lập ở Ukraine, Mỹ sử dụng ông Arseniy Yatsenyuk - một nhân vật có tư tưởng dân tộc cực đoan và phát xít mới, theo đó Bộ ngoại giao Mỹ công khai tài trợ cho cái gọi là “Quỹ Ucraina mở” do Arseniy Yatsenyuk sáng lập. Tình huống này giống với tình hình ở Nga, trong đó thủ lĩnh các lực lượng đối lập Alexey Navalny là người đã từng được đào tạo tại Đại học Yale của Mỹ theo Chương trình huấn luyện nhà lãnh đạo tương lai cho các nước trên thế giới.
Về vai trò của giới truyền thông, ở Ukraine Mỹ sử dụng truyền hình và nhiều tờ báo mà Washington đã giành được quyền kiểm soát để tạo dư luận xã hội ủng hộ các lực lượng đối lập. Ở Nga hiện nay, tuy nhà nước đã nắm quyền kiểm soát bộ máy truyền thông nhưng vẫn còn một số tờ báo ủng hộ các lực lượng đối lập.
Về sự can thiệp từ nước ngoài, ở Ukraine, trong 2 năm 2013-2014 đại diện của các nước Phương Tây, đứng đầu là Mỹ, công khai tiếp xúc với thủ lĩnh các lực lượng đối lập để phối hợp hành động, trong đó đáng chú ý nhất là trợ lý Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Victoria Nuland phụ trách khu vực Châu Âu và Á - Âu, trực tiếp xuống đường phân phát bành mì và khích lệ tinh thần của những người biểu tình trên Quảng trường Maidan. Ở Nga hiện nay, Mỹ không thể thực hiện được các hành động công khai như ở Ukraine. Tuy nhiên, Đại sứ quán Mỹ ở Matxcơva đăng tải trên trang mạng của họ lời kêu gọi người dân xuống đường biểu tình. Thậm chí, đại diện phái bộ ngoại giao của Mỹ ở Nga còn hướng dẫn người biểu tình sử dụng các khẩu hiệu chính trị để chống lại Tổng thống V.Putin.
Trong khi đưa tin và bình luận về các cuộc mít tinh phi pháp ở Matxcơva, hãng thông tấn Mỹ CNN và nhiều phương tiện truyền thông khác ở Phương Tây tập trung chú ý vào Alexey Navalny-thủ lĩnh các lực lượng đối lập ở Nga, với hy vọng nhân vật này sẽ tạo ra phong trào phản kháng mạnh mẽ chống lại Tổng thống V.Putin. Còn hãng thông tấn Anh BBC thậm chí còn đưa tin công bố lịch trình các cuộc biểu tình ở Matxcơva.
Mặc dù các cuộc biểu tình ở Matxcơva đã gây khó khăn đối với hoạt động bình thường của giới kinh doanh, người dân và khách du lịch đến Nga, nhưng các lực lượng đối lập đã thất bại trong việc thực hiện nhiệm vụ của Mỹ nhằm tạo ra cuộc bạo động chính trị qui mô lớn từ các hoạt động biểu tình này. Trong các cuộc biểu tình ngày 27/7, ngày 3/8 và ngày 10/8/2019, cơ quan bảo vệ pháp luật của Nga đã bắt giữ hàng trăm kẻ phá hoại, đồng thời Ủy ban điều tra đã lập hồ sơ truy tố hình sự đối với các hành động của các lực lượng đối lập kích động bạo loạn và tấn công các lực lượng bảo vệ pháp luật của nhà nước Nga. Ngày 8/8/2019, Ủy ban điều tra liên bang Nga ra quyết định yêu cầu tòa án ngăn chặn hơn 100 tài khoản của các lực lượng đối lập được hình thành núp dưới chiêu bài thành lập cái gọi là “Quỹ chống tham nhũng” do thủ lĩnh phe đối lập Alexei Navalny lãnh đạo.
Như vậy, trước sự cảnh giác cao độ của các cơ quan bảo vệ pháp luật liên bang của Nga cũng như của chính quyền thành phố Matxcơva, các cuộc biểu tình được kích động từ bên ngoài đã bị dập tắt và toan tính của Mỹ can thiệp vào tình hình chính trị nội bộ của Nga đã thất bại.