Alex Fishman (cựu phóng viên quốc phòng Israel) đã viết trong nhật báo Do Thái Yedioth Ahronoth hồi tháng trước rằng “Israel đang leo trên lưng hổ và đang bước những bước đi lớn hướng đến chiến tranh: Đó là một cuộc chiến ở Li-băng.”
Trong bài báo, Fishman đã viết: “Sự răn đe cổ điển là khi bạn đe dọa một kẻ thù không gây hại cho bạn trên lãnh thổ của bạn, nhưng ở đây, Israel lại yêu cầu kẻ thù không hành động ngay cả trên lãnh thổ của họ, nếu không Israel sẽ gây hại đến họ. Từ góc độ lịch sử và tính chính danh quốc tế, cơ hội lời đe dọa này được chấp nhận là có hiệu lực, dẫn tới việc đối phương chấm dứt hoạt động trên lãnh thổ của họ là rất nhỏ".
Ben Caspit cũng viết về viễn cảnh một cuộc chiến, trong khi một bài bình luận trên Haaretz lại cho rằng: “Chính phủ Israel nợ người dân Israel một lời giải thích chính xác, thích hợp và thuyết phục về việc tại sao một nhà máy tên lửa ở Li-băng lại làm thay đổi sự cân bằng chiến lược đến mức có thể dẫn đến chiến tranh. Chính phủ Israel phải đưa ra những đánh giá cho người dân về con số thương vong và thiệt hại dự tính đối với cơ sở hạ tầng dân sự và chi phí kinh tế nếu chiến tranh xảy ra, so sánh với mức độ nguy hiểm mà việc xây dựng nhà máy tên lửa gây ra.”
Hiện nay, người ta đang sống ở thời điểm nguy hiểm ở Trung Đông - cả trong hiện tại và trong trung hạn. Gần đây, đã có một sự kiện diễn ra làm thay đổi ván bài trong khu vực, đẩy khu vực tới nguy cơ chiến tranh lan rộng: đó là một trong những chiếc máy bay tinh vi nhất của Israel đã bị bắn rơi, chiếc F16i. Nhưng như Amos Harel đã viết, nhân dịp này: “Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chấm dứt xung đột giữa Israel và Iran ở Syria - và cả hai bên đều chấp nhận quyết định này của ông Putin ... Vào chiều thứ bảy, sau đợt tấn công thứ hai ... các quan chức cao cấp của Israel vẫn tiếp tục chiến đấu, và có vẻ như Jerusalem đang cân nhắc thực hiện hành động quân sự mạnh hơn. Tuy nhiên, cuộc thảo luận về việc động binh đã chấm dứt không lâu sau cuộc điện đàm giữa ông Putin và Thủ tướng Benjamin Netanyahu”.
Và tuyên bố cuối cùng sau đây chính là nhân tố làm thay đổi ván bài thứ hai: Trước đây, Mỹ tưởng rằng Israel sẽ quay lại nhờ cậy, nhưng lần này không phải như vậy. Israel đã nhờ tổng thống Putin làm trung gian. Dường như Israel tin rằng ông Putin giờ đây đã trở thành “quyền lực không thể thiếu”. Như Ronen Bergman đã viết trên New York Times: "Israel sẽ không còn có thể hành động ở Syria mà không có bất cứ hạn chế nào", và thứ hai, "nếu ai đó còn chưa biết thì Nga chính là nước thống trị trong khu vực".
Vậy tất cả những điều này là về cái gì? Đó không phải là vì chiếc máy bay không người lái có thể đã xâm nhập vào Israel. Hãy lờ đi điều đó, hoặc nghĩ về nó như “hiệu ứng cánh bướm” trong lý thuyết, chỉ một cánh bướm nhỏ cũng có thể thay đổi cả thế giới. Tuy nhiên, rõ ràng là có những lời cảnh báo về một cuộc chiến sắp xảy ra do chiến thắng của Syria trong việc chống lại các cuộc nổi dậy của các chiến binh. Điều này đã làm thay đổi cân bằng quyền lực trong khu vực, và giờ đây người ta đang chứng kiến các nước phản ứng lại chiến thắng chiến lược đó.
