Chiến dịch của Nga tại Syria: Những cột mốc và thành quả
Nam Xương
Nga đã sử dụng các máy bay ném bom Su-24M và Su-34, các máy bay
ném bom tầm xa Tu-22M3, cường kích Su-25SM và tiêm kích đa năng Su-30SM,
Su-35S, các trực thăng Mi-24 và Mi-8АMTSh. Ngoài ra, còn huy động các
phương tiện trinh sát vũ trụ và máy bay không người lái, máy bay chiến lược tầm xa, tàu ngầm, tàu sân bay...
Cuộc xung đột vũ trang tiếp diễn ở Syria từ tháng 3/2011. Mấy trăm nhóm phiến quân đánh nhau với quân chính phủ Syria và đánh lẫn nhau. Kẻ thù nguy hiểm nhất của quân chính phủ Syria là các nhóm khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) và Jabhat al-Nusra. Thêm một bên tham gia xung đột nữa là cái gọi là phe đối lập ôn hòa Syria mà vào lúc bắt đầu chiến sự thì sức mạnh tiến công chính của họ là “Quân đội Syria tự do” (FSA). Một trong những lực lượng bản địa có sức chiến đấu nhất trong cuộc xung đột Syria là người Kurd mà ngay từ đầu đã chiến đấu trong hàng ngũ FSA, nhưng sau đó đã quyết định hoạt động độc lập.
Từ tháng 9/2014, không có sự cho phép của chính quyền Syria, liên minh quốc tế do Mỹ cầm đầu tấn công các vị trí của IS ở Syria.
Ngày 30/9/2015, Chánh Văn phòng Tổng thống Nga Sergei Ivanov thông báo, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã đề nghị Liên bang Nga trợ giúp quân sự. Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã trình Hội đồng Liên bang Nga xem xét thông qua nghị quyết cho phép sử dụng lực lượng vũ trang Nga ở nước ngoài. Hội đồng Liên bang đã nhất trí thông qua đề nghị của ông Putin. Mục đích quân sự của chiến dịch được tuyên bố là chi viện đường không cho quân chính phủ Syria chiến đấu chống nhóm khủng bố IS.
Theo quyết định của Tổng tư lệnh Tối cao Lực lượng vũ trang Nga Vladimir Putin, các máy bay của Không quân-vũ trụ Nga (VKS) ngay trong ngày đã bắt đầu tiến hành chiến dịch không kích bằng các cuộc tấn công vào các mục tiêu mặt đất của IS trên lãnh thổ Syria. Để điều phối cuộc chiến chống IS, Nga đã thành lập ở Baghdad trung tâm thông tin có nhiệm vụ thu thập, xử lý, tổng hợp và phân tích dữ liệu về tình hình trong khu vực, cũng như phân bổ thông tin và truyền kịp thời thông tin đến các bộ tổng tham mưu các nước thành viên.
Việc thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu được giao cho một đơn vị chiến đấu của Không quân-vũ trụ Nga (VKS) gồm hơn 50 máy bay và trực thăng.
Trong biên chế đơn vị không quân của VKS có các máy bay ném bom Su-24M và Su-34, các máy bay ném bom tầm xa Tu-22M3, cường kích Su-25SM và tiêm kích đa năng Su-30SM, Su-35S, các trực thăng Mi-24 và Mi-8АMTSh. Ngoài ra, còn huy động các phương tiện trinh sát vũ trụ và máy bay không người lái. Các quân nhân tham gia chiến dịch của không quân chiến đấu Nga tại Syria được sắp xếp ở tại căn cứ Hmeimim, tỉnh Latakia. Căn cứ không quân Hmeimim được bảo đảm hoàn toàn bằng vật chất kỹ thuật chuyển đến từ Nga.
