Trao đổi với VnExpress, giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, cho rằng việc Mỹ chào đón chuyến thăm của ông Trọng chứng tỏ sự công nhận của Washington về tầm quan trọng của Tổng Bí thư trong hệ thống chính trị của Việt Nam.
Theo Thayer, có hai vấn đề chính đặt ra các cơ hội cho Việt Nam và Mỹ thời gian tới là: kết thúc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và khả năng tới Hà Nội của ông Obama. Lãnh đạo Việt Nam và Mỹ cũng sẽ trao đổi với nhau về tình hình ở Biển Đông vì điều này rất quan trọng cho sự hiểu biết lẫn nhau.
"Ông Trọng và ông Obama sẽ thảo luận về việc làm sao đạt được Thỏa thuận về Đối tác chiến lược giữa hai nước, bằng cách nhận dạng các lĩnh vực ưu tiên và đặt mục tiêu cho tương lai", ông Thayer nhận định.
"Dù Việt - Mỹ chưa đạt tới khuôn khổ Đối tác chiến lược nhưng quan hệ song phương vẫn bao gồm hợp tác mang tính chiến lược trên thực tế, như là an ninh hàng hải", Thayer đánh giá và thêm rằng hợp tác an ninh sẽ "gia tăng trong những năm tới".
Theo đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, các lãnh đạo Việt Nam và Mỹ đều rất tham vọng về quan hệ đối tác của hai nước và đều nhấn mạnh đến tính thực chất, đến những việc mà hai bên có thể làm cùng nhau. Một trong những nét chính trong hợp tác Việt - Mỹ sắp tới là Mỹ sẽ hỗ trợ cho lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam. Hai bên sẽ thực hiện các hoạt động chung, góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định ở khu vực châu Á, thúc đẩy các nước trong khu vực tuân thủ hợp tác quốc tế, không nước nào có hành động đe dọa nước khác.
"Những năm gần đây, chúng tôi nhận thấy rằng không chỉ quan hệ đồng minh mới quan trọng mà các quan hệ đối tác cũng rất quan trọng. Hiện tôi đang ở Việt Nam để giúp xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ với Việt Nam. Điều khác biệt ở đây là chúng ta từng có những khó khăn trong quá khứ. Và qua thời gian qua, chúng ta đã cố gắng rất nhiều để cải thiện điều này", ông Osius nói.
Hai nước hồi đầu tháng 6 ký Tuyên bố tầm nhìn chung về quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ, nhân chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter. Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, hợp tác quốc phòng nói chung, đặc biệt là giữa Việt Nam và Mỹ có tính chất tiệm tiến, hợp tác thực chất chính là những nội dung hai bên tìm được cái chung để cùng thực chất thực hiện.
"Thực chất ở đây có nghĩa là hai bên đã nói với nhau cái gì thì làm cái đó và làm đúng cái mà mình nói" ông Vịnh cho hay.
Về khả năng ông Obama thăm Việt Nam, ông Thayer cho biết "phía Mỹ đã thông báo rằng Tổng thống Obama sẽ tham dự Thượng đỉnh APEC tại Manila vào tháng 11 năm nay. Điều đó có nghĩa ông sẽ dự cuộc gặp Mỹ - ASEAN tại Kuala Lumpur, Malaysia cuối năm nay. Như vậy chuyến đi tới Việt Nam trong thời gian này hoàn toàn khả thi" và đây sẽ là sự kiện "đỉnh điểm" kỷ niệm 20 năm Việt - Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius hôm 22/6 khi trả lời phỏng vấn trực tuyến VnExpress cho biết trong thời điểm lịch sử khi hai nước kỷ niệm 20 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao, dự kiến có khoảng 6 đến 7 ủy viên Bộ Chính trị Việt Nam sang thăm Mỹ. Ngược lại, có 5 hoặc 6 quan chức cấp bộ trưởng Mỹ, có thể cả Tổng thống Mỹ Barack Obama, sang thăm Việt Nam.
Tiến sĩ Alexander Vuving đánh giá Việt - Mỹ đã từng nỗ lực nhiều lần nhằm xích lại gần nhau từ ngay sau chiến tranh, và chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ George W Bush nhiệm kỳ 2001 - 2008 đã có những cố gắng "kéo Việt Nam về phía mình".
"Cái bắt tay giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Obama dịp này sẽ đặt nền tảng cho những biến chuyển sâu rộng sẽ diễn ra ở Việt Nam trong nhiều năm tới", Vuving chia sẻ.
Ông Vuving cũng đánh giá chuyến thăm Mỹ của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ báo hiệu rằng xu hướng "hiện đại hoá" đang đi lên ở Việt Nam.
"Việc Việt - Mỹ có ký kết được những thỏa thuận mới nào phụ thuộc vào thành phần các quan chức Việt Nam đi tháp tùng ông Trọng. Có thể ông Trọng và ông Obama sẽ ra một tuyên bố chung", ông Thayer dự đoán.
Theo: VnExpress