Bước đi đáng lo

Thoạt nhìn, quyết định gửi thêm 250 đặc nhiệm đến Syria để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng của Tổng thống Mỹ Barack Obama đầu tuần này dường như là bước đi nhỏ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama Ảnh: The New York Times
Tổng thống Mỹ Barack Obama Ảnh: The New York Times

Một khi được triển khai đầy đủ, số lượng đặc nhiệm Mỹ hoạt động ở Syria sẽ tăng lên 300 - chẳng là gì so với 180.000 binh sĩ Mỹ tại Iraq và Afghanistan vào thời điểm ông Obama vào Nhà Trắng năm 2009.

Nhà lãnh đạo Mỹ giải thích ông muốn duy trì những bước tiến đạt được trong cuộc chiến chống IS dù vẫn thận trọng nói lực lượng Mỹ sẽ không đi đầu trong cuộc chiến, thay vào đó họ chỉ huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng địa phương.

Bất chấp những lời lẽ trấn an, vẫn có lý do để lo ngại về chuyện Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Syria. Tờ The Guardian nhận định trong lúc binh sĩ Mỹ chống IS ở Iraq theo đề nghị của chính phủ chủ nhà thì khoảng 300 đặc nhiệm tại Syria sẽ hoạt động “chui”, dẫn đến không ít rủi ro về pháp lý. Cái khó nữa lúc này là Mỹ vẫn chưa tìm đủ số tay súng Ả Rập đối lập cần thiết để phát động chiến dịch tái chiếm TP Raqqa, được xem là thủ phủ của IS ở Syria.

“Sứ mệnh như cũ trong lúc nguồn lực vẫn hoàn toàn không tương xứng. Để đánh bại IS tại Raqqa và Mosul (thành trì của IS tại Iraq), cần có lực lượng trên bộ được sự hỗ trợ từ trên không khi cần, kết hợp với hoạt động thu thập thông tin tình báo để các cuộc không kích diễn ra chính xác, hiệu quả. Không có đồng minh nào đủ khả năng thay Mỹ làm những điều này” - ông Christopher Harmer, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu chiến tranh (Mỹ), nói với trang The Daily Beast về số lượng đặc nhiệm Mỹ tăng lên ít ỏi.

Cũng bởi vậy mà một số chuyên gia thắc mắc 300 đặc nhiệm Mỹ sẽ làm gì để chống lại hàng chục ngàn tay súng IS ở Syria. Thậm chí, nhà phân tích chính trị Issa Chaer của Phong trào Đoàn kết Syria còn nhận định với đài Sputnik rằng lực lượng Mỹ nói trên không tập trung vào việc đánh IS mà chỉ “bảo vệ các nhóm vũ trang đối lập đang chống lại quân đội Syria”.

Quyết định của ông Obama cũng khiến dư luận lật lại cam kết “không triển khai bộ binh ở Syria” mà ông không ít lần nói đến.

Chuyên gia Micah Zenko của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (Mỹ) nhận định ông chủ Nhà Trắng đang nối gót những người tiền nhiệm: Ban đầu tìm cách giảm nhẹ một cam kết quân sự nào đó nhưng rồi dần gia tăng và phê chuẩn những sứ mệnh mới trong lúc vẫn nhấn mạnh không có sự thất hứa nào ở đây.

Giới chức Lầu Năm Góc thừa nhận thông báo triển khai quân mới nhất nhiều khả năng không phải là cuối cùng bởi những trận chiến sắp nổ ra ở Raqqa và Mosul.

Tờ New York Times vẽ ra nguy cơ Mỹ sa vào một “bãi lầy” khác ở Trung Đông khi dần thêm quân đến Syria, đồng thời chỉ rõ nhiều câu hỏi chưa có lời đáp. Đứng đầu danh sách là 2 câu hỏi: “Động thái tăng quân có ý nghĩa gì đối với sự can dự của Mỹ (vào Syria) trong tương lai?” và “Cuộc chiến ở Syria sẽ kết thúc thế nào?”.

Tờ The Guardian ít nhiều đưa ra câu trả lời riêng: “Không có bằng chứng gì cho thấy việc tăng cường vũ khí và binh sĩ Mỹ sẽ giúp cải thiện tình hình bi kịch ở Syria. Trái lại, lịch sử cho thấy bước đi này chỉ làm mọi chuyện tồi tệ hơn”.

Trước mắt, nhiều người cho rằng cách tốt nhất để đánh bại IS là chấm dứt cuộc nội chiến giữa chế độ Tổng thống Bashar al-Assad và phe đối lập để tất cả các bên tập trung đối phó tổ chức khủng bố này. Không may là thỏa thuận ngừng bắn được thực thi ở Syria từ cuối tháng 2 dường như đã sụp đổ, cùng với đó là hy vọng nhạt nhòa về khả năng nối lại đàm phán về một giải pháp chính trị.

Theo NLĐ