Cảnh đốt phá ở Mỹ - Phiên bản 2020

VietTimes – Lại một lần nữa nước Mỹ bị phá nát trong đống hỗn loạn của bạo động, phá hoại và đốt phá, kèm theo sự phản kháng ôn hòa nhưng đầy giận giữ. Việc thế này vẫn diễn ra kể từ ngày đất nước được thành lập từ hơn 2 thế kỷ trước.
Các cuộc biểu tình đi kèm với bạo loạn, đốt phá và cướp bóc diễn ra tại nhiều thành phố ở Mỹ trong suốt hai tuần qua. Ảnh: Table Mag
Các cuộc biểu tình đi kèm với bạo loạn, đốt phá và cướp bóc diễn ra tại nhiều thành phố ở Mỹ trong suốt hai tuần qua. Ảnh: Table Mag

Cũng lại một lần nữa, loạt biểu tình được châm ngòi bởi sự tàn bạo của cảnh sát, lần này là vụ sát hại anh George Floyd, một người đàn ông gốc Phi không có vũ khí, bị còng tay. Vụ giết người này xuất phát từ động cơ phân biệt chủng tộc.

“Đừng thỏa mãn cơn khát tự do của chúng ta bằng cách uống chén đắng cay và thù hận. Chúng ta phải mãi mãi tranh đấu trên nền tảng cao nhất của phẩm giá và kỷ luật. Chúng ta không được cho phép những cuộc biểu tình sáng tạo suy thoái thành hành động bạo lực. Chúng ta phải không ngừng vươn lên đến đỉnh cao tối thượng để vũ lực được hóa giải bằng tâm lực.”– Martin Luther King Jr.

Đồng thời, một loạt những kẻ cơ hội, những kẻ cướp bóc hôi của, bạo loạn, tội phạm và những kẻ khởi xướng cách mạng, những kẻ vô chính phủ, những kẻ kích động, những kẻ phá hoại… đã phá hủy các khu dân cư, các cơ sở kinh doanh và tài sản vì những lý do không liên quan đến chủng tộc.

Tương tự như đại dịch Covid-19 và đóng cửa kinh tế, biểu tình và bạo loạn đã được thêm vào danh sách các cuộc khủng hoảng mà Tổng thống Donald Trump và đối thủ là ông Joe Biden phải đối mặt khi tiến vào cuộc bầu cử tổng thống tháng 11 năm nay.

Và cũng giống như mọi thứ khác, tất cả đều bị chính trị hóa một cách vô vọng. Có lẽ còn một điều vô vọng nữa là sự đồng thuận quốc gia và hợp tác để vượt qua tình trạng bất ổn.

Vụ sát hại George Floyd của cảnh sát

Ngày 25/5, 4 sĩ quan cảnh sát thành phố Minneapolis đã bắt giữ anh George Floyd, một người đàn ông Mỹ gốc Phi không vũ trang vì đã mua hàng hóa bằng đồng 20 đô la giả. Floyd bị còng tay từ phía sau. Một sĩ quan đặt đầu gối lên cổ người đàn ông này trong khi một người khác quỳ sau lưng anh ta.

Hai sĩ quan khác cũng có mặt ở đó: một người đứng gác để cản người qua đường không được can thiệp, người kia kiểm tra mạch đập. Floyd đã chết trong vòng 8 phút, 45 giây. Tất cả những điều này đã được ghi lại trong video.

Ảnh chụp từ video cảnh cảnh sát ghì Floyd đến chết (Ảnh: CBS)
Ảnh chụp từ video cảnh cảnh sát ghì Floyd đến chết (Ảnh: CBS)

Hoàn toàn sốc trước những gì nhìn thấy trong video được công bố, người dân đã yêu cầu các cảnh sát liên quan phải bị bắt ngay lập tức và bị buộc tội giết người. Đây là một trong những trường hợp hiếm hoi khi người dân có sự thống nhất cao độ đến như vậy.

