Chỉ huy tàu Liêu Ninh nhận chức mới Trợ lý Tham mưu trưởng Hải quân Trung Quốc

VietTimes -- Trương Tranh là người từng tuyên bố: "Điều Trung Quốc cần không chỉ là một chiếc tàu sân bay có thể hoạt động, điều chúng ta cần hơn là một chiếc tàu sân bay có thể đánh trận".
Trương Tranh, nguyên chỉ huy tàu sân bay Liêu Ninh, hiện đã được bổ nhiệm làm Trợ lý Tham mưu trưởng Hải quân Trung Quốc. Nguồn ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.
Trương Tranh, nguyên chỉ huy tàu sân bay Liêu Ninh, hiện đã được bổ nhiệm làm Trợ lý Tham mưu trưởng Hải quân Trung Quốc. Nguồn ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.

Trang tin tức Bành Bái Trung Quốc ngày 21/5 dẫn báo "Hải quân Nhân dân" do Ban Công tác chính trị Hải quân Trung Quốc xuất bản cho biết, Đại tá hải quân Trương Tranh, nguyên chỉ huy tàu sân bay Liêu Ninh đã được bổ nhiệm làm Trợ lý Tham mưu trưởng Hải quân Trung Quốc.

Theo dõi trên báo chí hiện nay vẫn chưa thấy có thông tin gì mới về việc người thay thế Trương Tranh lên làm chỉ huy tàu sân bay Liêu Ninh là ai.

Con tàu này hiện đang chủ yếu làm nhiệm vụ huấn luyện, thử nghiệm khoa học, tạo tiền đề cho xây dựng biên đội tàu sân bay trong tương lai. 

Trương Tranh sinh năm 1969 trong một gia đình quân nhân ở Trường Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. 

Sau khi tốt nghiệp Đại học, được phân công làm trợ lý kỹ sư ở Bộ Tư lệnh Hạm đội Đông Hải. Sau đó, Trương Tranh học chuyên ngành chỉ huy tác chiến tàu chiến trình độ Thạc sĩ ở Học viện Tàu chiến Đại Liên. 

Rời đại học, Trương Tranh lần lượt giữ các chức như trưởng bộ phận, tham mưu, phó chỉ huy tàu, chỉ huy tàu ở Hạm đội Đông Hải. Ngoài ra, Trương Tranh đã lần lượt được cử đến học ở Học viện Ngôn ngữ Quốc phòng Anh và Học viện Chỉ huy-Tham mưu Quân đội Anh. 

Tháng 9/2012, tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh Hải quân Trung Quốc chính thức đi vào hoạt động, Hải quân Trung Quốc bước vào thời đại tàu sân bay. Trung Quốc bổ nhiệm Đại tá hải quân Trương Tranh làm chỉ huy tàu sân bay Liêu Ninh.

Ngày 23/4/2015, Trương Tranh phát biểu tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc. Nguồn ảnh: Báo Nhân Dân Trung Quốc.
Ngày 23/4/2015, Trương Tranh phát biểu tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc. Nguồn ảnh: Báo Nhân Dân Trung Quốc.

Trang tin quân sự Trung Quốc từng đăng bài đánh giá về Trương Tranh cho hay, ông này từng làm chỉ huy tàu hộ vệ và tàu khu trục, đồng thời có học lực xuất sắc tại các học viện, nhà trường quân sự nước ngoài, có kinh nghiệm quản lý và chỉ huy phong phú, đã nghiên cứu sâu về xây dựng tàu chiến mặt nước cỡ lớn. 

Ngày 23/4/2015, ngày kỷ niệm tròn 66 năm thành lập Hải quân Trung Quốc, khi lần đầu tiên có phát biểu công khai tại Đại học Thanh Hoa, chỉ huy tàu sân bay Liêu Ninh Trương Tranh nhấn mạnh: "Sở hữu tàu sân bay chỉ là sự khởi đầu cho giấc mơ của chúng ta (Trung Quốc). 

Điều chúng ta cần không chỉ là một chiếc tàu sân bay có thể hoạt động, điều chúng ta cần hơn là một chiếc tàu sân bay có thể đánh trận".

Phát biểu như vậy phản ánh rõ các quan chức Quân đội Trung Quốc luôn đề cập đến các quan điểm xây dựng quốc phòng và quân đội do ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc đưa ra trong bối cảnh mới hiện nay. 

Tham vọng toàn cầu 

Hiện nay, Trung Quốc có một kế hoạch đầy tham vọng, đó là đạt được mục tiêu cải cách quốc phòng và quân đội vào năm 2020, hiện đang tập trung xây dựng hệ thống chỉ huy tác chiến liên hợp mới, trong đó Quân ủy quản lý thống nhất, các chiến khu chú trọng chỉ huy tác chiến, các quân chủng chú trọng công tác xây dựng.

Hải quân là một quân chủng được Trung Quốc đặc biệt coi trọng phát triển để phục vụ cho mục tiêu chiến lược xây dựng cường quốc biển do Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đưa ra. 

Mục tiêu quan trọng hiện nay là Hải quân Trung Quốc sẽ tìm cách kiểm soát hoàn toàn các vùng biển gần như Biển Đông, theo yêu sách “đường lưỡi bò” thì mưu đồ của họ là độc chiếm Biển Đông làm ao nhà.

Với đặc điểm bành trướng Đại Hán và thể hiện rõ rệt trong các yêu sách mở rộng ra các vùng biển xung quanh hiện nay cũng như những đòi hỏi đối với các vùng biển xa xôi khác, tham vọng của Trung Quốc thực sự lớn hơn nhiều. Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng một lực lượng hải quân mang tính toàn cầu. 

Sự phát triển của Hải quân Trung Quốc là một tất yếu, tương xứng với thực lực kinh tế đang lên của họ. Hiện nay, Trung Quốc đã là một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. 

Huấn luyện trên tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. Nguồn ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.
Huấn luyện trên tàu sân bay Liêu Ninh, Hải quân Trung Quốc. Nguồn ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc.

Điều quan trọng là, thực lực kinh tế và quân sự được tăng cường, nhưng Trung Quốc cũng sử dụng những sức mạnh ấy cho các tham vọng bất hợp pháp. 

Với yêu sách “đường lưỡi bò” vô lý, phi pháp cùng với các hành động quân sự hóa mạnh mẽ của Bắc Kinh trên Biển Đông hiện nay – đây rất có thể sẽ trở thành tai họa cho hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông.

Trung Quốc đang nỗ lực xây dựng biên đội tàu sân bay để góp phần xây dựng một hình tượng “nước lớn” có sức mạnh trên trường quốc tế. 

Con đường trở thành nước lớn về tàu sân bay đang trở nên rõ ràng, nhưng để trở thành “cường quốc tàu sân bay” Bắc Kinh cũng còn phải nỗ lực rất dài, rủi ro và các mối đe dọa của tàu sân bay cũng ngày càng lớn hơn trong tương lai.