Israel trước đây ủng hộ phe bại trận, muốn hạn chế tổn thất. Nước này sợ hãi trước những thay đổi đang diễn ra ở phía bắc khu vực: Thủ tướng Netanyahu đã nhiều lần tìm kiếm sự bảo đảm từ tổng thống Putin rằng Iran và Hezbollah không được phép đạt được bất kỳ lợi thế chiến lược nào từ chiến thắng của Syria, mà lợi thế đó lại có thể là bất lợi cho Israel. Tuy nhiên, có vẻ như ông Putin không đưa ra lời đảm bảo nào. Ông Putin trả lời Thủ tướng Netanyahu rằng cho dù ông công nhận lợi ích an ninh của Israel, Nga cũng có lợi ích của riêng mình, và cũng nhấn mạnh rằng Iran là "đối tác chiến lược" của Nga.
Trên thực tế, không có sự hiện diện đáng chú ý nào của Iran và Hezbollah ở gần Israel (và quả thực cả Iran và Hezbollah đều giảm dần quân số ở Syria). Nhưng dường như ông Netanyahu còn muốn nhiều hơn. Và để thúc đẩy Nga đảm bảo cho tương lai của Syria thoát khỏi sự hiện diện của Shi'a, Israel đã đánh bom Syria hàng tuần và đưa ra một loạt các đe dọa gây chiến đối với Li-băng (với lý do rằng Iran đang xây dựng các nhà máy tên lửa ở đó), nhắn với Tổng thống Putin, rằng nếu không bảo đảm cho một đất nước Syria sạch bóng Iran và Hezbollah, Israel sẽ đánh đổ cả hai đất nước.
Nhưng thực tế lại là máy bay F-16 của Israel bị hệ thống phòng không Syria bắn hạ một cách bất ngờ. Thông điệp mà ông Putin mang tới rất rõ ràng, đó là “sự ổn định ở Syria và Li-băng chính là lợi ích của Nga. Trong khi chúng tôi công nhận lợi ích an ninh của Israel thì đừng gây lộn với lợi ích của chúng tôi. Nếu muốn gây chiến với Iran thì đó là việc của Israel, Nga sẽ không liên quan, nhưng đừng quên rằng Iran vẫn là đối tác chiến lược của chúng tôi".
Đây là vụ mặc cả lớn của ông Putin: Nga sẽ đảm nhận một trọng trách nhất định đối với an ninh của Israel, nhưng điều này sẽ không xảy ra nếu Israel gây chiến với Iran và Hezbollah, hoặc nếu Israel phá hoại sự ổn định ở phía bắc Trung Đông (bao gồm cả Iraq). Và không được phép có các cuộc ném bom vu vơ ở miền bắc nhằm phá hoại sự ổn định. Nhưng nếu Israel muốn gây chiến với Iran thì Nga sẽ đứng ngoài cuộc.
Israel bây giờ đã được nếm trải “cây gậy” của ông Putin: ưu thế vượt trội trên không của Israel cũng đã bị hệ thống phòng không của Syria chọc thủng. Israel sẽ thất bại hoàn toàn nếu Nga sử dụng hệ thống phòng không S-400, do đó Israel hãy suy nghĩ cho kỹ.
Nếu nghi ngờ, hãy nhớ lại tuyên bố năm 2017 của Tổng tham mưu trưởng Không quân Nga, thiếu tướng Sergey Meshcheryakov. Ông khẳng định : "Ngày nay, một hệ thống phòng không thống nhất và tích hợp đã được thiết lập ở Syria. Chúng tôi đã đảm bảo liên kết thông tin và kỹ thuật giữa các hệ thống trinh sát không quân Nga và Syria. Tất cả các thông tin về tình hình trên không đều được chuyển từ các trạm radar của Syria đến các điểm kiểm soát của lực lượng Nga".
