Các quỹ đầu cơ nghĩ gì về chứng khoán Trung Quốc?

Các quỹ đầu cơ đang đánh giá lại vị thế của họ và đặt câu hỏi về vai trò của chính phủ trong thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Hình ảnh tại lễ ra mắt Kết nối hai sàn chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông
Hình ảnh tại lễ ra mắt Kết nối hai sàn chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông

Cách đây không lâu, cácquỹ đầu cơ(hedge funds) đã chuẩn bị kỹ lưỡng để đón đầu đợt mở cửa lớn nhất của thị trường tài chính Trung Quốc. Tháng 11/2014, các nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên có thể trực tiếp mua và bán cổ phiếu niêm yết trên thị trường Thượng Hải. Đây là một cơ hội để kiếm lời từ thị trường đã tăng trưởng rất mạnh với nhiều cổ phiếu tăng giá gấp đôi gấp ba.

Nhưng thời thế đã thay đổi.

Trong tháng trước, hàng nghìn tỷ USD giá trị đã bị bốc hơi khỏi thị trường trong nước khi chứng khoán giảm hơn một phần ba. Chính phủTrung Quốcđã bắt đầu vào cuộc, đưa ra một loạt các động thái ngày càng quyết liệt nhằm nâng đỡ thị trường.

Các quỹ đầu cơ đang đánh giá lại vị thế của họ và đặt câu hỏi về vai trò của chính phủ trong thị trườngchứng khoán Trung Quốc.

O’Connor, quỹ đầu cơ trị giá 5,6 tỷ USD thuộc sở hữu của UBS, là một trong những nhà đầu tư đó. Động thái của chính phủ Trung Quốc đã khiến quỹ này không chắc chắn về việc sẽ hoạt động như thế nào.

“Rõ ràng mục đích là nhằm khôi phục niềm tin của nhà đầu tư và ổn định thị trường, nhưng đây sẽ là trở ngại cực kỳ lớn đối với tự do hóa thị trường vốn Trung Quốc,” Dawn Fitzpatrick, giám đốc đầu tư của O”Connor, cho biết qua email. Động thái của chính phủ, bà cho biết thêm, “sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong khi đây là một kế hoạch chính sách quan trọng”.

Tính đến ngày 13/7, 1/3 thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn còn đóng băng. (Tuần trước thì một nửa). Các nhà đầu tư nắm giữ hơn 5% cổ phiếu của một công ty bị cấm bán trong sáu tháng. Đồng thời, các công ty môi giới được giao nhiệm vụ bơm hàng tỷ USD vào thị trường, và các công ty lớn thuộc sở hữu nhà nước được lệnh mua lại cổ phiếu.

Bộ Công an đã cam kết sẽ điều tra bán khống “độc hại”, theo thông tin của các phương tiện truyền thông của nhà nước. Bán khống là một trong những chiến lược phân biệt nhà quản lý quỹ đầu cơ với nhà đầu tư khác.

Các công ty môi giới thông báo với khách hàng quỹ đầu cơ của mình rằng sẽ bỏ qua bán khống bởi chẳng đáng để bị nhức đầu khi cơ quan quản lý Trung Quốc đến gõ cửa.

Tất cả những động thái đã lần lượt thực hiện này khiến các nhà đầu tư nước ngoài vừa hoảng loạn vừa khó hiểu. Một nhà quản lý quỹ đầu cơ trụ sở đặt tại Hồng Kông cho biết, ông không biết bản thân mình lời hay lỗ trong tình trạng lộn xộn thế này. Ông sẽ không biết cho đến khi một số vị thế của mình – mua hoặc bán khống cổ phiếu ở Thượng Hải, Thâm Quyến và Hồng Kông – bắt đầu giao dịch trở lại.

Sự phục hồi mạnh mẽ và đột ngột rơi tự do, kết hợp với sự can thiệp của chính phủ Trung Quốc, đã mang đến bức minh họa hoàn hảo giải thích vì sao có nhiều nhà đầu tư đến từ phố Wall không mua “A shares” (cổ phiếu trong nước của Trung Quốc).

“Mọi người nghĩ rằng “A shares” là thị trường có tính đầu cơ rất cao và gọi nó là một sòng bạc (casino),” Jorge Mariscal, giám đốc đầu tư vào thị trường mới nổi tại UBS Wealth Management, cho biết. Nhưng, ông nói thêm, điều này cũng gây nhầm lẫn. “Trong một sòng bạc bạn biết các quy tắc của trò chơi. Ở đây chúng đang chuyển hướng, và tôi nghĩ rằng điều này sẽ ngăn cản các nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường này”, ông nói.

Tuy nhiên, cách đây không lâu, mọi thứ hoàn toàn khác. Trong cam kết giảm vai trò của chính phủ trong nền kinh tế, Chủ tịch Tập Cận Bình đã công bố một gói các thay đổi sẽ giúp tự do hóa thị trường tài chính Trung Quốc trong năm 2013. Ngay sau đó, chính phủ cho phép một nhóm nhỏ các quỹ đầu cơ từ Mỹ và Anh huy động hàng chục triệu USD từ các nhà đầu tư Trung Quốc như là một phần của chương trình thí điểm.

Năm ngoái, chính phủ đã mở cửa sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài thông qua chương trình được gọi là Kết nối Chứng khoán Thượng Hải - Hồng Kông (Shanghai-Hong Kong Stock Connect), một động thái mà các nhà đầu tư hoan nghênh như là sáng kiến quan trọng nhất của chính phủ Trung Quốc.

