Bức thư gửi từ bên kia chiến tuyến

Phát hiện lộ bí mật trước khi chiến dịch mở màn, nhưng vì âm mưu chính trị, cả Mỹ lẫn VNCH vẫn quyết định tiến hành Chiến dịch Lam Sơn 719. Dù Việt Cộng có nắm được kế hoạch cũng không thể đủ sức, đủ thời gian để đối phó hữu hiệu.
Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Thị xã An Lộc trước sự lúng túng và hoảng hốt của binh sĩ VNCH đang phòng thủ.
Xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Thị xã An Lộc trước sự lúng túng và hoảng hốt của binh sĩ VNCH đang phòng thủ.

 Họ tin chắc, ưu thế vũ khí, phương tiện chiến tranh hùng hậu cộng với hình thái chiến tranh kỹ thuật, chiến tranh lập trình sẽ dễ dàng nghiền nát chiến lược chiến tranh nhân dân vốn đề cao nhân tố con người của quân đội Cộng sản miền Bắc.

Sự kiêu ngạo kỹ thuật đã khiến Mỹ và VNCH phải trả một giá rất đắt. Gần 8.500 lính VNCH  thiệt mạng, hơn 13.000 người bị thương và bị bắt trong chiến dịch Lam Sơn.

Không trực tiếp chiến đấu nhưng phía quân đội Mỹ cũng có tới 215 người thiệt mạng, hơn 1.200 người khác bị thương và mất tích. Tổng cộng gần 800 trực thăng bị  bắn rơi và  bắn hỏng. Trong khi  đó, căn cứ địa Tchepon – đầu mối hậu cần của Quân đội nhân dân Việt Nam trên đất Nam Lào cho sự nghiệp giải phóng miền Nam vẫn đứng vững.

Nuốt không trôi trái đắng thảm bại, CIA và an ninh quân đội VNCH quay sang điều tra, tìm kiếm “Việt Cộng nằm vùng”, những người có thể đã cung cấp thông tin chiến dịch cho đối phương gây nên cuộc thảm bại.

Danh sách tình nghi trong hàng ngũ sĩ  quan cao cấp khá dài, trong đó bút mực đỏ đồ đậm một cái tên: Thiếu tá Nguyễn Văn Có, Trưởng phòng Hành quân Bộ Tổng tham mưu.

Ông Nguyễn Văn Có, thường gọi thân mật là ông Sáu Đột người gốc Bến Tre, được xem như một sĩ quan hành quân giàu năng lực. Viên sĩ quan này đã trực tiếp tham gia soạn bản đồ chiến lệ (bản đồ hành quân) các chiến dịch quan trọng như: Lam Sơn 719, Cuộc thoái binh Snuol (Campuchia 1971), hay cuộc hành binh đánh vào căn cứ  đầu não của Quân giải phóng miền Nam trên đất Campuchia năm 1970.

Cũng chính ông ta là người thay Đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Cao Văn Viên thuyết trình kế hoạch hành quân Hạ Lào cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và các tướng lĩnh cao cấp Hoa Kỳ trên Hạm đội 7 trước khi chiến dịch mở màn. Đáng nói, tất cả các cuộc hành quân đó, quân đội VNCH đều hoàn toàn đại bại.

Đáng nghi hơn, lẽ ra trong cuộc hành binh Snuol, Thiếu tá Nguyễn Văn Có đã phải có mặt trên cùng chuyến trực thăng định mệnh ngày 23/2/1971 để tham gia thị sát chiến trường Campuchia. Nhưng vào giờ chót, không rõ vì lý do gì, trung tướng Đỗ Cao Trí - Tư lệnh Quân đoàn 2 - Vùng II chiến thuật đã đồng ý cho ông ở lại.

Kết quả: trực thăng nổ tung, tướng Trí cùng 1 trung tá, 1 thiếu tá, 2 đại úy, 2 sĩ quan phi công Mỹ và 4 hạ sĩ quan khác thiệt mạng. Là định mệnh run rủi hay do thiếu tá Nguyễn Văn Có biết trước? Câu trả lời vẫn là một bí ẩn.

