Tờ Tokyo Shimbun Nhật Bản ngày 24/10 cho rằng các doanh nghiệp công nghiệp quân sự nước ngoài đang quan tâm đến công nghệ của Nhật Bản. Do Nhật Bản đã dỡ bỏ cấm vận xuất khẩu vũ khí, các doanh nghiệp công nghiệp quân sự nước ngoài và các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác phát triển vũ khí đã trở nên dễ dàng hơn.
Triển lãm hàng không vũ trụ quốc tế có sự tham gia của các doanh nghiệp công nghiệp quân sự đã được tổ chức ở Tokyo, Nhật Bản trong tháng 10/2016, có khoảng 200 doanh nghiệp nước ngoài đã tham gia triển lãm, số lượng nhiều nhất trong lịch sử.
Đối với việc tiếp cận giữa doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp công nghiệp quân sự châu Âu-Mỹ, phó giáo sư Yamazaki Montoku, Đại học Ritsumeikan, người kêu gọi tận dụng khoa học công nghệ cho biết: "Công nghệ dân sinh của Nhật Bản sẽ từng bước được hấp thu vào hệ thống sản xuất vũ khí tiên tiến".
Đại diện pháp nhân Nhật Bản của Công ty máy bay trực thăng Bell (tham gia triển lãm), ông Richard Thornley cho biết: "Nhật Bản dỡ bỏ cấm vận xuất khẩu vũ khí giúp cho chúng tôi có thể cùng các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác phát triển vũ khí. Chúng tôi hy vọng tích hợp công nghệ của công ty với ưu thế của linh kiện điện tử Nhật Bản, mở rộng thị trường châu Á".
Công ty này đã quyết định hợp tác với Công nghiệp nặng Fuji Nhật Bản phát triển máy bay trực thăng đa dụng thế hệ tiếp theo UH-X của Bộ Quốc phòng Nhật Bản.
Triển lãm lần này được tổ chức ở Tokyo từ ngày 12 đến ngày 15/10, do Hiệp hội công nghiệp hàng không vũ trụ Nhật Bản tổ chức. Các doanh nghiệp Nhật Bản và khoảng 790 công ty và tổ chức doanh nghiệp nước ngoài của 31 quốc gia và khu vực tham gia triển lãm, đạt kỷ lục cao nhất trong lịch sử. Có trên 44.000 người đến tham quan.
4 tầng của tòa nhà triển lãm ngoài các doanh nghiệp công nghiệp quân sự châu Âu và Mỹ như Công ty Lockheed - Martin và Công ty Raytheon, các doanh nghiệp công nghiệp quân sự Ấn Độ và Israel cũng đã trưng bày vũ khí.
Những công ty này đã giới thiệu các vũ khí như tên lửa dẫn đường chính xác, máy bay chiến đấu bằng hình thức mô hình hoặc video, biến nơi đó thành triển lãm vũ khí.
Tháng 4/2014, Chính phủ Nhật Bản quyết định dỡ bỏ cấm vận xuất khẩu vũ khí, việc hợp tác phát triển vũ khí đã trở nên có khả năng.
Các doanh nghiệp công nghiệp quân sự nước ngoài đã chú ý đến sự thay đổi này. Giám đốc điều hành của Công ty Raytheon, công ty hợp tác với Công nghiệp nặng Mitsubishi phát triển tên lửa đánh chặn, cho biết:
"Trong tương lai sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác phát triển sử dụng công nghệ cao cấp của Nhật Bản". Giám đốc điều hành của Công ty BAE Systems Anh cũng rất trông đợi vào hợp tác phát triển với Nhật Bản.
Phó giáo sư Yamazaki Montoku là người rất hiểu biết về lịch sử khoa học công nghệ, cho biết: "So với triển lãm 4 năm trước, vũ khí tham gia triển lãm lần này của các doanh nghiệp công nghiệp quân sự nước ngoài tăng lên rõ rệt".
Ông Yamazaki Montoku nói: "Nếu các doanh nghiệp lớn Nhật Bản nghe theo yêu cầu của chính phủ, ưu tiên nhu cầu quân sự, sẽ dẫn tới hợp nhất với các tổ hợp quân sự của Mỹ và châu Âu".