Cập nhật số liệu dịch viêm phổi cấp Vũ Hán sáng 2/2/2020: 14.380 người bị bệnh, 304 người tử vong

VietTimes -- Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng loại mới  ở Vũ Hán tiếp tục lây lan mạnh ở Trung Quốc. Theo số liệu do Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia công bố lúc 8h sáng Chủ Nhật (2/2), trong 24 giờ qua, tổng số ca bệnh mới được xác nhận trên toàn quốc là 2.590, đưa tổng số người bị bệnh lên tới 14.380 (trong đó có 2.110 ca nặng) với 304 trường hợp tử vong; đã xuất viện 328 người, số nghi nhiễm là 19.544 người.
Số bệnh nhân ở các vùng trong toàn Trung Quốc và số ca tử vong ở Hồ Bắc đang tăng lên rất nhanh (Ảnh: Đa Chiều).
Số bệnh nhân ở các vùng trong toàn Trung Quốc và số ca tử vong ở Hồ Bắc đang tăng lên rất nhanh (Ảnh: Đa Chiều).

Ngoài ra, khu vực Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan đã xác định có 31 người mắc bệnh: Hồng Kông 14, Ma Cao 7, Đài Loan 10.

Tân Kinh Báo dẫn tin của Ủy ban Y tế và Sức khỏe quốc gia Trung Quốc, trong 24 giờ qua (tính đến 24h đêm 1/2) toàn Trung Quốc đã có thêm 2.590 ca nhiễm bệnh mới, đưa tổng số người bị bệnh lên 14.380. Hiện có 2.110 ca bệnh nặng, đã tử vong 304, 19.544 ca nghi nhiễm. Tổng số đến nay đã có 328 bệnh nhân được xuất viện.

 Ngoài ra hiện đã phát hiện được 163.844 người tiếp xúc gần gũi với các bệnh nhân, 137.594 người đang được giám sát y tế.

Người nghi nhiễm bệnh xếp hàng chờ đợi tại một phòng khám ở Vũ Hán (Ảnh: Đông Phương)
Người nghi nhiễm bệnh xếp hàng chờ đợi tại một phòng khám ở Vũ Hán (Ảnh: Đông Phương)

Tỉnh Hồ Bắc vẫn là khu vực  thiệt bị hại nặng nề nhất. Tính đến 24h đêm 1/2, tỉnh này đã thông báo có thêm 1.921 ca bệnh mới (Vũ Hán 894, Hoàng Thạch 43, Thập Yển 35, Tương Dương 94, Nghi Xương 77, Kinh Châu 46, Kinh Môn 78, Ngạc Châu 51, Hiếu Cảm 121, Hoàng Cương 276, Hàm Ninh 40, Tùy Châu 80, Ân Thi 18, Tiên Đào 43, Thiên Môn 17, Tiềm Giang 8), đưa tổng số người bị bệnh trong tỉnh lên 9.074. Trong 24 giờ qua, toàn tỉnh có thêm 45 người chết vì dịch bệnh (Vũ Hán 32, Hoàng Thạch 1, Kinh Môn 2, Ngạc Châu 4, Hiếu Cảm 2, Hoàng Cương 1, Tùy Châu 3, Ân Thi 1) đưa tổng số người chết lên 294. 215 người đã được xuất viện.

 Hiện tại, toàn Hồ Bắc có 8.565 người vẫn đang được điều trị cách ly tại các bệnh viện được chỉ định trong tỉnh (trong đó có 1.118 ca nặng, 444 ca nguy cấp); 48.571 người có liên hệ chặt chẽ với những người bị bệnh đã được tìm thấy và 43.121 người vẫn đang được cách ly theo dõi y tế.

Ngày 1/2, Thị trưởng Hoàng Cương Khưu Lệ Tân nói trong cuộc họp báo Hoàng Cương là thành phố đông dân thứ hai ở Hồ Bắc chỉ sau Vũ Hán. Khoảng 600.000 - 700.000 người đã quay về trước khi đóng cửa thành phố. Số lượng lớn dân số lưu chuyển đem lại áp lực lớn cho việc kiểm soát dịch bệnh.

“Hơn 1.000 trường hợp nghi ngờ đang nghi nhiễm bệnh, sẽ được chúng tôi kết luận trong hôm nay và ngày mai. Một tỷ lệ lớn trong số hơn 1.000 trường hợp này có thể được xác nhận mắc bệnh, vì vậy có thể có sự gia tăng đáng kể số lượng các ca được xác nhận mắc bệnh tại Hoàng Cương trong hôm nay và ngày mai”.

Dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng loại mới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong quý I/2020 (Ảnh Getty)
Dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng loại mới sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng  đến tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc trong quý I/2020 (Ảnh Getty)

Dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng loại mới khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quý I giảm nghiêm trọng 

Viêm phổi do virus Corona chủng mới vẫn đang lan rộng khắp Trung Quốc  và giới kinh tế đã bày tỏ quan điểm của họ về tác động của bệnh dịch đối với nền kinh tế của Trung Quốc. Ông Trương Minh, một nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, dự đoán tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể giảm xuống 5% hoặc thậm chí thấp hơn trong quý I/2020.

Theo Nhật báo kinh tế Hồng Kông, ông Trương Minh đã viết bài cho rằng dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán có tác động lớn nhất đến các ngành dịch vụ, đặc biệt là các ngành vận tải, du lịch, ăn uống và giải trí. Điều này sẽ khiến tốc độ tăng trưởng của các ngành công nghiệp dịch vụ và tiêu dùng giảm sút. Hiện nay tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào dịch vụ và tiêu dùng hơn hồi dịch SARS vào cuối năm 2003.

Ngoài ra, khi kỳ nghỉ năm mới của Trung Quốc được kéo dài và rất có thể bị trì hoãn thời gian làm việc trở lại, sẽ có tác động tiêu cực và bất lợi đến tăng trưởng đầu tư và tăng trưởng xuất khẩu trong tháng Hai. Trong đó, tăng trưởng đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất, bất động sản và cơ sở hạ tầng chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Ông Trương Minh cho rằng, điều này có nghĩa là “cỗ xe tam mã” (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đại lục sẽ phải đối mặt với những tác động bất lợi.

Trương Minh cho rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý đầu tiên của năm 2020 có thể thấp hơn khoảng 1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Tốc độ tăng trưởng GDP trong quý I năm nay có thể là khoảng 5% và thậm chí dưới 5% .

Ông Lục Đình, Chuyên gia kinh tế trưởng của Nomura Holdings China, dự đoán ảnh hưởng của dịch bệnh lần này sẽ vượt quá dịch SARS năm 2003 và tác động đến GDP thực tế trong quý I năm 2020 có thể vượt quá 2%.  

Trương Minh cho rằng qua xem xét đến tác động bất lợi của dịch viêm phổi lần này, tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm nay có thể là chỉ dưới 5,7%.

Trước khi dịch bệnh bùng phát, Reuters đã trích dẫn các nhân sĩ giới hoạch định chính sách nói rằng Trung Quốc đã có kế hoạch hạ mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm nay từ 6% - 6,5% năm ngoái xuống còn khoảng 6%.

Các quốc gia trên thế giới hiện đã bị lây nhiễm dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng loại mới (Ảnh: Đông Phương).
Các quốc gia trên thế giới hiện đã bị lây nhiễm dịch viêm phổi cấp do virus Corona chủng loại mới (Ảnh: Đông Phương).

Dịch bệnh đã lan đến 27 quốc gia và khu vực ngoài Trung Quốc với 159 trường hợp được xác nhận nhiễm bệnh

Bên ngoài Trung Quốc đại lục, dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng loại mới đã lan sang 26 quốc gia và khu vực.

Vào ngày 31/1, 2 trường hợp mới đã được xác nhận ở Anh và Nga; Thụy Điển và Tây Ban Nha mỗi nơi 1 ca. Các trường hợp mới được xác nhận ở ngoài Trung Quốc khác: 1 trường hợp ở Hồng Kông, 1 ở Đài Loan, 5 ở Thái Lan, 4 ở Nhật Bản, 3 ở Singapore, 6 ở Hàn Quốc; Đức, Anh và Nga mỗi nơi 2; Australia, Hoa Kỳ, Canada, Thụy Điển và Tây Ban Nha mỗi nơi 1; tổng cộng có 31 trường hợp mới được xác nhận.

Tổng cộng số ca bệnh ngoài Trung Quốc hiện đã tới 159, gồm: có 13 trường hợp được ghi nhận ở Hồng Kông, 10 ở Đài Loan, 7 ở Ma Cao, 19 ở Thái Lan, 17 ở Nhật Bản, 16 ở Singapore, 12 ở Hàn Quốc, 10 ở Australia, 8 ở Malaysia, 7 ở Hoa Kỳ và Đức, 6 ở Pháp, 5 ở Việt Nam, 4 ở UAE và Canada, 2 ở Nga, Anh và Italy, 1 ở Phần Lan, Thụy Điển, Nepal, Campuchia, Sri Lanka, Tây Ban Nha, Philippines và Ấn Độ; không có trường hợp tử vong nào được xác nhận.

