“Các đồng chí du khách” Liên Xô chiến đấu ở Syria

Báo New York Times kể chuyện "các đồng chí du khách" Liên Xô chiến đấu ở Syria hồi năm 1983, nay những người lính bí mật vẫn chưa được thừa nhận.
"Các đồng chí du khách" LX chụp ảnh lưu niệm
"Các đồng chí du khách" LX chụp ảnh lưu niệm

"Các đồng chí du khách" Liên Xô” chiến đấu ở Syria là những người lính phòng không, được chỉ huy ra lệnh phải để tóc dài để giả làm khách du lịch, được phân phát thường phục.

“Các đồng chí du khách” Liên Xô rời cảng Nikolayev (nay là Mykolaiv,ở Ukraine) trên vài chuyến tàu khách, gồm một chiếc tên Ukraina đến một hải cảng Syria, trước khi kết hợp với các đơn vị quân chính phủ Syria.

Lúc đó, Tổng thống Syria là Hafez Assad - cha của đương kim tổng thống Syria Bashar Assad, từng học ở một trường không quân Liên Xô - can thiệp vào nội chiến Lebanon nhưng đánh không lại thế thượng phong quân sự của Israel. 

Trong một chuyến thăm Moscow bí mật, ông Assad “cha” thuyết phục lãnh đạo Liên Xô, rằng sự hỗ trợ của Liên Xô là cần thiết, để duy trì cân bằng quyền lực ở Trung Đông. Lãnh đạo Liên Xô quyết hỗ trợ đồng minh Syria, nên lập kế hoạch một chuyến tàu du lịch, đưa quân đến Syria.

Quân nhân Liên Xô giả làm sinh viên

Câu chuyện giúp Syria diễn ra với Valery Anisimov cùng các quân nhân Liên Xô.

Chuyến đi Syria của nhóm quân này diễn ra vào tháng Giêng 1983. Lúc đó, Anisimov, 19 tuổi là lính nghĩa vụ quân sự ở vùng Moscow, thuộc một đơn vị phòng không.

Anisimov cùng các chiến hữu được đưa đến cảng Nikolayev. Anh cùng 1.000 lính khác nhận lệnh sơn màu sa mạc ngụy trang lên các khí tài quân sự.

Tại cảng Biển Đen này, nhóm quân Liên Xô lên tàu khách Ukraina, bắt đầu hải trình. Họ không được biết điểm đến. Ngày xuất phát, một báo địa phương đưa tin tàu đưa các sinh viên chiến thắng một cuộc tranh tài, được thưởng một chuyến du lịch Địa Trung Hải. Aleksei S. Diyakov, lúc đó là đại úy phòng không, nói lính ông rất khoái “đóng kịch”.

Theo Anisimov, mỗi khi cần thông báo qua loa, nhóm quân đều được gọi là “các đồng chí du khách”. Các nữ nhân viên tàu cũng gọi họ như vậy, theo Anisimov: ”Chúng tôi giỡn với các cô ấy, nói chúng tôi không phải là du khách, nhưng họ đáp: “Anh ơi, làm ơn đừng đùa như thế với chúng em”.

Trong lúc vượt tuyến đường biển Dardanelles nối Biển Đen Địa Trung Hải, tàu khách Ukraina đi ngang qua một tàu chiến Mỹ.

Anisimov kể có nhiều xuồng tiếp cận chiếc Ukraina, trong khi thiết bị dò được Mỹ chĩa về chiếc này: “Chúng tôi bị nhốt trong cabin, được lệnh cấm nói chuyện”.  

Ông cũng nhớ: quân phục do Bộ Quốc phòng Liên Xô cấp có nhiều cỡ quá lớn, gồm 3 màu xám, đen và xanh biển. Khi đến Syria, lính Hồng quân mặc quân phục Syria.

Anisimov kể: “Trên chỉ thị rằng khi “các đồng chí đến Syria, họ sẽ đưa vũ khí cho chúng ta”. Chúng tôi không được gọi nhau là đồng chí thiếu úy hoặc đồng chí đại tá. Chúng tôi gọi nhau bằng tên, để không ai biết chúng tôi là quân nhân Liên Xô”.

Vài ngày sau, chiếc Ukraina cập cảng Tartus,nơi Nga có một cơ sở hải quân để chuyển khí tài quân sự đến Syria.

Tiểu đoàn phòng không 220 là đơn vị mới của Anisimov, vận hành tên lửa phòng không S-200, với nhiệm vụ đề phòng máy bay Israel bay vào Syria và nếu cần thì bắn hạ chúng.

Lệnh bắn hạ này chưa bao giờ được áp dụng, nhưng Anisimov nói: sự hiện diện của tên lửa Nga giúp ngăn chặn không quân Israel.

Cựu binh Liên Xô có công đi Syria chưa được công nhận

Nay, Anisimov là thủ lĩnh nhóm cựu binh Liên Xô đi Syria, đang tổ chức một cuộc vận động ở Nga, để quốc hội nước này chính thức công nhận chiến công bí mật của họ.

Nhưng chiến công này không được ghi lại trong văn bản nào. Bộ Quốc phòng Nga chưa bao giờ giải mật vụ “các đồng chí du khách” đi chiến đấu, nên các cựu binh chưa hề được hưởng phụ cấp.

Một dự thảo luật mà Anisimov giúp soạn, nhằm sửa những điều ông cho là bất công đối với các cựu binh Liên Xô từng tham gia nội chiến Lebanon.

