Fake News và thuyết âm mưu về biểu tình Mỹ lan truyền trên mạng

VietTimes – Các cuộc biểu tình xuất phát từ sự phẫn nộ trước cái chết của công dân Mỹ gốc Phi George Floyd đã lan rộng khắp nước Mỹ. Đáng chú ý, đang xuất hiện ngày càng nhiều những fake news, thuyết âm mưu liên quan tới biểu tình ở Mỹ trên mạng xã hội.
Làn sóng biểu tình dấy lên từ cái chết của George Floyd đang lan rộng ở Mỹ (Ảnh: Politico)
Làn sóng biểu tình dấy lên từ cái chết của George Floyd đang lan rộng ở Mỹ (Ảnh: Politico)

Trong bối cảnh làn sóng biểu tình ở Mỹ diễn biến phức tạp, ngày càng có nhiều đoạn video, hình ảnh đăng tải trên mạng có nội dung về nó. Vấn đề là một số trong đó không nêu đúng thực tế, thậm chí là thông tin giả mạo. Đội ngũ chống fake news của BBC mới đây đã truy vết các đoạn video sai lệch và thuyết âm mưu liên quan tới biểu tình ở Mỹ đang được chia sẻ trên mạng.

Những video cũ được đăng lại

Đoạn video có cảnh một thiếu niên bị cảnh sát bắt giữ một cách bạo lực thực ra có từ hồi tháng 4, và ở bang California (Ảnh: BBC)
Đoạn video có cảnh một thiếu niên bị cảnh sát bắt giữ một cách bạo lực thực ra có từ hồi tháng 4, và ở bang California (Ảnh: BBC)

Đã có rất nhiều đoạn video cũ được đem ra đăng tải lại trong những ngày gần đây, khiến nhiều người hiểu sai về tình trạng biểu tình ở Mỹ. Nỏi bật trong số đó là video có cảnh một thiếu niên bị một sĩ quan cảnh sát Mỹ bắt giữ một cách đầy bạo lực, thu hút được hơn 10 triệu lượt view chỉ trong vài ngày qua.

Nhưng thực tế sự việc này đã xảy ra từ tháng 4, ở Rancho Cordova, một thành phố nằm ở phía Bắc bang California, Mỹ. Thông tin về thời điểm xảy ra vụ việc không được nêu rõ trong bài đăng trên Twitter khiến nhiều người lầm tưởng nó xảy ra trong làn sóng biểu tình hiện nay, và được chia sẻ lại tới hơn 100.000 lần. Đoạn video này còn mô tả sai nạn nhân khi nói rằng người này là nữ giới.

Vào thời điểm xảy ra vụ việc trên, đoạn video đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích và cuối cùng một cuộc điều tra đã mở ra nhằm vào hành vi của sĩ quan cảnh sát trên.

Hình ảnh từ cuộc biểu tình năm 2016 ở Baton Rouge

Đoạn clip này thực chất được quay trong cuộc biểu tình ở Baton Rouge năm 2016 (Ảnh: BBC)
Đoạn clip này thực chất được quay trong cuộc biểu tình ở Baton Rouge năm 2016 (Ảnh: BBC)

Một video khác có cảnh một phụ nữ Mỹ gốc Phi đang lên án hành động dã man của cảnh sát cũng đang tràn lan trên mạng mấy ngày gần đây.

Tuy nhiên, đoạn video này thực chất là trong cuộc biểu tình diễn ra từ năm 2016 nhằm phản đối vụ bắn chết Alton Sterling. Và một lần nữa, đoạn video này lại được đăng tải để mô tả cuộc biểu tình đang diễn ra ở nước Mỹ, nhiều người không hề biết nó có từ năm 2016.

Vào ngày 28/5 vừa qua, website “Crime News and Media” đã đăng lại đoạn video này và đặt tiêu đề là “Không Công lý, Không Hòa bình”. Tin nhận được hơn 14.000 lượt xem và hàng trăm lượt bình luận.

Sai thời gian, sai địa điểm

Đoạn video có cảnh bốc cháy thực chất được quay ở Thiên Tân Trung Quốc năm 2015 (Ảnh: BBC)
Đoạn video có cảnh bốc cháy thực chất được quay ở Thiên Tân Trung Quốc năm 2015 (Ảnh: BBC)

Một đoạn video khác cho thấy một sĩ quan cảnh sát bị bốc cháy, được đăng tải vào ngày 28/5 vừa qua.

Thực tế đoạn video này có từ năm 2015 và được quay ở một quốc gia khác chứ không phải Mỹ. Đó là một vụ nổ xảy ra tại thành phố Thiên Tân, Trung Quốc.

Vậy lý do tại sao mà nhiều người cố tình đăng tải lại những đoạn video cũ? Chuyên gia về Thông tin giả và Mạng xã hội của BBC, Marianna Spring, trả lời: “Những đoạn video này được đăng tải có thể là nhằm mục đích thổi bùng thêm sự phẫn nộ mà họ đang cảm nhận, hoặc có thể xuất phát từ mục đích muốn gây sự chia rẽ, hoặc đơn giản là muốn nhận được view”.

Những thuyết âm mưu về biểu tình ở Mỹ

Một số thuyết âm mưu cho rằng có một nhân vật đứng đằng sau làn sóng biểu tình ở Mỹ cũng đang lan truyền trên mạng.

Một số giả thuyết hoàn toàn vô căn cứ, trong khi số còn lại đưa ra thông tin hoàn toàn sai lầm – và chúng thường được chia sẻ bởi những nhóm người đang tìm cách đổ lỗi cho ai đó.

Đầu tiên phải kể tới một số bài đăng gây sốt liên quan tới tỷ phú George Soros. Một số nhân vật cánh hữu có tầm ảnh hưởng đã đưa ra những tuyên bố vô căn cứ rằng vị tỷ phú người Mỹ góc Hungaria này đang “tài trợ” cho các cuộc biểu tình. Theo thuyết âm mưu này, động cơ của tỷ phú Soros là chi tiền cho người biểu tình để họ khơi dậy một “cuộc chiến sắc tộc” và hạ bệ chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Những người ủng hộ QAnon – một thuyết âm mưu về một cuộc lật đổ của “nhà nước ngầm” nhằm vào chính quyền Trump – cũng đưa ra những tuyên bố tương tự.

Kể từ khi thuyết âm mưu về Soros xuất hiện, đã có thêm hơn 1 triệu bài đăng trên Facebook, Twitter và Instagram, trong đó nhắc lại những cáo buộc nhằm vào tỷ phú Soros.

Ông Soros, người điều hành tổ chức Open Society chuyên hỗ trợ tài chính cho một số nhóm hoạt động dân sự và các dự án cấp tiến trên khắp thế giới, từ lâu đã bị một số nhân vật cánh hữu coi như “ông ba bị”.

Mới đây, tổ chức của ông đã phản ứng trước các thuyết âm mưu này, viết trên Twitter rằng: “Ông Soros và Open Society phản đối mọi hành vi bạo lực và cũng không chi tiền cho người dân đi biểu tình”.