Không có bằng chứng nên thiếu tá Nguyễn Văn Có chỉ bị ngồi chơi xơi nước nhưng không bị bắt. Viên Thiếu tá - Trưởng phòng hành quân vẫn an nhiên tự tại, không hề có dấu hiệu nao núng hay muốn bỏ trốn khả dĩ càng làm cho mối nghi ngờ tăng lên.

Mãi đến tháng 3/1972, phía Sài Gòn mới có đủ bằng chứng để khẳng định: Thiếu tá Nguyễn Văn Có là một điệp viên cao cấp của Cộng sản. Lệnh bắt được ký, nhưng viên thiếu tá đã biến mất, không dấu vết.

Không lâu sau, tin tình báo lại cho biết, Thiếu tá Nguyễn Văn Có đã trở thành Chính ủy Trung đoàn 201A (một nửa của Trung đoàn 201, nửa kia vẫn ở lại làm nhiệm vụ tại căn cứ trên đất Campuchia), đơn vị chủ lực miền đang tham gia bao vây và tấn công thị xã An Lộc, tỉnh Bình Long trong chiến dịch Nguyễn Huệ nhằm mở toang cánh cửa về Sài Gòn - cách 98km theo đường chim bay từ hướng tây bắc.

Càng cay đắng hơn, Thiếu tá Nguyễn Văn Có trước đó đã từng là người tham gia soạn thảo kế hoạch phòng thủ đường 13, mặt trận Bình Long, đề phòng bị quân Cách mạng từ hướng Campuchia kéo về tấn công sau khi  cuộc hành binh Snuol của quân đội VNCH thất bại.

Trên bản đồ, tỉnh tân lập Bình Long chỉ mới xuất hiện từ năm 1956,  trên cơ sở thị trấn Hớn Quản tách ra khỏi tỉnh Thủ Dầu Một, rộng vỏn vẹn chỉ 2.140km2, gồm 3 quận - thị xã Lộc Ninh, Chơn Thành và An Lộc. Quân lực VNCH phòng thủ Bình Long khá yếu.

Ngày 5/4/1972, chiến dịch Nguyễn Huệ mở màn. Ngày 7/4/1972, Quân giải phóng đã làm chủ hoàn toàn quận Lộc Ninh, thọc sâu đánh sang quận Chơn Thành và bao vây chặt thị xã An Lộc (tức thị xã Bình Long).

Được tăng cường thêm Trung đoàn 8 bộ binh, quân lực VNCH cố thủ Bình Long tăng vọt lên con số 6.000, gồm Liên đoàn 3 biệt động quân, 3 trung đoàn  bộ binh 8, 7 và 52, tất cả dưới quyền điều động của chuẩn tướng Lê Văn Hưng, Tư lệnh mặt  trận An Lộc – Bình Long. Các đơn vị chủ lực này chia nhau cố thủ 2 quận còn lại.

Riêng binh bị phòng thủ mặt Nam của tiểu khu Bình Long, chỉ rộng không đầy 3km2được giao cho Tiểu khu phó (Tỉnh phó), trung tá Nguyễn Thống Thành chỉ huy. Đó cũng chính là hướng tấn công của Trung đoàn 201A do Chính ủy Nguyễn Văn Có phụ trách.

Lịch sử  oái oăm: Thiếu tá Nguyễn Văn Có bên tấn công và Trung tá Nguyễn Thống Thành bên phòng thủ, cách đó không lâu lại là một cặp bạn bè thân thiết!

Trước khi bị cơn lốc chiến tranh ném vào những cuộc hành quân liên miên, cuối tuần nào trung tá Thành cũng phóng xe hơi về Sài Gòn ăn chơi, chủ yếu vùi đầu vào những canh bạc rã rời thâu đêm suốt sáng.

Gần cuối năm 1971, trong một lần thua cháy túi, Thành đã phải hỏi mượn của Thiếu tá Nguyễn Văn Có 1 triệu đồng để gỡ gạc. Đó là một khoản tiền khá lớn, bởi lương lính thời đó chỉ khoảng 6.000 đồng/tháng. Chưa kịp trả nợ, hai người đã ở hai đầu chiến tuyến.

Sau này, trong lời tựa của cuốn “Chiến sử trận Bình Long” ấn hành tháng 9/1973, Đại tướng Cao Văn Viên có lên dây cót cho binh sĩ và gỡ thể diện bằng những lời có cánh, rằng: “…Trận tử thủ An Lộc đã vang dội khắp nơi. Những trận chiến lừng danh thế giới: Verdun, Stalingrad cũng không thể hơn được”.