Dịch bệnh và số người chết ở Vũ Hán hiện vẫn tăng mạnh (Ảnh: Đa Chiều).
Dịch bệnh và số người chết ở Vũ Hán hiện vẫn tăng mạnh (Ảnh: Đa Chiều).

Bí thư Vũ Hán nhận trách nhiệm thực hiện phòng chống dịch bệnh quá muộn

Dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona chủng loại mới bùng phát ở Vũ Hán, Hồ Bắc đã lây lan ra khắp Trung Quốc và 27 quốc gia, khu vực khác. Ông Mã Quốc Cường (Ma Guoqiang), Phó Bí thư tỉnh ủy Hồ Bắc kiêm Bí thư thành ủy Vũ Hán, khi trả lời phỏng vấn của đài truyền hình địa phương hôm thứ Sáu (31/1) đã thừa nhận rằng đã thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh quá muộn, khiến dịch bệnh lan ra đến nước ngoài. Ông tự nhận trách nhiệm và bày tỏ ân hận. Ông cũng từa nhận tình trạng thiếu tài nguyên y tế trong thành phố hiện nằm giữa “có và không”.

Ông Mã Quốc Cường  mô tả rằng chính phủ hiện đang chiến đấu trong chiến dịch “với kẻ thù vô hình”. Nếu các biện pháp kiểm soát chặt chẽ được thực hiện sớm, tin rằng tác động của dịch bệnh trên tất cả các vùng của đất nước sẽ giảm thiểu. Về sự thiếu hụt nhân viên y tế và nguồn lực ở tuyến đầu, ông đã không trả lời thẳng vào vấn đề, chỉ nói nguồn cung cấp vật tư y tế hiện tại đang trong tình trạng cân đối chặt chẽ và không thể được đảm bảo đầy đủ mọi lúc; lo ngại sẽ xuất hiện tình trạng thiếu vật tư trong vài giờ tới.

Hình ảnh bác sỹ Bệnh viện Diên An, Côn Minh phải dùng vỏ thùng nước khoáng làm mặt nạ phòng hộ khám bệnh cho bệnh nhân gây xôn xao dư luận (Ảnh: Đông Phương).
Hình ảnh bác sỹ Bệnh viện Diên An, Côn Minh phải dùng vỏ thùng nước khoáng làm mặt nạ phòng hộ khám bệnh cho bệnh nhân gây xôn xao dư luận (Ảnh: Đông Phương).

Thiếu vật tư y tế, bác sỹ phải tự chế mặt nạ phòng hộ từ vỏ thùng nước khoáng

Dịch bệnh viêm phổi ở Vũ Hán, Hồ Bắc đã lan rộng khắp Trung Quốc, nguồn vật tư y tế ở các nơi đã bị thiếu hụt. Để giải quyết vấn đề thiếu vật tư phòng hộ, một bác sĩ tại Bệnh viện Diên An ở Côn Minh, Vân Nam đã phải làm một chiếc mặt nạ tự chế từ thùng nước khoáng.

Các nhân viên của phòng tuyên truyền của bệnh viện nói, bà chủ nhiệm của phòng khám biết qua Internet có người đã tự làm mặt nạ, sau đó cắt thùng nước khoáng thành hai nửa, sử dụng làm mặt nạ phòng hộ để khám bệnh cho những người đến xin điều trị y tế. Bà cũng nói rằng bộ phận liên quan của bệnh viện đã tìm thấy một nhà cung cấp kính bảo hộ; hiện việc sử dụng mặt nạ tự chế đã bị đình chỉ.

Vụ việc đã gây ra cuộc thảo luận giữa các cư dân mạng. Một số người đã sốc khi thấy các bác sĩ phải sử dụng mặt nạ tự chế. “Thật đau lòng khi thấy điều này”, “Không thể tin là vật tư khan hiếm đến mức này”; “Với cách này, các thùng nước khoáng sẽ bị thiếu”, “hy vọng rằng các vật tư được vận chuyển đến bệnh viện càng sớm càng tốt để đảm  bảo vấn đề phòng hộ của các nhân viên y tế tuyến đầu”.