Các giáo sư Harvard gợi ý Việt Nam chú trọng đầu tư hạ tầng số, phát huy lợi thế về nguồn nhân lực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Nhiều khuyến nghị cụ thể và thiết thực cho Việt Nam để nắm bắt thời cơ xây dựng hệ sinh thái phát triển các công nghệ mới nổi, phát huy lợi thế nguồn nhân lực trong phát triển AI, chú trọng đầu tư hạ tầng số...được trao đổi.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng đoàn Việt Nam trong cuộc trao đổi với các giáo sư
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng đoàn Việt Nam trong cuộc trao đổi với các giáo sư

Tham dự Chương trình Lãnh đạo Cao cấp Việt Nam (VELP) 2024 chiều 1/4 (giờ địa phương), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã tiếp Giáo sư Douglas Elmendorf, Hiệu trưởng Trường Harvard Kennedy; Giáo sư David Golan, Hiệu trường Trường Đại học Y Harvard và các giáo sư của Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard

Tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định Việt Nam mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hoa Kỳ triển khai các nội hàm quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục và đào tạo.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh hợp tác giáo dục, đào tạo là một trong những hướng triển khai quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Giáo sư Douglas Elmendorf bày tỏ ấn tượng với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam; khẳng định tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, tập trung vào chia sẻ các nghiên cứu, đánh giá về tình hình quốc tế, khu vực, kinh tế Việt Nam.

Hiệu trưởng Đại học Harvard nhất trí tăng cường quan hệ hợp tác và liên kết đào tạo giữa Đại học Harvard và các Bộ ngành, các trường đại học của Việt Nam; khẳng định trường Harvard sẽ tiếp tục thúc đẩy để Đại học Fulbright trở thành một cơ sở cung cấp nguồn nhân lực cao cho sự phát triển của Việt Nam.

Trong khuôn khổ chương trình VELP, các chuyên gia đã trao đổi về triển vọng kinh tế toàn cầu, trí tuệ nhân tạo (AI), chip bán dẫn. Các giáo sư đưa ra bức tranh tổng thể, toàn diện về chiều hướng phát triển của các nền kinh tế lớn và các công nghệ mới.

Các giáo sư đều bày tỏ ấn tượng trước sự thành công của nền kinh tế Việt Nam; cho rằng Việt Nam là một trong những nền kinh tế có sự chuyển đổi thành công nhất thế giới trong 2 thập kỷ qua.

Đánh giá cao tiềm năng, cơ hội của Việt Nam trong tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu trong các ngành công nghệ mới nổi, các giáo sư và chuyên gia của Harvard đã đưa ra nhiều khuyến nghị cụ thể và thiết thực cho Việt Nam để nắm bắt thời cơ từ các xu hướng mới, nhất là tranh thủ thu hút các nguồn đầu tư mới đang dịch chuyển, xây dựng hệ sinh thái phát triển các công nghệ mới nổi, phát huy lợi thế về nguồn nhân lực trong phát triển AI, chú trọng đầu tư hạ tầng số và năng lượng tái tạo...

Chương trình VELP 2024 tập trung vào ba nội dung thảo luận chính. Trong đó, có nội dung về thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới ở Việt Nam, nhất là đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, các công nghệ mới nổi và các giải pháp vượt qua bẫy thu nhập trung bình và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.