Ngoài 1.497 tỷ đồng góp vốn điều lệ, trước mắt sẽ phải chi 4.000 tỷ đồng hoàn thành 1 dự án để đổi lấy quyền khai thác khu đất “vàng” số 148 Giảng Võ, Hà Nội.
Bên lề phiên đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) chiều 20/3, ông Trần Văn Tân, Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc VEFAC tiết lộ một số cam kết của Vingroup khi trở thành nhà đầu tư (NĐT) chiến lược của VEFAC. Đây là một trong những nội dung quan trọng của bản hợp đồng hợp tác đã được hai bên ký kết.
Trong phiên đấu giá IPO, mức giá trúng đấu giá bình quân là 10.058 đồng/CP và thấp nhất là 10.050 đồng (bằng giá khởi điểm). Vậy VEFAC đã xác định mức giá bán cụ thể cho Vingroup - nhà đầu tư (NĐT) chiến lược mua 80% cổ phần chưa?
Chúng tôi đã xác định giá bán cổ phần cho NĐT chiến lược trước phiên IPO này và giá cao nhất mà nhà tư vấn đưa ra là 10.080 đồng/CP. Bộ trưởng Bộ VHTT&DL và Ban chỉ đạo cổ phần hóa VEFAC đã họp, quyết định lấy giá bán cao nhất. Sau phiên đấu giá này, mức giá bán cho Vingroup là 10.050 đồng/CP.
Tôi cho là hợp lý. Vì giá phải theo thị trường và như đã thấy, giá trúng đấu giá bình quân chỉ là 10.058 đồng/CP. Họ mua “buôn”, mua trước, chịu đầy rủi ro thì giá phải ưu đãi hơn.
Kết quả đấu giá cổ phần và mức giá bán cho NĐT chiến lược dường như đã được công ty dự tính trước ?
Không, chúng tôi làm sao tính trước được việc này, đó là việc của thị trường. Chúng ta phải tuân theo thị trường chứ.
Mức vốn điều lệ của VEFAC khi IPO là 1.666 tỷ đồng, cao gấp 10 lần phần vốn nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp. Vậy khi nào triển khai kế hoạch phát hành thêm để bán 80% cổ phần cho NĐT chiến lược Vingroup, đảm bảo đủ mức vốn điều lệ và dự tính thời điểm niêm yết?
Sau phiên đấu thầu, Ban chỉ đạo CPH sẽ họp lại và xem xét cam kết của Vingroup sẽ mua hết cổ phiếu bán đấu giá không hết với mức giá mà tập đoàn đã mua trước khi IPO. Việc phát hành thêm cổ phần phải đợi Ban chỉ đạo họp quyết định và làm đúng quy trình. Còn cổ phiếu VEFAC sẽ lên sàn trong thời gian nhanh nhất.
Ông có thể tiết lộ cụ thể hơn Vingroup có cam kết hỗ trợ tài chính như thế nào cho VEFAC?
Họ có nhiều cam kết, trong đó có cam kết lo toàn bộ vốn thực hiện đầu tư cho 3 dự án thành phần thuộc dự án Trung tâm triển lãm quốc gia, chứ không chỉ có phần vốn góp 80%. Hiện, chưa tính chính xác được tổng mức vốn đầu tư 3 dự án này. Vì, chưa có vị trí dự án Nhật Tân – Nội Bài, dự án Mễ Trì chưa rõ còn lại thế nào… Hiện, cũng chưa chọn được địa điểm di dời Trung tâm triển lãm Giảng Võ.
Sau đó, công ty cổ phần phải lập dự án đầu tư, được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 thì lúc đó mới tính được tổng mức đầu tư…
Vậy khi đã có NĐT chiến lược, mức đầu tư và việc triển khai dự án tại khu đất “vàng” Triển lãm Giảng Võ hiện tại sẽ như thế nào?
Khu đất Triển lãm Giảng Võ là đất thuê có thời hạn, chưa tính vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa.
Do đó, khi đã trở thành CTCP, VEFAC có trách nhiệm lập quy hoạch dự án khu đất Giảng Võ và trên cơ sở quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì mới tính giá đất theo quy định (theo giá thị trường và trên khung giá do UBND TP Hà Nội quy định).
Nhiều người tưởng rằng, bỏ ra có hơn 1.400 tỷ đồng mà lấy luôn đất là không phải. Đấy mới chỉ là góp vốn cổ phần, còn tiền đất (tiền sử dụng đất, thuế phí) là chưa đóng góp gì. Vì hiện chưa biết làm gì, chưa có quy hoạch cụ thể…
Nhưng, sẽ phải chi khoản tiền khổng lồ. Như trong vòng 3 năm (kể từ khi nhận mặt bằng), Vingroup phải bỏ ra 4.000 tỷ đồng để đầu tư, xây dựng hoàn thành dự án triển lãm Nhật Tân – Nội Bài và bàn giao lại cho nhà nước (theo hình thức BT), sau đó mới được quyền khai thác khu đất vàng số 148 triển lãm Giảng Võ. Nếu không thực hiện, sẽ bị tịch thu luôn quyền của NĐT chiến lược và không bồi hoàn, kể cả số tiền mà Vingroup đã nộp cũng mất luôn.
Quy định tịch thu quyền của NĐT chiến lược được thể hiện ở văn bản nào, thưa ông?
Ghi rõ trong cam kết, hợp đồng và trong phương án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Nếu sau 3 năm, Vingroup không làm đúng cam kết thì sẽ xử lý như thế nào?
Lúc đó, cổ đông nhà nước sẽ thực hiện xử lý vì nhà nước có quyền “thổi còi” nếu anh làm sai. Quyền này đã được quy định trong thỏa thuận giữa hai bên và Luật Doanh nghiệp cũng quy định những điều khoản được thỏa thuận. Bên tôi là đại diện cổ đông nhà nước và nếu được Chính phủ ủy quyền, thì không có hạn chế thời gian…
Cứ có yếu tố cổ đông nhà nước là có quyền đó, chứ không cứ tỷ lệ sở hữu chỉ 10%. Dù tỷ lệ rất nhỏ thì vẫn giữ nguyên quyền phủ quyết.
Theo TBKD