Ông nói với Times: “Điều quan trọng là chính phủ công nhận chúng tôi đã phục vụ tổ quốc. Các tài liệu về chúng tôi đều thuộc diện bí mật, đến độ không ai có thể tìm ra chúng”.

Theo dự thảo luật, có tổng cộng 6.000 quân nhân Liên Xô ở hai đơn vị phòng không phục vụ ở Syria từ năm 1983 đến 1984. Anisimov giúp soạn dự thảo luật trên, nhằm có một quy chế cựu binh cho các “đồng chí du khách”.  

Nếu được ghi nhận là cựu binh có chiến công, “các đồng chí du khách” sẽ được trợ cấp thêm 2.500 rúp/tháng (36 USD), được nhà nước ưu tiên xem xét cấp căn hộ và điều kiện tiếp cận bệnh viện dành cho cựu binh.  

Dự thảo luật viết: “Khi hợp tác với quân phòng không Syria, trong một cuộc chiến nguy hiểm, các tiểu đoàn có tham gia chống lại các cuộc không kích của Israel”.

Dự thảo luật lưu ý: “Trong hồ sơ của các quân nhân có viết, rằng từ năm 1983 đến 1984, họ phục vụ đơn vị phòng không ở vùng Moscow. Không có một luật nào được lập để tạo điều kiện hỗ trợ một cuộc sống xứng đáng, những hoạt động tôn vinh của xã hội đối với các du khác này. Thông qua luật này sẽ khôi phục công lý lịch sử”.

Quốc hội Nga ngày 4.12 tạm chưa xét đợt 1 dự thảo luật này.

Cựu binh phòng không Anisimov
Cựu binh phòng không Anisimov

 Nghệ thuật che giấu “maskirovka” của quân đội Nga

Theo Times, đây là một nỗ lực làm rõ sự liên quan của những cựu binh Nga được triển khai nhiệm vụ bí mật thời gian gần đây, đến Ukraine và Syria dưới nhiều cách giả dạng, gồm những quân nhân không phù hiệu quân hiệu ở đông Ukraine, “người nghỉ hè” ở vùng này hoặc nhân viên hoạt động nhân đạo ở Syria.

Trong cuộc chiến ở đông Ukraine, hàng ngàn quân Nga tham chiến cùng quân nổi dậy đòi ly khai, theo Times. Các chính phủ phương tây nói họ là quân được giao nhiệm vụ, nhưng Nga nói họ là lính tình nguyện. 

Aleksandr V. Zakharchenko, một thủ lĩnh ly khai thân Nga, từng nói năm 2014, khi cuộc nội chiến này lên đỉnh điểm, rằng có khoảng từ 3.000-4.000 quân Nga chiến đấu cho phe nổi dậy. Nhưng đó là khi họ đang nghỉ phép.

Zakharchenko nói: “Họ là lính chiến đấu giữa chúng tôi, muốn trải qua kỳ phép bên cạnh anh em của họ đang chiến đấu cho tự do, thay vì ở những bãi biển”.

Quân tình nguyện Nga không phù hiệu ở Crimea
Quân tình nguyện Nga không phù hiệu ở Crimea

Những cuộc triển khai quân không thừa nhận này, tạo nên một thành tố trong học thuyết “maskirovka” tức “che giấu”.

“Maskirovka” gồm nhiều ý tưởng về đánh lạc hướng, cấp thông tin sai, đã được áp dụng trong các chiến dịch quân sự của Nga, theo các nhà phân tích quân sự.

Dmitry Adamsky, một giáo sư của Trường Chính phủ - ngoại giao và chiến lược Lauder ở Herzliya (Israel), trong một bài nghiên cứu về chiến tranh tâm lý của Nga, đã viết:

Bài bản của Nga thể hiện một sự tiếp nối lịch sử đáng chú ý. Ông nêu “Maskirovka” là một trong những phẩm chất chủ đạo của nghệ thuật quân sự - tình báo Liên Xô - Nga. Và đó là một chuỗi hoạt động phủ nhận - nghi binh - tuyên truyền - ngụy trang - bí mật rất hữu ích từ hàng chục năm trước cho đến tận ngày nay.

Ông nêu một ví dụ: bản đồ Liên Xô gồm nhiều chi tiết không chính xác, làm lái xe nản chí, nhưng để phục vụ an ninh quốc gia: nếu điệp viên địch lấy được các bản đồ này, chúng sẽ gây lầm lẫn cho đạo quân xâm lược ngỡ là đang trên những con đường, nhưng thực tế là chúng lại bị dẫn đến những bãi đầm lầy.  

Một ví dụ khác: quân đội Nga sản xuất và xuất khẩu nhiều mẫu xe tăng và súng phóng rocket kềnh càng… nhưng bằng mủ không xẹp, để lừa các máy bay trinh sát.

Hè qua, khi Mỹ nói Nga chuyển khí tài quân sự đến căn cứ không quân ở Latakia (Syria) Moscow đáp đó là hoạt động nhân đạo, trước khi họ xuống hàng rồi công khai rằng đó là một cuộc triển khai quân sự, nhằm yểm trợ chế độ Tổng thống Syria Bashar Assad.

Quân không phù hiệu xuất hiện ở bán đảo Crimea - trước khi sáp nhập vào Nga hồi tháng 2.2014 - được nói là dân quân địa phương hoặc thành viên của một nhóm chơi xe mô-tô. Sau này, Tổng thống Nga Vladimir Putin xác nhận đó là những quân nhân.

Vĩnh Thụy - Theo New York Times, Một thế giới