Các nhà khoa học Mỹ phát triển phần mềm thử nghiệm xe tự lái, mô phỏng thế giới thực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Ohio, Mỹ đã phát triển phần mềm mới, hỗ trợ phát triển, đánh giá và trình diễn những phương tiện tự lái hoặc không người lái trong môi trường an toàn hơn.

Xe tự lái vận hành với nguồn dữ liệu được cung cấp từ phần mềm mô phỏng. Ảnh TechXplore.
Xe tự lái vận hành với nguồn dữ liệu được cung cấp từ phần mềm mô phỏng. Ảnh TechXplore.

Tech Xplore, trích dẫn công trình nghiên cứu, được công bố trên tạp chí ACS Publication giải thích: Phương thức thử nghiệm là một chiếc ô tô không người lái được đặt ở giữa một thao trường vận hành xe trống. Ô tô đang tự lái, nhưng phương tiện hoàn toàn không phản ứng với thế giới thực, mà là nguồn dữ liệu đầu vào được cung cấp từ phần mềm, cho phép hệ thống điều khiển xe thấy được hình dạng và cấu trúc con đường, những phương tiện tham gia giao thông, người đi bộ và những mối nguy hiểm mà xe tự lái gặp trên đường.

Bilin Aksun-Guvenc, GS kỹ thuật cơ khí và hàng không vũ trụ tại bang Ohio, đồng tác giả của công trình nghiên cứu cho biết, phần mềm được gọi là phương pháp Xe trong môi trường ảo (VVE), cho phép thử nghiệm ô tô tự lái trong một môi trường hoàn toàn an toàn.

xetulai.jpg
Công nghệ phát triển những chức năng của xe tự lái (AV) trên đường giao thông thực tế. Ảnh Sensor

GS Aksun-Guvenc cho biết: “Với phần mềm mới, chúng tôi giúp chiếc xe tư duy theo định hướng, phương tiện đang chạy trên đường giao thông trong thế giới thực, không phải đồ họa mô phỏng, nhưng thực tế là chiếc xe đang di chuyển trên một khu vực thử nghiệm rộng và an toàn với nguồn tư liệu được cấp từ phần mềm. Phương thức này giúp các công ty công nghệ xe tự lái tiết kiệm thời gian, chi phí và không có nguy cơ gây ra tai nạn giao thông chết người".

Nghiên cứu được công bố gần đây trên tạp chí Sensors cho thấy, bằng phương pháp nhúng xe tự lái vào môi trường không gian ảo, kỹ thuật này huấn luyện Trí tuệ Nhân tạo (AI) của ô tô học phương pháp tránh va chạm trên đường giao thông thực, tăng cường an toàn cho người đi bộ, phản ứng nhanh chóng với những sự kiện giao thông hiếm gặp hoặc nghiêm trọng.

GS Aksun-Guvenc cho biết, hiện nay các công nghệ xe tự lái đã trở nên phổ biến hơn trên đường giao thông trong 2 năm qua, nhưng do số vụ tai nạn mà các hệ thống xe tự lái gây ra rất lớn, nên phương thức đào tạo xe tự lái, sử dụng công nghệ đang được thử nghiệm này cần được xem xét kỹ lưỡng và có phương pháp tiếp cận tối ưu hơn.

Aksun-Guvenc, đồng giám đốc của Phòng thí nghiệm lái xe tự động bang Ohio cho biết: “Tương lai của chúng ta phụ thuộc vào độ tin cậy về sự an toàn của con người đối với tất cả những phương tiện giao thông. Do đó, tất cả những ý tưởng công trình nghiên cứu của chúng tôi đều hướng tới mục tiêu đó”. Phòng thí nghiệm lái xe tự động, tiền thân là một nhóm nghiên cứu được thành lập từ năm 2014 nhằm phát triển các công nghệ xe tự lái.

Những phương pháp hiện nay, được sử dụng để chứng minh các chức năng của xe tự hành liên quan đến hai giai đoạn, trước hết là thử nghiệm phần mềm và công nghệ trong mô phỏng, giai đoạn tiếp theo là thử nghiệm trên đường công cộng.

Nhưng các phương pháp này về cơ bản biến những người tham gia giao thông thành những thành viên tham gia không tự nguyện trong những thử nghiệm lái xe này, Aksun-Guvenc nhấn mạnh, những rủi ro này có thể khiến toàn bộ quá trình phát triển xe tự lái rất tốn kém chi phí, không hiệu quả và có nguy cơ gây mất an toàn cho cả người lái xe và người đi bộ tham gia giao thông.

Một ưu điểm lớn hơn là phát minh này cho phép thử nghiệm xe tự lái hỗ trợ AI có thể được thực hiện rất nhiều lần, cho phép hệ thống điều khiển xe tự lái tiếp tục trực tiếp học và hoàn thiện vận hành phương tiện.

Theo Tech Xplore