Để bảo vệ và phòng thủ căn cứ, Nga sử dụng một binh đoàn chiến thuật tiểu đoàn bộ binh hải quân (lính thủy đánh bộ) với các phương tiện tăng cường. Cụm tàu Nga, trong đó có các tàu tiến công ở Địa Trung Hải làm nhiệm vụ bảo đảm phòng không cho căn cứ Nga, cũng như vận chuyển phương tiện vật tư.
Trong tháng đầu tiên của chiến dịch ở Syria, các máy bay Nga đã thực hiện 1.391 phi vụ chiến đấu và tiêu diệt 249 sở chỉ huy và đầu mối thông tin, 51 trại huấn luyện khủng bố, 35 nhà máy và xưởng, 131 kho đạn và nhiên liệu, cũng như 371 điểm tựa và cứ điểm, 786 trại dã chiến và các căn cứ khác - tổng cộng là 1.623 mục tiêu khủng bố.
Ngày 7/10/2015, các tàu chiến của Hải quân Nga đã lần đầu tiên tham gia chiến dịch Syria. Các tàu tên lửa Dagestan, Grad Sviyazhsk, Veliky Ustyug và Uglich đã phóng 26 tên lửa hành trình từ biển Caspie vào 11 mục tiêu và tiêu diệt toàn bộ các mục tiêu.
Ngày 17/11/2015, lần đầu tiên kể từ đầu chiến dịch của VKS ở Syrya, Nga đã huy động không quân chiến lược với các máy bay Tu-160, Tu-95MS và Tu-22M3, thực hiện các cuộc không kích ồ ạt bằng bom và tên lửa vào các vị trí của IS ở Syria. Ngày này đã thực sự trở thành ngày lịch sử đối với quân đội Nga khi mà các máy bay ném bom chiến lược Tu-160 và Tu-95MS, trước đó chưa từng tham chiến, đã lần đầu thử lửa trong cuộc chiến trên bầu trời Syria.
Ngày 20/11/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo, biên chế đơn vị không quân ở Hmeimim được tăng lên đến 69 máy bay. Lực lượng hải quân tại thời điểm này gồm 10 tàu, trong số đó có 6 tàu ở Địa Trung Hải.
Ngày 24/11/2015, một máy bay ném bom chiến thuật Su-24 của Nga đã bị tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi trên lãnh thổ Syria. Sau sự kiện này, căn cứ Hmeimim được trang bị một hệ thống tên lửa phòng không S-400 theo lệnh của Tổng thống Nga. Ngoài ra, tất cả những hành động của máy bay tiến công Nga ở Syria nay đều chỉ thực hiện với sự bảo vệ của các tiêm kích.
Ngày 8/12/2015, Nga đã lần đầu tiên sử dụng trong thực chiến tên lửa hành trình tầm xa Kalibr phóng từ tàu ngầm. Các tên lửa được tàu ngầm điện-diesel Rostov trên sông Đông phóng từ Địa Trung Hải đã tiêu diệt tất cả các mục tiêu đã định.
Ban đầu, mục tiêu của máy bay chiến đấu Nga là các sở chỉ huy, bộ tham mưu, đầu mối thông tin, kho vũ khí, đạn dược và xăng dầu, các xưởng sản xuất mìn tự tạo, cải hoán ô tô làm phương tiện khủng bố của IS.
Sau đó, các trọng tâm đã được thay đổi - Nga bắt đầu chú trọng trước hết đến việc triệt phá các nguồn thu nhập của khủng bố. Các cuộc không kích được thực hiện nhằm vào các cơ sở khai thác, lọc và vận chuyển dầu mỏ của IS. Các máy bay chiến đấu Nga cũng bắt đầu “đi săn tự do” đối với các xe téc chở sản phẩm dầu mỏ.
Dưới các cuộc không kích của không quân Nga, phiến quân đã bắt đầu rút lui và mất phần lớn vũ khí trang bị trên tuyến tiếp xúc với quân chính phủ Syria. Theo thông tin tình báo, bọn khủng bố đã thay đổi chiến thuật khi bắt đầu hành động thận trọng hơn, thường xuyên sử dụng ngụy trang hơn.