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cũng hào phóng ban phát hàng loạt lời khen tặng cùng phần thưởng nóng 3,2 triệu đồng (gấp 3 lần món nợ chưa trả của viên tỉnh phó) cho binh sĩ VNCH tham gia cố thủ. Nhưng thực tế, trận Bình Long, một lần  nữa lại thể hiện sự rệu rã, suy yếu không thể cứu vãn của quân đội Sài Gòn.

Sau 3 tháng giao tranh, tuy Quân giải phóng chưa chiếm được toàn bộ tỉnh Bình Long nhưng đã loại khỏi vòng chiến tổng cộng hơn 8.000 địch quân – nhiều hơn cả số quân có mặt tại chiến trường trong cùng một thời điểm. Viên Tư lệnh, Chuẩn tướng Lê Văn Hưng sau đó cũng bỏ mạng tại chiến trường.

Bức thư gửi từ bên kia chiến tuyến ảnh 1
Liên đoàn 81 biệt động quân tập trung tại sân bay Lai Khê chờ trực thăng vận lên ứng cứu An Lộc ngày 16/4/1972.

Tình thế ấy buộc phía VNCH phải liên tục điều quân tăng viện. Hàng loạt lính tráng đào ngũ để trốn chạy cái chết, buộc lòng quân đội phải tăng lương, từ 6.000 lên 9.000 đồng/người/tháng, đi kèm lệnh xử bắn không cần xét xử với tội đào ngũ, nhằm giữ chân binh sĩ.

Chiến tranh là sự tuyệt vọng của người này nhưng cũng là cơ hội của kẻ khác. Nhờ giữ vững – trong tan nát – một phần tử địa An Lộc, ngày 26/8/1972, Trung tá Nguyễn Thống Thành được vinh phong đại tá ngay tại chiến trường, đồng thời được thăng chức Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Bình Long, thay cho đại tá Tỉnh trưởng Trần Văn Nhật được điều sang làm Sư trưởng Sư đoàn 2 bộ binh.

Trên cương vị mới, Nguyễn Thống Thành càng hò hét chiến đấu, nhất là trong giai đoạn quân đội VNCH tập trung quân tái chiếm An Lộc. Trước tình hình đó, Chính ủy Nguyễn Văn Có đã có một đề xuất táo bạo: cho đặc công bắt cóc Nguyễn Thống Thành – đầu sỏ của địch tại Bình Long, nhằm làm nhụt ý chí của binh sĩ địch.

Giao nhiệm vụ cho một tổ trinh sát đặc công thiện chiến, vị chính ủy dặn đi dặn lại: “Chỉ được bắt sống. Không bắt được thì hủy nhiệm vụ, tuyệt đối không được giết. Ông ấy là bạn tôi”.

Trước sự phòng thủ dày đặc ở Tiểu khu Bình Long, ý đồ bắt Nguyễn Thống Thành đã không thể thực hiện được. Thay vào đó, tổ trinh sát đã đưa được vào tận phòng ở của viên tỉnh trưởng tại sở chỉ huy tiền phương một bức thư do ông Sáu Đột tự tay chấp bút. Trong thư, vị chính ủy cảnh báo viên tỉnh trưởng: sự thất bại và sụp đổ của chế độ Sài Gòn là không thể tránh khỏi, chỉ còn tính từng ngày. Ông khuyên viên đại tá nên triệt thoái quân lực để  đỡ tốn xương máu của binh sĩ.

Cách gửi thư cũng là một lời cảnh cáo: nếu Cách mạng có thể đặt được bức thư vào tận sở chỉ huy thì việc lấy mạng của viên tỉnh trưởng chắc chắn không phải là quá khó. Nhưng chuyện đó không xảy ra, bởi đó là chủ ý của người bạn cũ - cựu thiếu tá VNCH Nguyễn Văn Có!

Vào thời điểm đó, cả tỉnh Bình Long vị trí nào cũng là tiền đồn, khu vực nào cũng là chiến trường. Mọi sự tiếp vận đều được thực hiện duy nhất bằng đường hàng không, máy bay C130 thả hàng bằng dù từ độ cao 5.000-6.000m. Cách mặt  đất khoảng 400m, dù bọc gió mới mở, thùng hàng giảm vận tốc, từ từ đáp xuống đất.