Ngay cả khi các quỹ đầu cơ và ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh nhằm tận dụng lợi thế của Kết nối Chứng khoán và những thay đổi khác, sự tham gia của nước ngoài tại thị trường Trung Quốc vẫn còn rất nhỏ.

Trong nhiều năm, một nhóm nhỏ các quỹ đầu cơ đã tham gia vào chương trình hạn ngạch đặc biệt, cho phép một số tổ chức nước ngoài đủ điều kiện giao dịch cổ phiếu định danh bằng đồng nhân dân tệ và đô la Hồng Kông. Nhưng ngay cả với giao dịch này, cùng với giao dịch qua Kết nối Chứng khoán, các nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ chiếm khoảng 1% trong số 8.500 tỷ USD giá trị vốn hóa của TTCK Trung Quốc, theo ước tính của UBS.

Đối với những nhà đầu tư nước ngoài tiên phong đó, sự tăng giá của cổ phiếu ở Trung Quốc thật đáng chú ý. Nhưng sớm có những dấu hiệu của bong bóng trên thị trường. Chứng khoán tăng gần ba lần trong khoảng thời gian 12 tháng mà cùng thời gian đó thu nhập của nền kinh tế và doanh nghiệp Trung Quốc đang xấu đi, Patrick Chovanec, giám đốc điều hành tại Silvercrest Asset Management Group, cho biết. Mức định giá của các công ty tăng vọt và, khi thị trường đạt đỉnh, trung bình mức giá trị gấp tới 85 lần lợi nhuận. Đây là một cảnh báo đối với hầu hết các nhà đầu tư.

Chỉ một tháng trước đây, "bữa tiệc" trên TTCK Trung Quốc dường như vẫn sẽ tiếp diễn. MSCI, bao gồm các chỉ số được theo dõi bởi các nhà quản lý tiền tệ trên thế giới, cho biết có thể sẽ sớm thêm cổ phiếu Trung Quốc vào rổ chỉ số hiện có của nó. Tuy nhiên, MSCI cũng cho biết thêm, có thể sẽ trì hoãn việc ra quyết định vì các lo lắng về những giới hạn lên dòng vốn, hạn ngạch đầu tư và cách thức luật pháp áp dụng cho các cổ đông nước ngoài, bên cạnh những lo ngại khác.

Ngược với dự đoán của những nhà đầu tư dày dạn trên TTCK, đợt thanh lọc thị trường vốn được cho là còn lâu mới tới đã xảy ra chóng vánh.“Chào mừng đến châu Á. Nhiều người đã mua vào và nghĩ rằng MSCI đầu tư xứng đáng? Rất tiếc câu trả lời là không,” Seth Fischer, giám đốc đầu tư của Oasis Management Company, một quỹ đầu cơ có trụ sở tại Hồng Kông cho biết. “Đáng lẽ họ nên biết điều này từ lúc thị trường tăng 50%,” ông nói thêm.

Trong những khoảnh khắc rất tồi tệ nhất của đợt bán tháo gần đây, Fischer là một trong số ít các nhà đầu tư mua cổ phiếu mà không ai muốn sở hữu. Ông nói rằng trong khi các nhà đầu tư đang tháo chạy ở tất cả các lối thoát, cổ phiếu thất bại thảm hại, thì vẫn có nhiều công ty trụ được trong những năm tới. Ông chỉ vào Shenguan Holdings, một công ty làm vỏ bọc cho xúc xích, như là một ví dụ.

“Đây là một công ty thực sự, và Trung Quốc sẽ không ngừng ăn xúc xích”, ông Fischer nói.

Các nhà đầu tư khác lạc quan cho rằng trong khi sự bất ổn thị trường làm nhiều người sợ hãi, thì nó lại có thể thúc đẩy các nhà lãnh đạo của Trung Quốc tiến hành những thay đổi thị trường sớm hơn.

Thị trường đã tăng điểm trở lại với mức tăng 13% sau 3 phiên trước khi đảo chiều giảm điểm phiên hôm qua. Tuy nhiên nhiều nhà đầu tư vẫn đang ở trong vùng tích cực trong năm. Sự suy giảm ở thị trường chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến đã không xóa hết lợi nhuận đạt được trong năm qua. Thực tế, trong thời gian ba năm, Shanghai Composite vẫn diễn biến tốt hơn chỉ óố S&P 500 của TTCK Mỹ.

Giữa tất cả các nhà đầu tư suy nghĩ sâu và cẩn thận, cảnh báo của một nhà quản lý quỹ đầu cơ đã gây chú ý hơn so với những người khác. James S. Chanos, người đã đặt cược vào cuộc suy thoái ở Trung Quốc trong 5 năm, gần đây đã so sánh Trung Quốc với Hy Lạp – quốc gia gây ra làn sóng giận dữ trong cộng đồng quỹ đầu cơ.

“Tôi nửa đùa nửa thật nói với những người bạn Trung Quốc của mình rằng trong 3-4 năm nữa, họ sẽ giống như quê hương của tôi, Hy Lạp,” ông Chanos cho biết vào tháng Năm trên chương trình đầu tư “Wall Street Week”. Nhận định của Chanos đã nhanh chóng được chứng minh là đúng khi chứng khoán Trung Quốc mà ông nắm giữ vị thế bán khống đã lao dốc.

Theo Trí thức trẻ/New York Times