Chiến dịch ở Syria của VKS đã buộc phe đối lập bắt đầu đàm phán hòa bình với chính quyền Syria để giải quyết cuộc khủng hoảng bằng con đường chính trị. Đàn phán bắt đầu ở Geneva vào ngày 29/1/2016 theo Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an LHQ.
Ngày 22/2/2016, Nga và Mỹ đã công bố đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa quân chính phủ và các nhóm vũ trang đối lập.
Chế độ ngừng bắn ở Syria đã chính thức có hiệu lực vào đêm 26, rạng sáng 27/2/2016 (giờ Damascus). Ngừng bắn không áp dụng với IS, Jabhat al-Nusra và một số nhóm khác bị Hội đồng Bảo an LHQ xác định là khủng bố.
Sau khi đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa phe đối lập và quân chính phủ, khối lượng công việc của không quân Nga giảm mạnh.
Ngày 14/3/2016, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hạ lệnh cho Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu bắt đầu rút quân Nga khỏi Syria từ ngày 15/3/2016.
Từ tháng 9/2015-3/2016, không quân Nga đã thực hiện hơn 9.000 phi vụ, tiêu diệt hàng ngàn phiến quân, 209 cơ sở khai thác, lọc dầu. Nhờ sự trợ giúp của máy bay Nga, quân Syria đã giải phóng 400 khu dân cư và hơn 10.000 km2 lãnh thổ.
Trong khi rút lực lượng khỏi Syria, Nga không từ bỏ các cam kết của mình về việc cung cấp vũ khí trang bị cho chính phủ Syria và huấn luyện chuyên gia quân sự, căn cứ không quân Hmeimim và trạm bảo đảm vật chất kỹ thuật hải quân ở Tartus cũng vẫn tiếp tục hoạt động.
Ngày 29/12/2016, Tổng thống Vladimir Putin thông báo việc ký 3 văn kiện quan trọng: (1) Thỏa thuận ngừng bắn trên lãnh thổ Syria giữa chính phủ Syria và phe đối lập vũ trang; (2) Tổ hợp các biện pháp nhằm kiểm soát chế độ ngừng bắn; (3) Tuyên bố sẵn sàng bắt đầu đàm phán hòa bình giải quyết vấn đề Syria.
Việc ký kết các văn kiện thực hiện được là nhờ hoạt động đàm phán kéo dài 2 tháng của Bộ Quốc phòng Nga với sự trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ với phe đối lập ôn hòa và chính phủ Syria.
Các thỏa thuận ngừng bắn đã được 7 nhóm với tổng quân số 60.000 phiến quân cấu thành nòng cốt lực lượng đối lập vũ trang Syria ký kết.
Ngày 30/12/2016, vào hồi 0 giờ 00, chế độ ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Syria. Các bên bảo trợ ngừng bắn là Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.
Vào đầu năm 2017, lực lượng Nga ở Syria đã bắt đầu được cắt giảm.
Ngày 18/1/2017, Nga và Syria đã ký kết hiệp định mở rộng và hiện đại hóa trạm bảo đảm hải quân Nga ở Tartus, cũng như biên bản xác định các điều kiện bố trí máy bay của VKS ở Syria. Hiệp ước này có hiệu lực 49 năm và được tự động gia hạn mỗi lần 25 năm. Hiệp ước quy định, có thể cho trú đậu đồng thời tại cảng Tartus 11 tàu quân sự Nga, kể cả các tàu động lực hạt nhân với điều kiện chấp hành an ninh hạt nhân và môi trường.