Từ đây có thể suy ra được hai điều: Thứ nhất, Nga biết rõ khi F16 của Israel bị tên lửa phòng không của Syria bắn hạ. Theo Alex Fishman, một cựu phóng viên quốc phòng Israel, hôm 11/2 đã khẳng định: "Một chiếc máy bay của Israel bị trúng 2 trong số 27 tên lửa đất đối không của Syria ... Đó là một thành công to lớn cho quân đội Syria, và là điều đáng xấu hổ với Không quân Israel (IAF) vì các hệ thống tác chiến điện tử bao quanh máy bay được cho là có thể bảo vệ máy bay khỏi tên lửa".
IAF sẽ phải tiến hành một cuộc điều tra chuyên sâu về tình báo kỹ thuật để xác định xem liệu Syria có sở hữu các hệ thống có khả năng vượt mặt các hệ thống cảnh báo và gây nhiễu của Israel hay không? Syria đã phát triển được công nghệ mới nào mà IAF không biết hay không?
Theo báo cáo, các phi công đã không báo cáo bất kỳ lời cảnh báo nào về việc một tên lửa của kẻ địch đã khóa xác định tấn công máy bay. Về nguyên tắc, đáng ra họ phải làm như vậy. Có thể là họ không có thời gian, nhưng khả năng cao hơn là có thể họ đã không biết rằng có tên lửa đang chuẩn bị tấn công họ, điều này đặt ra một câu hỏi về việc tại sao họ lại không biết, và chỉ nhận ra mức động thiệt hại nghiêm trọng sau khi họ đã bị tấn công và cần được giải cứu.
Và vấn đề thứ hai là: những tuyên bố sau đó của Israel cho rằng Syria đã bị Israel trừng phạt bằng cách tiêu diệt 50% hệ thống phòng không của nước này cần phải được xem xét kỹ.
Điều Meshcheryakov từng nói (về hệ thống thống nhất, tích hợp của Nga và Syria) có nghĩa là hệ thống này cắm cờ của Nga.
Cuối cùng, sau vụ chiếc máy bay F16 bị bắn hạ, ông Putin đã nói với Israel ngừng gây bất ổn cho Syria, chứ không nói gì về việc máy bay không người lái của Syria tuần tra biên giới phía nam (đây là hoạt động thông thường của Syria khi giám sát các nhóm nổi dậy ở miền nam).
Thông điệp của ông Putin đã rất rõ ràng: Israel được Nga đảm bảo về an ninh (dù hạn chế) nhưng lại đánh mất sự tự do hành động. Nếu không có ưu thế vượt trội trên không (điều mà Nga đã chiếm lấy), Israel sẽ mất dần ưu thế với các nước Ả Rập láng giềng.
Liệu Israel có chấp nhận thỏa thuận này của ông Putin? Chúng ta phải chờ đợi xem liệu các nhà lãnh đạo Israel có chấp nhận được rằng họ không còn hưởng ưu thế vượt trội trên không ở Li-băng hay Syria nữa; hay liệu giới chính trị ở Israel sẽ chọn cách gây chiến để ngăn chặn thất bại trong việc chiếm ưu thế trên bầu trời. Tất nhiên còn có một lựa chọn khác cho Israel là tiến về phía Washington để phối hợp với Mỹ loại bỏ Iran ra khỏi Syria. Nhưng Putin có thể đã âm thầm trừng phạt chính quyền Trump trước đó. Ai mà biết được.
Và liệu một cuộc chiến tranh phòng ngừa cố gắng phục hồi ưu thế trên không của Israel có khả thi với Quân đội Israel hay không? Đây vẫn là một điểm gây tranh cãi. 1/3 dân số Israel là người Nga và phần nhiều trong số họ ngưỡng mộ ông Putin. Liệu Israel có thể tin rằng Nga sẽ không sử dụng hệ thống phòng không S-400 cực kỳ uy lực ở Syria để bảo vệ cho những binh lính Nga đang đóng ở Syria không?
Và căng thẳng Israel-Syria- Li-băng lúc này không khiến những mối nguy hiện tại ở Syria kết thúc. Trong cùng một tuần lễ, Thổ Nhĩ Kỳ đã mất một chiếc trực thăng và hai phi công vì bi lực lượng người Kurd ở Afrin bắn hạ. Thổ Nhĩ Kỳ đang ngày càng thù hận YPG và PKK. Chủ nghĩa dân tộc kết hợp với chủ nghĩa Ottoman mới đang nổi lên, và Mỹ thì đang bị Thổ coi là “kẻ thù chiến lược”.
Tổng thống Erdogan nhấn mạnh rằng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ quét sạch tất cả các lực lượng YPG / PKK từ Afrin tới sông Euphrates. Nhưng một tướng Mỹ lại nói rằng quân đội Mỹ sẽ vẫn cản đường ông Erdogan tại Manbij. Liệu bên nào sẽ lung lay trước? và liệu tình hình leo thang này có thể tiếp diễn mà không gây ra sự rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ Mỹ- Thổ hay không?
Liệu lãnh đạo Mỹ với ý định tái diễn một cuộc chiến tranh Việt Nam mới ở Trung Đông (nhưng với điều kiện Mỹ là người chiến thắng), có chấp nhận chấm dứt sự chiếm đóng ở bờ đông sông Euphrates, và sau đó mất dần sự tín nhiệm hay không? Đặc biệt là khi trọng tâm hiện nay của quân đội Mỹ lại khôi phục lại uy tín và động lực quân sự.
Hay việc theo đuổi sự tín nhiệm của quân đội Mỹ sẽ xuống cấp, khi quân đội Mỹ đọ sức với quân đội Syria, hay thậm chí là với Nga, nước coi sự chiếm đóng của Mỹ ở Syria gây ra sự bất ổn trong khu vực, trong khi Nga đang cố làm ổn định Trung Đông?
Tóm lại, cuộc cạnh tranh giữa các nước về tương lai của Syria và khu vực hiện đang diễn ra rõ nét. Nhưng ai đứng sau những cuộc khiêu khích khiến căng thẳng rất dễ leo thang và đưa cả khu vực vào một cuộc xung đột toàn diện này? Ai đã cung cấp tên lửa đất đối không di động bắn hạ máy bay Su-25 của Nga?
Ai đã trang bị cho nhóm khởi nghĩa châm ngòi tên lửa MANPAD? Ai đã trang bị cho người Kurd ở Afrin vũ khí chống tăng giúp tiêu diệt đã 20 chiếc xe tăng của Thổ Nhĩ Kỳ)? Ai cung cấp hàng triệu USD để người Kurd ở Afrin xây dựng các đường hầm và các hầm trú ẩn do, và ai đã trả tiền cho họ xây dựng lực lượng vũ trang?
Cuối cùng, ai đứng sau những chiếc máy bay không người lái gắn theo bom đến tấn công căn cứ không quân Nga ở Hmeimim? Những chiếc máy bay nhìn bên ngoài giống như thiết bị tự chế tạo đơn giản mà lực lượng nổi dậy hoàn toàn có thể tự chế tạo. Nhưng sau khi kiếm tra, Nga đa nhận thấy những trang thiết bị tinh vi với các hệ thống điện tử và dẫn đường GPS. Tóm lại, vẻ ngoài đơn giản thực chất lại ngụy trang cho những thiết bị tinh vi bên trong, cho thấy đây rõ ràng là trang thiết bị của một nhà nước.
Ai? Và tại sao? Có phải có ai đó đang cố tình khiến Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xung đột lẫn nhau? Không ai có thể chắc chắn về câu trả lời. Nhưng rõ ràng là Syria giờ đây đã trở thành nơi thử thách cho các thế lực hủy diệt, điều này có thể khiến Syria và thậm chí là cả Trung Đông bất ổn.