Chiến đấu cơ J-20 Trung Quốc "hổ báo" mức nào?

VietTimes -- Đến nay, vẫn chưa có nhiều thông tin về máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc. J-20 vẫn lệ thuộc vào động cơ do Nga chế tạo, thiết kế khí động học của nó không được coi trọng.
Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc. Ảnh: Sina.
Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc. Ảnh: Sina.

Gần đây, theo tiết lộ của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm, không quân Trung Quốc đã chính thức biên chế máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-20.

Khác với quan điểm của phương Tây, báo chí Trung Quốc gọi J-20 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư.

Theo tờ Liberal Media Nga, Trung Quốc đã trở thành nước thứ 2 trang bị máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm trên thế giới, sau Mỹ (trang bị 2 loại máy bay chiến đấu gồm F-22 Raptor và F-35 Lightning II), tiến độ vượt Su-57 của Nga.

Trung Quốc không công bố chính thức các chỉ tiêu kỹ thuật của máy bay chiến đấu J-20. Được biết, J-20 có độ dài 20,4 m, sải cánh 13,5 m, trọng lượng cất cánh tối đa 36,3 tấn, tốc độ tối đa 2,5 Mach.

Có tin cho rằng J-20 đã tham khảo thiết kế của máy bay chiến đấu F-22 Mỹ và máy bay MiG-1.44 Nga.

J-20 là một loại máy bay chiến đấu hạng nặng. Trung Quốc còn đồng thời đang nghiên cứu chế tạo một loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm hạng nhẹ, đó là J-31. J-31 trang bị 2 động cơ RD-93 do Nga sản xuất.

Vasilii Cashin, chuyên gia vấn đề quân sự Trung Quốc, nhà nghiên cứu cấp cao Trung tâm nghiên cứu Viễn Đông, Viện Khoa học Nga cho rằng J-20 thực sự có thể coi là máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.

Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc. Ảnh: Sina.
Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc. Ảnh: Sina.

Theo Vasilii Cashin, J-20 ít có khả năng bị radar dò tìm được, nó đã trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động và hệ thống thông tin hiện đại. Nhưng động cơ là điểm yếu của nó, hiện nó sử dụng động cơ AL-31 của Nga, trong tương lai sẽ sử dụng động cơ AL-41 Nga.

Nói chung, không có nhiều thông tin lắm về loại máy bay này. Trong khi đó, Mỹ trang bị các máy bay F-22 và F-35 cho không quân đã trải qua một quá trình rất gian nan, đã tiêu tốn rất nhiều kinh phí và thời gian.

Người Trung Quốc chắc cũng sẽ không dễ dàng gì trong vấn đề này, thậm chí Trung Quốc có thể mất nhiều thời gian hơn. Thông tin về loại máy bay chiến đấu này hiện không nhiều, do Trung Quốc không "cởi mở" lắm trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, nhìn vào những thông tin đã được biết đến hiện nay thì có thể phán đoán, J-20 là một loại máy bay chiến đấu hiện đại có sức chiến đấu khá mạnh.

Trong khi đó, theo chuyên gia Vasilii Cashin, số phận của máy bay chiến đấu J-31 Trung Quốc còn chưa rõ ràng. Có khả năng đây chỉ là một phiên bản dùng cho xuất khẩu. Nói chung, người Trung Quốc hy vọng đồng thời sở hữu cả máy bay hạng nặng và hạng nhẹ.

Máy bay chiến đấu hạng nặng thế hệ thứ năm e rằng không thể thay thế hoàn toàn máy bay chiến đấu thế hệ 4+, nhưng người Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đầu tư tiền của.

Có tin cho biết lô máy bay chiến đấu J-20 đầu tiên trang bị cho quân đội Trung Quốc đã mô phỏng vai trò của "kẻ xâm lược" trong huấn luyện, mục đích là huấn luyện máy bay chiến đấu thông thường hiện có trong cuộc đối đầu với máy bay chiến đấu tàng hình.

Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc. Ảnh: Sina.
Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc. Ảnh: Sina.

Theo Vasilii Cashin, máy bay chiến đấu tàng hình J-20 là do Trung Quốc tự nghiên cứu chế tạo, áp dụng bố cục khí động học giống như máy bay chiến đấu J-9 trước đây.

Người Trung Quốc đã sáng lập ra trường phái thiết kế máy bay tương đối có thực lực, đến nay trường phát này đang gặt hái thành quả. Đây là kết quả nỗ lực gần 40 năm. Nhưng, về lâu dài, trường phái này của Trung Quốc không được giới quan sát nước ngoài coi trọng.

Về vũ khí trang bị cho máy bay, chuyên gia Nga Vasilii Cashin cho rằng tên lửa không đối không của Trung Quốc tương đối tốt. Trong đó, tên lửa Tịch Lịch-12 (PL-12) tương tự tên lửa không đối không tầm trung R-77 của Nga (tầm bắn 110 km), nhưng có một số tính năng tốt hơn.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã nghiên cứu chế tạo ra tên lửa không đối không tầm ngắn PL-10, tương tự với các tên lửa không đối không tầm ngắm RVV-MD và R-73 của Nga.

Tên lửa không đối không tầm xa PL-15 của Trung Quốc cơ bản đã được sản xuất hàng loạt. Trung Quốc còn lệ thuộc vào Nga về một số linh kiện trong lĩnh vực này, nhưng bất kể thế nào thì họ cũng đã đạt được thành tựu to lớn.

Theo chuyên gia Vasilii Cashin, giống như nhiều nước khác, để trở thành máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm, máy bay của Trung Quốc phải có khả năng ít bị dò tìm được, tích hợp được hệ thống điện tử hàng không tiên tiến, lắp radar mảng pha quét điện tử chủ động và có khả năng tuần tra siêu âm. Máy bay chiến đấu Trung Quốc có khả năng cơ động siêu mạnh hay không còn chưa rõ.

Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc. Ảnh: Sina.
Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc. Ảnh: Sina.

Andrei Frolov, chuyên gia Trung tâm phân tích chiến lược, chiến thuật, chủ biên tạp chí "Xuất khẩu vũ khí" Nga cho rằng tính năng thực tế của thiết bị điện tử hàng không lắp ở J-20 còn chưa rõ ràng.

Theo Andrei Frolov, J-20 là một loại máy bay chiến đấu hạng nặng, tầm xa, trang bị hai động cơ, có thể vượt qua chuỗi đảo thứ nhất trong tình hình không phải tiếp dầu trên không. Chuỗi đảo này được hợp thành bởi Okinawa, Đài Loan, Philippines.

Rõ ràng, loại máy bay chiến đấu này phù hợp với quan điểm thiết kế và đặc điểm tác chiến của không quân Trung Quốc, mang đặc sắc Trung Quốc.

Trong khi đó, máy bay chiến đấu J-31 có thể được gọi là "F-35 của Trung Quốc", chủ yếu dùng để xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Nó có kích thước nhỏ hơn J-20, chi phí chế tạo thấp hơn.

Về công nghệ, người Trung Quốc đã có bước tiến xa. Họ thậm chí đã phát triển động cơ WS-15 cho máy bay J-20 để thay thế động cơ mua từ Nga. Tính năng thực tế của nó còn chưa rõ, nhưng dù thế nào thì Trung Quốc cũng là nước thứ hai sau Mỹ đồng thời nghiên cứu chế tạo 2 loại máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm.