Các hãng đồ hiệu mâu thuẫn vì Trung Quốc

LVMH đã hạn chế số lượng sản phẩm một người được phép mua tại cửa hàng để giảm hoạt động của chợ đen, nhưng cùng lúc lo ngại biện pháp này có thể phương hại tới chính doanh số của hãng.
Các hãng đồ hiệu mâu thuẫn vì Trung Quốc

Trong buổi hội thảo phân tích doanh thu quý I vừa rồi, LVMH Moët Hennessy thừa nhận đang nỗ lực ngăn chặn hành vi cá nhân mua sỉ hàng hiệu tại châu Âu mang về bán lại tại Trung Quốc trên chợ đen, Business Insider đưa tin.

“Chợ đen có đất để hoạt động khi nội tệ tăng giá dẫn đến chênh lệch giá bán. Không thể biết khách đến cửa hàng để mua cho bản thân hay mua sỉ mang về Trung Quốc bán lại. Chúng tôi đã hạn chế số lượng sản phẩm một người được phép mua tại cửa hàng”, Giám đốc tài chính của LVMH thừa nhận.

Tuy nhiên, nhà sản xuất thương hiệu Louis Vuitton lo ngại biện pháp này có thể phương hại tới chính doanh số của hãng.

Mua hàng hiệu tại Mỹ và châu Âu là một hoạt động kinh doanh béo bở đối với nhiều cư dân Trung Quốc. Nguyên nhân là do giá hàng hiệu trung bình tại đây cao hơn  tới 51% so với Mỹ và 72% so với Pháp, số liệu Bộ Công thương Trung Quốc cho biết. Chưa kể, thuế giá trị gia tăng vào khoảng 17%.

Chống tham nhũng

LVMH báo doanh thu tăng tới 16% trong quý đầu năm 2015, đạt mức 8,83 tỷ USD. Nhưng hãng cũng thừa nhận đây không phải mức tăng trưởng nội tại.

Đồng euro tăng so với USD và túi Louis Vuitton đắt hàng đã thúc đẩy doanh số toàn tập đoàn trong 3 tháng đầu năm tại châu Âu và Mỹ.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng 3% doanh số so với cùng kỳ năm 2014 chưa bằng 1/3 mức tăng trưởng trên 10% vào 5 năm trước đây. Giống các thương hiệu cao cấp khác, LVMH chỉ ra Trung Quốc là thị trường chính bào mòn lợi nhuận cận biên.

Mặt hàng bia rượu của LVMH chật vật nhất với doanh số giảm 1% so với quý cuối 2014.

Doanh số bia rượu của LVMH giảm 1% so với quý cuối 2014. 

Từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên cầm quyền 2 năm về trước, Trung Quốc chiến đấu quyết liệt với tình trạng lót tay quà tặng đắt tiền cho các quan chức cấp cao, ảnh hưởng tới doanh số các mặt hàng này của công ty nước ngoài.

Giảm giá kịch liệt

Một số thương hiệu như Chanel đã tung biện pháp cải thiện doanh số. Hãng áp dụng chính sách giá toàn cầu mới, giảm 22% giá tại Trung Quốc, nâng giá tại châu Âu lên 20%.

Prada cũng nối bước Chanel có chọn lọc. Hãng hạ giá tại Trung Quốc nhưng không nâng giá tại châu Âu để bảo vệ doanh số tại đây. Năm 2014, Prada báo doanh thu giảm 1% xuống còn 3,8 tỷ USD, lợi nhuận giảm tới 28%.

Về phần mình, LVMH cho biết sẽ học tập biện pháp này của Chanel, vì cho rằng cơ cấu giá bất nhất là không có lợi cho một hãng đồ cao cấp, vì nó không linh động trước biến động tiền tệ.

“Chưa thể đánh giá hiệu quả của biện pháp này đối với Chanel. Chúng ta thấy khách hàng xếp hàng dài trước cửa hàng tại Trung Quốc Đại lục và Hong Kong, nhưng chưa rõ họ chờ để mua hàng hay để săn đồ giảm giá”, Giám đốc tài chính lvmh chỉ ra.

Ông cho rằng nhìn từ bài học trong quá khứ, không nên hành động quá nhanh trước dao động tỷ giá, nó có thể đẩy bạn vào một tình thế không thể kiểm soát.

“Nụ hôn thần chết”

Giảm giá là phương sách hợp lý đối với một số hãng, nhưng ngân hàng Barclays cho rằng đây là một lựa chọn rủi ro vì nó có thể ảnh hưởng tới uy tín của nhãn hiệu.

Uy tín là nhân tố sống còn của các nhà sản xuất đồ hiệu. Chúng là giá trị vô hình nhưng cấu thành lên phần lớn giá bán của sản phẩm. 

Michael Kors từng được xem là biểu tượng của sự sành điệu.
Michael Kors từng được xem là biểu tượng của sự sành điệu.

Michael Kors đang thấm thía bài học này hơn bao giờ hết. Đây từng được xem là một nhãn hiệu biểu tượng của sự sành điệu, khách hàng sẵn sàng trả một cái giá cao để sở hữu nó. Tuy nhiên, khi bất cứ ai cũng có thể sở hữu, đồ của Michael Kors dần mất đi độ “độc” và “chất”.

Michael Kors có cửa hàng cao cấp chuyên bán sản phẩm cao cấp, cửa hàng trung cấp và một hệ thống khác chuyên bán hàng giảm giá, lỗi mốt.

Các chuyên gia cho rằng chính những phân khúc này sẽ quay sang cạnh tranh với nhau. Khi biết có thể đợi đến đợt giảm giá để mua hàng với giá một nửa, ít ai chịu chi 500USD để sở hữu một chiếc túi Michael Kors ở cửa hàng cao cấp ngay từ đầu.

Đó là lí do vì sao mức độ phổ biến trên phạm vi rộng rãi được mệnh danh là "nụ hôn thần chết" đối với các nhãn hàng thời trang, đặc biệt với những hãng định vị mình tại phân khúc cao cấp.

Theo Bizlive