Kể từ đầu chiến dịch ở Syria (tính đến đầu tháng 9/2017), VKS đã thực hiện hơn 30.000 phi vụ chiến đấu, thực hiện hơn 92.000 cuộc không kích, tiêu diệt hơn 96.000 mục tiêu khủng bố (8.332 sở chỉ huy, 17.194 cứ điểm khủng bố, 53.707 điểm tập kết phiến quân, 970 trại huấn luyện khủng bố, 6.769 kho vũ khí, đạn dược, 212 mỏ dầu và 184 nhà máy lọc dầu, 132 trạm bơm nhiên liệu và đoàn xe chở nhiên liệu, 9.328 mục tiêu khác), hơn 87% lãnh thổ Syria được giải phóng khỏi tay IS.
Lực lượng Nga đã gây tổn thất nặng nề cho hệ thống chỉ huy và hạ tầng hâu cần của khủng bố, cắt đứt các tuyến tiếp tể chính vũ khí và đạn dược. Các tổ chức khủng bố đã bị mất đi nguồn tài chính thu từ buôn lậu sản phẩm dầu mỏ.
Trong tháng 9-11/2017, quân chính phủ Syria được sự yểm trợ của VKS đã giành được tiến bộ quan trọng trong việc giải phóng lãnh thổ khỏi tay khủng bố. Đầu tháng 9/2017, quân chính phủ và các lực lượng đồng minh đã chọc thủng vòng vây của phiến quân đối với thành phố Deir ez-Zor trong ba năm qua; Giữa tháng 10/2017, đã đánh chiếm thành trì quan trọng khác của IS là thành phố Mayadin.
Chiến hạm Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr tấn công phiến quân Syria
Chiến đấu cơ Su-30SM hộ tống máy bay ném bom Tu-160 tiêu diệt phiến quân tại Syria
Ngày 3/11/2017, quân đội Syria đã giải phóng hoàn toàn thành phố Deir ez-Zor, Tổng cục trưởng Tổng cục Tác chiến/Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga Sergei Rudskoi đánh giá đây là chiến thắng to lớn nhất trước khủng bố, cực đoan trong suốt thời gian chiến tranh ở Syria. Ngày 9/11/2017, quân đội Syria loan báo giành lại hoàn toàn quyền kiểm soát thành phố Abu Kamal, thành trì cuối cùng của IS ở Syria.
Sau khi giải phóng Abu Kamal, quân chính phủ với sự yểm trợ của VKS đã tiếp tục truy kích lực lượng IS ở khu vực thung lũng sông Euphrates và thực hành tiến công dọc bờ tây sông Euphrates.
Để tiêu diệt các mục tiêu quan trọng nhất của khủng bố, Nga sử dụng tên lửa hành trình phóng từ tàu nổi, tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược từ cự ly đến 1.500 km, cũng như các máy bay ném bom tầm xa.
Lực lượng Tác chiến đặc biệt Nga đóng vai trò quan trong trong việc đánh tan các đơn vị phiến quân. Họ thực hiện các nhiệm vụ tiêu diệt những tên đầu sỏ khủng bố, các mục tiêu trọng yếu của đối phương và hiệu chỉnh hỏa lực không kích cho không quân Nga.
Các cố vấn Nga có sự hỗ trợ to lớn cho bộ chỉ huy quân đội Syria. Họ tham gia vạch kế hoạch các chiến dịch, đào tạo, huấn luyện, chuẩn bị tác chiến cho các binh đoàn, đơn vị quân đội Syria.
Ở Syria đã xây dựng hệ thống phòng không tích hợp thống nhất; bảo đảm việc tích hợp về kỹ thuật-thông tin các phương tiện trinh sát đối không của Nga và Syria. Toàn bộ thông tin về tình hình trên không từ các trạm radar Syria được cung cvaaps đến các sở chỉ huy lực lượng Nga.
Lực lượng phòng không ở khu vực sân bay Hmeimim bao gồm 1 tiểu đoàn radar, 1 đại đội pháo/tên lửa phòng không Pantsir-S1 và các hệ thống tên lửa phòng không S-400. Tất cả các mục tiêu nằm trong bán kính đến 400 km và ở độ cao đến 35 km đều nằm trong tầm sát thương của các hệ thống tên lửa phòng không Nga.