Tuy nhiên, chính quyền đã xử trí một cách chậm chạp và biểu tình bùng nổ khắp nước Mỹ ngay sau đó.

Bên công tố đã cố gắng trấn tĩnh những người biểu tình bằng cách yêu cầu người dân “kiên nhẫn” và “tin tưởng” trong khi vụ việc được xử lý. Các công tố viên phải chờ báo cáo khám nghiệm tử thi; chờ thêm các video khác, bao gồm cả máy quay đeo trên người của cảnh sát; và lời khai của người làm chứng.

Tất cả những việc đó là các quy định của thủ tục tố tụng nhằm bảo vệ những sỹ quan đang bị cáo buộc.

Nhưng điều đó không giúp xoa dịu những người biểu tình. Họ đã phải nhiều lần nghe lời kêu gọi kiên nhẫn và tin tưởng. Họ không làm được điều đó nữa. Họ yêu cầu các sỹ quan cảnh sát phải bị kết án.

Các công tố viên đã nhượng bộ yêu cầu của người biểu tình và như vậy là vi phạm quyền của cảnh sát. Thông thường, những trường hợp như thế này thì thời gian để truy tố sẽ mất 1 năm chứ không phải 3 ngày.

Tại sao lại như vậy? Vì đây là một quy trình cần có thời gian để xác định: cảnh sát có lên kế hoạch giết Floyd trước không, nếu không thì viên cảnh sát đó có ý định giết Floyd tại hiện trường không; nếu không thì viên cảnh sát đó có nhận thức được rằng cú siết cổ của anh ta sẽ giết chết Floyd không; hoặc có phải cảnh sát đã vô tình giết chết Floyd hay không.

Tùy thuộc vào câu trả lời của các câu hỏi được nêu ra, các sĩ quan có thể nhận các mức án chung thân hoặc án tù 40 năm, hoặc dưới 40 năm, thậm chí chỉ từ 1 đến 2 năm.

Như vậy, nhìn vào video chúng ta thấy một vụ giết người, nhưng những chi tiết xung quanh vụ giết người đó sẽ đưa đến những hậu quả rất khác nhau cho các sỹ quan cảnh sát. Đây là lý do tại sao việc để người biểu tình gây sức ép lên quyết định của công tố viên sẽ trở thành một tiền lệ xấu.

Tuy nhiên có một thực tế là, đã nhiều năm nay, bên công tố luôn yêu cầu người dân phải “kiên nhẫn” và “tin tưởng”, và người dân có quyền tin rằng cuối cùng điều họ thu được chỉ là sự thất vọng. Quả là một tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Quan trọng là việc bắt giữ và kết án sớm sẽ giảm tình trạng biểu tình.

Sơ lược về lịch sử các cuộc bạo loạn sắc tộc ở Mỹ

Các cuộc bạo loạn lan khắp nước Mỹ đã có thời gian ủ bệnh kéo dài qua nhiều thập kỷ. Cựu Ngoại trưởng Condoleezza Rice cho rằng nước Mỹ được sinh ra với “khuyết tật bẩm sinh: nô lệ”.

Nỗ lực chấm dứt phân biệt chủng tộc tạo thành một chủ đề xuyên suốt, còn nỗ lực thay thế xã hội Mỹ bằng chủ nghĩa chuyên chế cánh hữu hay cánh tả lại là một vấn đề khác. Người ta sẽ không thể hiểu được những cuộc bạo loạn của ngày hôm nay nếu không đặt chúng trong bối cảnh lịch sử của nước Mỹ.

Các cuộc bạo loạn lan khắp nước Mỹ đã có thời gian ủ bệnh kéo dài qua nhiều thập kỷ (Ảnh" Tablet Mag)
Các cuộc bạo loạn lan khắp nước Mỹ đã có thời gian ủ bệnh kéo dài qua nhiều thập kỷ (Ảnh" Tablet Mag)

Dưới đây là một số vụ việc đáng lưu ý…

Năm 1770, sau khi một đặc vụ người Anh giết chết một em nhỏ tại Boston, cư dân của thành phố này đã bạo loạn để phản đối. Những người lính Anh đã nổ súng vào một đám đông không vũ trang làm nhiều người thiệt mạng.

Một trong số những người thiệt mạng đầu tiên là ông Crispus Attucks, một cựu nô lệ người Mỹ gốc Phi. Ngoại trừ hai người lính Anh, tất cả số còn lại được tha bổng.

Năm 1863, những người nhập cư nghèo gốc Ailen ở New York đã bạo loạn trong 5 ngày đêm, khiến 11 người da màu và 110 thanh niên người Ailen đã thiệt mạng. Nguyên nhân là những người đàn ông Ailen không muốn bị ép gia nhập Quân đội liên minh để giải phóng các nô lệ người da màu ở miền Nam. Họ cũng sợ rằng họ sẽ mất việc khi nhập ngũ.

Trong những năm 1960, tổng số khoảng 700 cuộc bạo loạn sắc tộc đã nổ ra trên toàn nước Mỹ. Tồi tệ nhất là cuộc bạo loạn ở quận Watts, thành phố Los Angeles năm 1965. Nam thanh niên da màu, Marquette Frye, đã bị bắt vì tội danh lái xe khi say rượu. Trong quá trình bắt giữ, hai bên đã xảy ra xô xát.

Sự việc đã dẫn đến các cuộc biểu tình kéo dài sáu ngày cùng với bạo lực và cướp bóc. Hậu quả là 34.000 người biểu tình đã phá hủy hơn 1.000 tòa nhà. Thiệt hại tài sản ước tính khoảng 40 triệu đô la. 34 người đã thiệt mạng. 4.000 vụ bắt giữ đã được thực hiện.

Tiến sĩ Martin Luther King, Jr. là cha đẻ của Phong trào Dân quyền, bị một kẻ tự coi là tín đồ của chủ nghĩa người da trắng thượng đẳng ám sát năm 1968. Dưới sự lãnh đạo của mình, ông đã buộc chính quyền của những người Mỹ da trắng phải giải quyết nạn phân biệt chủng tộc.

Dưới thời Tổng thống Lyndon Johnson, Quốc hội đã thông qua Đạo luật về Quyền dân sự, Quyền bỏ phiếu và Cuộc chiến chống lại đói nghèo. Đạo luật này đã giảm một số, chắc chắn không phải toàn bộ, những căn bệnh do tình trạng nô lệ gây ra.

Phong trào biểu tình của Mục sư King là phong trào bất bạo động, lấy hình mẫu một phần từ phong trào giành độc lập tại Ấn Độ của lãnh tụ Mahatma Gandhi đầu những năm 1940. Ông King nhận ra rằng người dân nghèo có thể sử dụng bạo động để nói lên sự bất bình của họ, coi đó là “ngôn ngữ của những tiếng nói không được lắng nghe”.

Tuy nhiên, ông chưa bao giờ dung túng bạo lực. Ông biết rõ một điều là công lý và công bằng cho tất cả mọi người chỉ đạt được thông qua các biện pháp hòa bình. Ông đã đúng: Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Khoa học Chính trị Hoa Kỳ, một tạp chí rất có uy tín, cho thấy các cuộc biểu tình ôn hòa mang lại lợi ích tích cực, trong khi bạo lực là lựa chọn phản tác dụng.

Nghịch lý là vụ sát hại Mục sư Martin Luther King năm 1968 đã kéo theo một số trong những vụ bạo loạn tồi tệ nhất lịch sử, điều mà ông không bao giờ chấp nhận. 50 thành phố của nước Mỹ đã chìm trong biển lửa. 39 người dân mất đi sinh mạng.

Một thời gian sau, những kẻ bạo loạn đã tấn công Đại hội Đảng Dân chủ ở Chicago.

Đến giai đoạn tiếp theo.

