Công ty cổ phần Giám định Cà phê và Hàng hóa Xuất nhập khẩu (CafeControl) đang thu hút sự quan tâm của dư luận khi Bộ Quốc phòng đề nghị UBND TP. HCM, UBND tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng và Gia Lai giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này.
Nguyên nhân là CafeControl đang quản lý, sử dụng 4 khu đất gồm: khu 1 tại số Pasteur, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM; khu 2 tại phường Lộc Sơn, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng; khu 3 tại số 319A Nguyễn Viết Xuân, phường Phú Hội, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai và khu 4 tại khu phố 5, phường Long Phước, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước. Xét về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, việc Công ty sử dụng, quản lý các khu đất trên cơ bản không ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng của các đơn vị.
Tuy nhiên, CafeControl đã chuyển nhượng 67% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, cụ thể là Công ty Eurofins Food Testing Lux Holding. Điều này là thay đổi bản chất doanh nghiệp từ doanh nghiệp trong nước thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Vì vậy, Bộ Quốc phòng đề nghị UBND TP. HCM và UBND các tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Gia Lai giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của CafeControl, thực hiện nghiêm Nghị định 152/2020/NĐ-CP về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Bộ cũng giao Quân khu 5 phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai; Quân khu 7 phối hợp với UBND TPHCM, UBND tỉnh Lâm Đồng và Bình Phước giải quyết những nội dung có thể liên quan đến quốc phòng.
Những vấn đề vượt quá thẩm quyền, các đơn vị báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Quốc phòng.
Theo tìm hiểu, bên nhận chuyển nhượng Eurofins Food Testing Lux Holding thành lập năm 2007 tại Luxembourg, người đại diện theo pháp luật là ông Lionel Marc Jean Mauel. Ông này còn là Giám đốc tài chính và M&A khu vực Úc, Newzeland và Đông Nam Á của Tập đoàn Eurofins.
CafeControl kinh doanh ra sao?
CafeControl là doanh nghiệp được cổ phần hoá từ doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định số 2956/QĐ-BNN-DMDN ngày 29/6/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đến nay, nhà nước đã thoái hết vốn.
Tại thời điểm năm 2019, Hội đồng quản trị của CafeControl gồm ông Phạm Thứ Triệu, ông Nguyễn Nam Hải và ông Hoàng Nguyên Bình. Hiện tại, ông Nguyễn Nam Hải đảm nhiệm vai trò người đại diện theo pháp luật.
Tính tới năm 2019, công ty có vốn điều lệ 17 tỷ đồng, trong đó ông Phạm Thứ Triệu nắm giữ 51%, ông Nguyễn Nam Hải nắm giữ 10,9%, còn lại cổ đông khác là 38.1%.
Trong giai đoạn năm 2011 - 2019, hoạt động kinh doanh của CafeControl tạo ra bình bình quân 50 - 60 tỷ đồng mỗi năm, lợi nhuận sau thuế trung bình 6,6 tỷ đồng/năm.
Xét riêng năm 2019, năm “lập đỉnh” của CafeControl, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 69 tỷ đồng và 10,6 tỷ đồng, tăng trưởng 15% và 45% so với thực hiện năm trước. Biên lợi nhuận gộp ở mức rất cao, đạt 93,4%.
Về tài sản, tổng tài sản tại ngày kết thúc năm 2019 của CafeControl đạt 49,4 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Trong đó, công ty duy trì lượng tiền mặt tương đối dồi dào, chiếm 30% tổng tài sản (15 tỷ đồng).
Cơ cấu tài sản ghi nhận khoản khoản phải thu ngắn hạn tăng cao 49% so với đầu năm, chiếm 23% tổng tài sản; hầu hết là phải thu ngắn hạn của khách hàng (15 tỷ đồng). Khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi lên tới 4 tỷ đồng, không thay đổi so với năm trước.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày 31/12/2019 đạt 16,5 tỷ đồng, chiếm 33% tổng nguồn vốn, đều là nợ ngắn hạn. Đáng nói trong cơ cấu nợ phải trả chiếm tới 56% là khoản phải trả người lao động (tiền lương phải trả người lao động).