Ở Syria, quân đội Nga đã lần đầu tiên thực hành sử dụng kết hợp lực lượng không quân và lực lượng hải quân trong một cuộc tấn công. Chiến dịch đã khẳng định khả năng của Hải quân Nga thực hiện các cuộc tấn công với mọi độ phức tạp.
Trong thời gian tiến hành chiến dịch, đã sử dụng thử hơn 200 mẫu vũ khí và đạt hiệu quả cao. Nga đặc biệt chú trọng sử dụng thử vũ khí mới để kịp thời tìm ra và sửa chữa những khiếm khuyết có thể có.
Nga đã thử nghiệm các tên lửa hành trình phóng từ tàu nổi, tàu ngầm và máy bay, các máy bay và và trực thăng tối tân, các tên lửa hàng không hiện đại, các hệ thống trinh sát và chỉ thị mục tiêu, cũng như các hệ thống và vũ khí khác. Quân đội Nga trong chiến dịch Syria đã thực hiện được nguyên tắc “một mục tiêu - một quả bom”.
Nhằm trao đổi thông tin về tình hình trên không và loại trừ các sự cố liên quan đến sử dụng máy bay chiến đấu, bộ chỉ huy lực lượng Nga đã tổ chức phối hợp với trung tâm tác chiến của Mỹ ở Jordanie, trung tâm tác chiến không quân liên hợp của Mỹ ở Qatar, sở chỉ huy không quân Thổ Nhĩ Kỳ và trung tâm chỉ huy của Israel.
Để trực tiếp chỉ huy tác chiến trên lãnh thổ Syria, Nga đã triển khai hệ thống chỉ huy cho phép bảo đảm các hành động có phối hợp của lực lượng máy bay của VKS, các đơn vị quân chính phủ, Vệ binh cộng hòa, các đơn vị dân quân, tự vệ.
Hoạt động ở Syria còn có Trung tâm hòa giải của Nga cũng. Nhờ những nỗ lực của trung tâm mà 1,12 triệu người đã trở về nhà mình, trong đó có 660.000 người trở về trong năm 2017, số khu dân cư tham gia quá trình hòa bình ở Syria đã lên tới 2.237.
Hoạt động đàm phán để tham gia chế độ đình chiến với các đơn vị vũ trang đối lập ở các tỉnh Aleppo, Damascus, Hama, Homs và Quneitra đang được tiến hành.
Việc đàm phán giải quyết cuộc khủng hoảng Syria đang diễn ra ở hai diễn đàn - ở Astana và ở Geneva.
Ngày 21/11/2017, Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc gặp với Tổng thống Syria Bashar al-Assad ở Sochi, Nga đã thông báo chiến dịch chống phiến quân ở Syria sắp kết thúc. Còn ông Assad nói rằng: ”Nhờ quân đội Nga, Syria đã được cứu sống với tư cách một quốc gia”. Ông Assad cũng tuyên bố rằng, hoạt động của VKS đã cho phép xúc tiến giải quyết chính trị tình hình Syria “trên cơ sở tôn trọn Hiến chương LHQ, chủ quyền và độc lập của quốc gia”.
Ngày 6/12/2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo đã đánh tan hoàn toàn IS trên cả hai bờ sông Euphrates ở Syria. Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga cũng đưa ra tuyên bố tương tự.
Ngày 11/12/2017, tại sân bay Hmeimim, trước các binh sĩ Nga, Tổng thống Nga Putin hạ lệnh rút phần lớn lực lượng Nga khỏi Syria.