Viết cho báo Sóng Thần, được in lại trong cuốn “Chiến sử trận Bình Long”, Đại tá Biệt cách dù Phan Văn Huấn đã cay đắng: “Với loại dù này có nhược điểm là những cái bọc gió quá sớm bị đưa ra ngoài vùng Việt Cộng hết. Có những cái bọc gió chậm, hàng xuống bị vỡ tan tành không dùng được. Nhưng với loại dù  này ta cũng thâu được đồ tiếp tế khoảng 50%. Cái đau nhất là địch (Quân giải phóng – NV) sử dụng 50% tiếp tế của ta để tiếp tục công hãm ta” (Đd - tr.136).

Câu trả lời bạn cũ được Nguyễn Thống Thành gửi đến gần như ngay tức thì nhưng bằng trực thăng. Cách này nguy hiểm bội phần nhưng chắc chắn sẽ không thất lạc địa chỉ.

Áp Tết Nguyên đán năm 1973, các chiến sĩ Tiểu đoàn 11, Tỉnh đội Bình Long đang đóng trú ở khu vực Lộ Cát Trắng – Ngã tư cua chữ Z, xã Minh Đức, gần thị trấn Hớn Quản thì bắt được một thùng hàng thả từ  trực thăng xuống.

Ban đầu, anh em tưởng là dù lạc, định khui ra. Nhưng thùng hàng ghi rõ: “Đại tá Tiểu khu trưởng Nguyễn Thống Thành kính gửi ông Sáu Đột, Chính ủy Trung đoàn 201”.

Ông Năm Sao, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 biết ngay là không nhầm nên ra lệnh chuyển ngay sang Trung đoàn 201A. Nhận thùng hàng này là Thiếu úy Nguyễn Mạnh Hồng, trợ lý tác chiến Trung đoàn 201A, hàm đại đội quân sự bậc phó, chỉ huy đơn vị trinh sát. (Sau này, ông Nguyễn Mạnh Hồng là Thượng tá, cán bộ Phòng Công tác chính trị (PX15) Công an TP HCM, đã nghỉ hưu năm 2007).

Khui thùng hàng, tổ trinh sát thấy trong đó có mấy thùng thịt hộp, một ít hoa quả khô, một thùng rượu whisky, 10 cây thuốc lá Ruby… và một số xa xỉ phẩm khác, kèm một phong thư gửi ông Sáu Đột. Chuyển thư cho thủ trưởng xong, sợ  địch chơi trò láo, bỏ thuốc độc trong quà, anh em khui một hộp thịt, định cho chó ăn thử.

Đúng lúc đó, ông Sáu Đột xuất hiện, tay cầm phong thư của viên tỉnh trưởng. Ông khoát tay: “Không cần thử. Ông ấy không cùng chiến tuyến, nhưng không phải là hạng tiểu nhân”. Sau đó, ông đưa thư cho trợ lý Nguyễn Mạnh Hồng đọc.

Thư viết:

Kính gửi ông Nguyễn Văn Có (Sáu Đột),

Chính ủy Trung đoàn 201

Nhân dịp Tết đến, Xuân về, tôi, đại tá Nguyễn Thống Thành, Tỉnh trưởng, Tiểu khu trưởng Bình Long, quân lực Việt Nam Cộng hòa xin có mấy lời gửi thăm sức khỏe ông.

Thưa ông, tôi với ông  bây giờ hai người đã hai đầu chiến tuyến, gặp nhau chắc chỉ trên chiến địa, trò chuyện cùng nhau chắc chỉ bằng súng đạn. Dù sao, chúng ta cũng đã từng bạn bè thân thiết nhiều năm. Tôi vẫn luôn nhớ còn thiếu nợ ông 1.000.000 đồng chưa trả. Xin hứa danh dự, tôi sẽ gửi lại và cảm ơn đầy đủ bất kỳ khi nào có dịp.

Xin gửi ông một ít quà vui Tết.

Chúc ông sức khỏe và hẹn ông trên chiến địa.

Bạn cũ

Nguyễn Thống Thành”.

