Theo Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhằm đáp trả việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông, Mỹ đã tăng cường năng lực quân sự quốc gia trên mặt trận nhằm buộc Trung Quốc phải trả giá cho những hành động hung hăng trên biển. Với mục đích trên, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí kéo dài hàng thập kỷ đối với Việt Nam trong chuyến thăm của ông tới Hà Nội. Liệu quan hệ quốc phòng song phương Việt-Mỹ sẽ tiến tới đâu, Viện Doanh nghiệp Mỹ đặt vấn đề.
Tác giả Eddie Linczer nhận định những tiến triển trong quan hệ quốc phòng giữa hai nước Việt-Mỹ có thể sẽ diễn ra từ từ do cần thêm thời gian cải thiện lòng tin giữa hai bên và do sự tế nhị của Hà Nội trong mối quan hệ với Trung Quốc. Hơn nữa cũng cần thời gian để hoàn tất thủ tục chương trình mua bán quân sự dành cho nước ngoài (FMS) của Mỹ do sự tốn kém của vũ khí Mỹ cũng như bản chất phức tạp của tiến trình mua sắm vũ khí Mỹ - một thủ tục mà Hà Nội ít hiểu biết.
Theo Viện Doanh nghiệp Mỹ, bởi thế trong tương lai thấy được, Việt Nam dường như sẽ tiếp tục mua sắm hầu hết các thương vụ vũ khí lớn từ Nga.
Những người hoài nghi có lý khi chỉ ra những vật cản thực sự cho việc hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt chặt chẽ hơn. Mặt khác, có ít dấu hiệu cho thấy sức ép của Trung Quốc trên Biển Đông sẽ dịu đi. Cho nên, quan hệ quốc phòng giữa hai quốc gia Việt-Mỹ sẽ tiếp tục chín muồi trong ngắn và trung hạn, Viện Doanh nghiệp Mỹ đánh giá.
Theo Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhằm thúc đẩy quan hệ quốc phòng mạnh mẽ hơn với Việt Nam, chính quyền Mỹ nhiệm kỳ tới nên đồng thời theo đuổi 4 nỗ lực sau:
Chuẩn bị một gói mua sắm vũ khí cho Việt Nam. Mỹ đã cam kết 2 triệu USD nhằm xác định nhu cầu mua sắm quốc phòng của Việt Nam. Hà Nội đặc biệt quan tâm tới việc sở hữu các thiết bị trong lĩnh vực công nghệ trinh sát hàng hải Mỹ (MDA) như máy bay trinh sát, tàu tuần duyên và các hệ thống radar. Các thông tin gần đây cũng cho thấy Hà Nội muốn mua các chiến đấu cơ F-16 và máy bay tuần tra biển P-3C thông qua chương trình mua sắm của Lầu Năm Góc.
Dùng đòn bẩy mua sắm vũ khí để được tiếp cận vịnh Cam Ranh, cảng nước sâu ở bờ biển phía nam Việt Nam, nằm đối diện với quần đảo Trường Sa đang có tranh chấp. Hiện nay, Mỹ mới chỉ được phép ghé cảng Việt Nam mỗi năm một lần và hiện vẫn chưa có chiến hạm Mỹ nào cập cảng Cam Ranh (trước đó vào năm 2012 mới chỉ có tàu hậu cần vào Cam Ranh).
Ngày nay, Nga được quyền ưu đãi vào cảng Cam Ranh. Thậm chí Việt Nam đã cho phép hải quân Nhật Bản, Ấn Độ, Singapore và Pháp ghé cảng hạn chế. Vịnh Cam Ranh sẽ cung cấp một trung tâm hậu cần giá trị cho hải quân Mỹ và Washington đang tìm cách phân tán các cơ sở quân sự của mình trong khu vực.
Tiếp tục khuyến khích Việt Nam tham gia các cuộc tuần tra hải quân chung trên Biển Đông và các cuộc tập trận như RIMPAC. Lo ngại về sự tức tối của Bắc Kinh và xác định duy trì một sự độc lập chiến lược, Việt Nam đã nhiều lần từ chối đề xuất của Mỹ tham gia các dạng hoạt động nêu trên. Mỹ nên hoan nghênh hải quân Việt Nam tăng cường tương tác với hải quân đối tác khác, trong khi vẫn đang tiếp tục thúc đẩy các cuộc diễn tập song phương lớn hơn.
Viện đề xuất đầu tư vào quan hệ giữa các lãnh đạo quân sự tương lai của Việt Nam và các đồng cấp Mỹ thông qua chương trình mở rộng huấn luyện và cơ hội học tiếng Anh cho các học viên quân sự Việt Nam qua các chương trình như Huấn luyện và đào tạo quân sự quốc tế (IMET), Sáng kiến hoạt động hòa bình toàn cầu và Viện ngôn ngữ quốc phòng Mỹ…
Theo Viện Doanh nghiệp Mỹ, phát triển mối quan hệ quốc phòng mạnh mẽ với Việt Nam rất quan trọng trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường hệ thống đối tác an ninh hàng hải ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hợp tác quốc phòng chặt chẽ giữa Washington và Hà Nội sẽ gửi một thông điệp rõ ràng kẻ gây hấn rằng Mỹ và các đối tác của mình ở Đông Nam Á quyết tâm chống lại những hành động hăm dọa, hung hăng ở Biển Đông.