Ngày 26/12/2017, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, Nga đang lập "lực lượng thường trực" đóng ở trạm bảo đảm hải quân Tartus và căn cứ không quân Hmeiomim sau khi Tổng thống Putin phê chuẩn cơ cấu và quân số lực lượng Nga ở các căn cứ Tartus và Hmeymim bases. Cùng ngày, Hồi đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã phê chuẩn hiệp định giữa Nga và Syria về việc mở rộng trạm bảo đảm hải quân Tartus trở thành căn cứ hải quân thực sự.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Đại tướng Valery Gerasimov thông báo, Tướng Suheil Salman al-Hassan đã đánh tan tàn quân khủng bố ở thành phố Deir ez-Zor. Sau khi giải phóng các khu dân cư Salihia, El-Hraith, El-Katya và Musalah, họ đã hội quân với các lực lượng chính phủ đang tấn công từ hướng nam.
Theo Tướng Gerasimov, toàn bộ các hoạt động tác chiến chống phiến quân đều do các cố vấn quân sự Nga vốn có mặt trong từng cụm quân chính phủ vạch kế hoạch. Ngoài ra, ông cũng ghi nhận sự đóng góp to lớn của các đơn vị tự vệ người Kurd trong việc đánh tan IS.
Theo Tướng Gerasimov, toàn bộ các hoạt động tác chiến chống phiến quân đều do các cố vấn quân sự Nga vốn có mặt trong từng cụm quân chính phủ vạch kế hoạch. Ngoài ra, ông cũng ghi nhận sự đóng góp to lớn của các đơn vị tự vệ người Kurd trong việc đánh tan IS.
Tướng Gerasimov nói rằng, liên minh do Mỹ cầm đầu đã không đóng vai trò lớn trong tiêu diệt IS. Năm 2017, liên minh của Mỹ đã chỉ giải phóng được thành phố Raqqa sau 11 tháng vây hãm và tấn công.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga cũng cho biết, các cuộc không kích của liên minh của Mỹ đã hủy diệt 90% thành phố Raqqa khiến nó không thể đảm bảo cho dân cư sinh sống được nữa.
Các thành trì cuối cùng của IS ở Syria do những tên khủng bố được huấn luyện tốt nhất cùng với vũ khí hạng nặng và lính đánh thuê nước ngoài phòng thủ. Trong 5 ngày cuối cùng của đợt công kích, đã tiêu diệt hơn 550 tên khủng bố, trong đó có 130 tên tấn công cảm tử, 6 xe tăng, 14 xe bom, 91 xe bán tải gắn súng máy cỡ nòng lớn.
Giai đoạn cuối đánh tan khủng bố ở Syria đi kèm với việc sử dụng máy bay của VKS với quy mô và cường độ chiến đấu chưa từng có. Mỗi ngày đêm, VKS đã thực hiện 100 lần/chiếc trở lên và thực hiện đến 250 cuộc không kích.
Nga cũng đã sử dụng ồ ạt máy bay tầm xa: trong tháng cuối cùng, các máy bay ném bom tầm xa Tu-22М3 đã thực hiện 14 cuộc không kích ồ ạt vào khủng bố.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã kêu gọi củng cố các vùng giảm căng thẳng ở Syria và nỗ lực để chấm dứt hẳn đổ máu trên lãnh thổ Syria, và chuyển sang quá trình giải quyết chính trị, hòa bình.
Từ đầu tháng 5/2017, ở Syria đã thành lập các vùng giảm căng thẳng. Thỏa thuận liên quan đã đạt được ở Astana, Kazakhstan giữa các đại diện Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Đến nay, ở Syria đã thành lập 4 vùng giảm căng thẳng: một ở tỉnh Idlib và bao gồm cả một phần tỉnh Hama, vùng thứ hai ở phía bắc thành phố Homs, vùng thứ ba ở khu vực Đông Ghouta ở ngoại ô Damascus và vùng thứ tư ở tỉnh Deraa trên biên giới Syria-Jordanie.
Việc đàm phán giải quyết tình hình Syria đang diễn ra ở hai diễn đàn tại Astana, Kazakhstan và Geneva, Thụy Sĩ với sự tham gia của các phe phái đối lập khác nhau ở Syria dưới sự bảo trợ của LHQ và theo sáng kiến của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.