Nghe đọc lại thư, ông Sáu Đột phì cười: “Thằng cha tỉnh trưởng này sợ rồi, nhưng khôn. Ổng sợ tôi cho anh em vào hạ sát, nên viết thư gợi tình xưa nghĩa cũ để mình đừng ra tay đó mà. Ruby cứ hút, thịt hộp, rượu mạnh anh em cứ dùng. Lính tráng bên này bên kia nhưng bạn bè cứ là bạn bè, mình ghi nhận”.

Bức thư gửi từ bên kia chiến tuyến ảnh 2
Nguyễn Văn Thiệu thị sát An Lộc.

Hiệp định Paris ký kết tháng 1/1973, chiến sự Bình Long dịu xuống. Quận Lộc Ninh, tỉnh Bình Long trở thành vùng đất hai bên chọn để trao trả tù binh. Tuy nhiên, ở thế da báo, chiến sự vẫn chưa dứt hẳn. Hai người bạn cũ ở hai phía tiếng súng vẫn không có cơ hội gặp nhau bình thường.

Cuối năm 1974, chiến sự bùng phát dữ dội trở lại. Tháng 11/1974, ta mở chiến dịch Đường 14, chia cắt và vây hãm tỉnh Phước Long. Tháng 12 /1974, thị xã Đồng Xoài và một loạt tiền đồn quan trọng, trong đó có Chi khu Bà Rá, Chi khu Bù Na, tỉnh Phước Long thất thủ.

Đột nhiên, Đại tá Nguyễn Thống Thành lại được thuyên chuyển sang làm Tỉnh trưởng tỉnh Phước Long thay chân đại tá Lưu Yểm. Rõ ràng, ông ta không phải là kẻ nhát gan, sợ bị tiêu diệt mà xin thuyên chuyển, bởi đến thời điểm đó, mặt trận Phước Long thậm chí còn khốc liệt hơn cả  mặt trận Bình Long. Chỉ có một cách giải thích hợp lý cho sự thay đổi vị trí đột ngột: Đại tá Nguyễn Thống Thành không muốn tiếp tục đối đầu một mất một còn với người bạn cũ, người ân nhân, chủ món nợ ân tình mà ông ta là còn chưa kịp trả.

Lại oái oăm thêm lần nữa, ngay khi chiến dịch Đường 14 nổ ra, lệnh của Bộ chỉ huy tiền phương lại điều Trung đoàn 201 sang chiến trường Phước Long, phối hợp với các lực lượng quân sự địa phương mở chiến dịch giải phóng tỉnh Phước Long. Mục đích là mở cánh cửa từ Tây Nguyên theo Đường 14 tiến về giải phóng Sài Gòn. Thế đối đầu của hai người bạn cũ, số phận không cho tránh.

Mờ sáng 4/1/1975, ta nổ súng. Đích thân Đại tá Nguyễn Thống Thành đã thượng cờ ba sọc lên dinh Tỉnh trưởng và lên Đài phát thanh tỉnh kêu gọi binh sĩ tử thủ, sau đó… tìm đường tháo. Trưa 5/1, đang trượt từ bờ dốc đứng xuống sông Bé, định tẩu thoát bằng đường sông, những kẻ âm mưu đào tẩu đã đụng ngay một đơn vị trinh sát của Trung đoàn 201. Giao tranh dữ  dội nổ ra. Bờ sông dốc đứng chặn mất đường thoát, cả viên đại tá tỉnh trưởng cùng những kẻ thân cận đều chết trong trận chiến.

Chỉ một ngày sau, ngày 6/1/1975, toàn tỉnh Phước Long giải phóng, mở đầu cho những chiến thắng giòn giã mùa xuân 1975, thống nhất đất nước.

Lịch sử vì quá bận bịu với những mưu mô nên thường quên mất tiểu tiết. Sau 40 năm, câu chuyện về hai người bạn cũ ở hai đầu chiến tuyến vẫn không được bất kỳ một sách vở, một bài báo nào ghi lại. Nhưng, nó vẫn đọng lại như một nốt lặng không thể quên của chiến tranh trong tâm trí một số người, những người từng khoác áo lính của cả hai phía.

TP Hồ Chí Minh, 40 năm sau, ngày 5/1/2015

Nguyễn Hồng Lam

Theo: Công an Nhân dân