Năm 1992, Rodney King, một người đàn ông da màu, đã bị cảnh sát bắt giữ và đánh đập ở Los Angeles vì chống cự lại cảnh sát. Cuộc bạo loạn nổ ra sau đó đã khiến 50 người thiệt mạng. Hàng ngàn người khác bị bắt giữ. Thiệt hại tài sản lên đến 1 tỷ đô la. Các cảnh sát liên quan đến vụ việc được tha bổng.

Năm 2013, Travon Martin, một thiếu niên da màu, đã bị giết trong một cuộc ẩu đả với một nhân viên bảo vệ người gốc Latinh. Hung thủ giết hại thiếu niên này được tha bổng, châm ngòi cho các cuộc biểu tình ngay sau đó.

Phong trào Black Lives Matter (Mạng sống của người da đen là quan trọng), đã nổi lên trong các cuộc biểu tình này. Tổng thống Barack Obama khi đó đã thổi bùng một cơn bão lửa bằng tuyên bố: nếu bản thân ông có một đứa con trai thì con của ông sẽ có số phận giống như cậu thiếu niên Travon.

Trớ trêu ở chỗ: cảnh sát không có gì liên quan đến cái chết của Travon nhưng cậu ấy lại trở thành một biểu tượng cho sự tàn bạo của cảnh sát.

Người dân Mỹ sục sôi phẫn nộ và biểu tình đồng loạt trên khắp nước Mỹ sau cái chết của Floyd (Ảnh: AFP)
Người dân Mỹ sục sôi phẫn nộ và biểu tình đồng loạt trên khắp nước Mỹ sau cái chết của Floyd (Ảnh: AFP)

Năm 2014, Michael Brown, một cậu thanh niên da màu 18 tuổi, đã bị bắn chết khi cảnh sát cố gắng bắt giữ cậu ta vì tội danh hành hung, cướp và chống lại sự bắt giữ của cảnh sát. Các cảnh sát đã được tha bổng trong trường hợp này.

Ông Eric Holder, Bộ trưởng Tư pháp của chính quyền tổng thống Obama tuyên bố không vi phạm quyền dân sự trong cái chết của cậu thanh niên. Phán quyết này đã làm nổ ra các cuộc biểu tình bạo lực ở thị trấn Ferguson của tiểu bang Missouri.

Khi Brown bị bắn, cậu ta được cho là đã giơ tay đầu hàng. Điều này là sai sự thật, nhưng nó đã dẫn đến một câu thần chú để người biểu tình hô vang: “Đã giơ tay rồi, xin đừng bắn!”

Ngay trước đó cùng năm 2014, Eric Garner, một người đàn ông da màu đã bị cảnh sát của thành phố New York tấn công và giết chết khi đang bán 3 bao thuốc lá lẻ trên phố. Vụ việc này là khởi nguồn của những lời hô vang trong các cuộc biểu tình “Tôi không thở được”, giống trường hợp của George Floyd đến kỳ lạ. Các cảnh sát liên quan đều được tha bổng.

Năm 2015, Freddie Gray, một thanh niên da màu đã bị cảnh sát thành phố Baltimore của tiểu bang Maryland tạm giữ. Một số trong những cảnh sát này cũng là người da màu.

Gray đã chết một cách bí ẩn ngay trong xe cảnh sát trên đường được đưa đến nhà tù. Các sỹ quan cảnh sát được tha bổng.

Năm 2020, vụ sát hại George Floyd xảy ra. Còn nữa, trước đó cảnh sát thành phố Louisville, tiểu bang Kentucky đã đột nhập vào một ngôi nhà, và cô Breonna Taylor, một phụ nữ da màu không có vũ khí đã bị bắn chết sau khi bạn trai của cô nổ súng vào cảnh sát.

Sự thật là cảnh sát đã vào nhầm nhà.

Hàng trăm người da màu và người da trắng bị cảnh sát lấy đi sinh mạng mỗi năm, vì vậy có rất nhiều trường hợp có thể lựa chọn làm ví dụ. Gần như tất cả các vụ việc đều được cho qua.

(Còn tiếp - Chuyển ngữ: Đào Thúy)