Theo Morgan Stanley, nợ công tăng nhanh đã khiến các ngân hàng trung ương châu Á siết chặt chính sách nới lỏng tiền tệ, gây ảnh hưởng tiêu cực tới khu vực đầu tư tư nhân vốn cần được chú trọng để hỗ trợ tăng trưởng.
Tỷ lệ nợ trên GDP của châu Á (trừ Nhật Bản) đã tăng từ 147% năm 2007 lên 203% năm 2013, trong đó, chủ yếu là nợ doanh nghiệp. Tại 7 trên 10 quốc gia gồm cả Trung Quốc và Hàn Quốc, nợ trên GDP đã gần hoặc vượt 200%.
Tuy nhiên, nguy cơ giảm phát đang lan từ châu Âu sang châu Á do giá dầu hạ, làm giảm triển vọng tăng trưởng tại các công ty, khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và đe doa sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Giá dầu xuống mức thấp nhất hơn 5 năm đang khiến các quốc gia xuất khẩu dầu thô như Malaysia bị ảnh hưởng, nhưng lại có lợi cho các nước khác như Philippines và Indonesia. Nhờ giá dầu rẻ, trong tháng 11 /2014, chỉ số giá tiêu dùng tại Singapore đã giảm lần đầu tiên kể từ năm 2009.
Trong khi đó, lạm phát tại Thái Lan hiện ở mức thấp nhất hơn 5 năm qua. Trong tháng 11/2014, tức là tháng thứ tư liên tiếp, mức lạm phát ở Nhật Bản đã chậm lại, trong khi sản xuất công nghiệp và mức tiêu thụ đã sụt giảm. Đó là những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế đứng hàng thứ ba thế giới này có nguy cơ rơi vào suy thoái kéo dài.
Trước tình hình này, theo Morgan Stanley, các nước châu Á sẽ giảm lãi suất thực, nhưng vấn đề là liệu có giảm đủ mạnh và kịp thời để chống áp lực giảm phát hay không.
Tuần trước, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) gây ngạc nhiên khi tuyên bố cắt giảm 25 điểm cơ sở trong lãi suất repo - tỷ lệ lãi suất chuẩn của nước này.
Raghuram Rajan, Thống đốc RBI, cho rằng đà giảm lạm phát mạnh ở Ấn Độ, chủ yếu dựa vào năng lượng nhập khẩu, là lý do chính cho việc cắt giảm đột ngột này.
Các nhà phân tích cũng chỉ ra nhu cầu yếu và tăng trưởng chậm lại khiến nước này phải nới lỏng tiền tệ. Theo ông Daniel Martin, chuyên viên kinh tế của Capital Economics, động thái bất ngờ của RBI trong ngày thứ Năm chỉ đánh dấu sự khởi đầu của một chu kỳ nới lỏng chính sách.
Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) giữ nguyên lãi suất 2% nhưng giảm nửa điểm phần trăm dự báo 2015 cho cả tăng trưởng và lạm phát. BOK hy vọng giá sẽ tăng 1,9% trong năm nay, trong khi nền kinh tế sẽ tăng trưởng 3,4%. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích kỳ vọng BOK sẽ hạ lãi suất vào tháng 2 hoặc tháng 3 trước nỗi lo về lạm phát thấp và đà tăng trưởng ảm đạm, mặc dù nợ gia đình từ lâu đã là một mối quan tâm đối với các nhà hoạch định chính sách của Hàn Quốc.
"Hạ lãi suất có thể khuyến khích các hộ gia đình nợ nhiều hơn, mà điều này sẽ dẫn tới các rủi ro trong lĩnh vực tài chính", phân tích của Capital Economics lưu ý.
Hầu hết các nhà phân tích mong đợi Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á, nới lỏng chính sách tiền tệ trong bối cảnh nước này có dấu hiệu giảm tăng trưởng. Lần đầu tiên kể từ năm 2012, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất trong tháng 11/2014. Dữ liệu cho vay tháng 12 đã cho thấy sự sụt giảm các khoản vay mới.
Theo Liu Li-Gang, một nhà phân tích tại Ngân hàng ANZ, sự sụt giảm này là do các ngân hàng lo ngại về rủi ro trong cho vay. Tuy nhiên, ANZ dự báo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc phải hành động để thúc đẩy tín dụng. "Khi nền kinh tế tiếp tục chậm lại và nguy cơ giảm phát lớn, chúng tôi hy vọng chính sách tiền tệ để giảm hơn nữa", nhà phân tích này báo cáo.
Các ngân hàng cũng hy vọng Trung Quốc, Hàn Quốc và Thái Lan hạ lãi suất trong quý đầu tiên của năm nay. Khu vực châu Á được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ sự sụt giảm của giá dầu, thông qua lạm phát thấp hơn. Ngoài Malaysia, một nước xuất khẩu dầu thô, gần như tất cả các nền kinh tế châu Á đều nhập khẩu năng lượng, đặc biệt nhạy cảm với những thay đổi về giá.
"Thị trường hy vọng kinh tế châu Á được hưởng lợi từ sự sụp đổ nhanh chóng của giá năng lượng. Nhưng dấu hiệu này vẫn chưa thành hiện thực", Neumann, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á của HSBC, trong một báo cáo. HSBC đã hạ dự báo tăng trưởng đối với Trung Quốc, Ấn Độ, Đài Loan, Indonesia và Malaysia, cắt giảm triển vọng của Thái Lan.
Để xoa dịu những lo lắng về đòn bẩy tài chính, Trung Quốc có thể thắt chặt các quy định về ghi nhận nợ xấu. Dù điều này có thể làm giảm tăng trưởng tín dụng và GDP, nó sẽ hạ thấp các nguy cơ và dọn đường cho chính sách nới nỏng tài khóa, tiền tệ mạnh tay sau này, theo Morgan Stanley.
Tại Hàn Quốc và Thái Lan, các nhà hoạch định chính sách có thể thắt chặt quy định với hộ gia đình để ngăn chặn tình trạng vay nợ quá mức, đồng thời sẽ giảm lãi suất để khuyến khích người vay có hồ sơ tín dụng tốt, Morgan Stanley nhận định.
Theo TBDNSG