Trong một diễn biến khó tin tiếp nối sau nỗ lực thất bại của ông Johnson tại Quốc hội Anh, ông đã không nhận đề nghị gia hạn lùi thời hạn chót Brexit, tuyên bố rằng khoảng thời gian trì hoãn 3 tháng là mang tính chất "phá hủy".
Theo quy định của pháp luật, ông Johnson bị buộc phải đề nghị gia hạn Brexit sau khi giới lập pháp không phê chuẩn thỏa thuận Brexit của ông. Trong ngày diễn ra cuộc bỏ phiếu đầy kịch tính ở London, các nhà lập pháp đã bỏ phiếu ủng hộ việc tạm hoãn phê chuẩn thỏa thuận này cho đến khi Quốc hội thông qua hàng loạt bộ luật để thực thi nó.
Trong bức thư chính thức gửi EU, ông Johnson đề nghị Brussels hoãn Brexit từ ngày 31/10 đến ngày 31/1/2020, đúng theo yêu cầu của Quốc hội Anh. Trong khi đó, tờ The Guardian lại công bố bức thư cá nhân thứ hai của ông Johnson gửi Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Bức thư này được gửi kèm với bức thư đầu tiên, trong đó nói rằng bức thư đầu tiên được gửi đi chỉ nhằm tuân thủ yêu cầu của Quốc hội nhằm ngăn chặn viễn cảnh Brexit không thỏa thuận.
Ông Johnson còn gửi đi một bức thư thứ ba tới các nhà lãnh đạo châu Âu, trong đó lý giải vì sao mà sự trì hoãn Brexit là một ý tưởng tệ hại. Ông Tusk nói rằng ông đã nhận được bức thư của ông Johnson và sẽ tham vấn với giới lãnh đạo EU để đưa ra động thái tiếp theo.
Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn đã lập tức lên tiếng chỉ trích ông Johnson tại Hạ viện. "Thủ tướng giờ cần phải tuân thủ pháp luật" - ông Corbyn nói - "Ông ta không thể tiếp tục lấy viễn cảnh Brexit không thỏa thuận ra đe dọa các nhà lập pháp để họ ủng hộ thỏa thuận của ông ta nữa".
Trong lúc các nhà lập pháp còn đang tranh luận tại Quốc hội, hàng nghìn người biểu tình đã tuần hành dọc qua khu vực trung tâm London để yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý lần hai - giờ rất có khả năng xảy ra sau hàng loạt diễn biến vừa qua.
Các cố vấn chính phủ Anh tỏ ra cực kỳ phẫn nộ trước kết quả bỏ phiếu tại Quốc hội, bởi nó khiến ông Johnson mất đi cơ hội tuyên bố thắng lợi trong vấn đề Brexit. Kể từ khi ông Johnson trở về từ Brussels với thỏa thuận Brexit mới, Phố Downing đã tin chắc rằng họ đảm bảo đủ số phiếu cần thiết để thông qua nó, dù chỉ với khoảng cách cực nhỏ.
Kẻ "ngáng chân" ông Johnson chính là cựu Bộ trưởng Oliver Letwin, người bị khai trừ khỏi đảng Bảo thủ sau khi bỏ phiếu cho một dự luật ngăn chặn viễn cảnh Brexit không thỏa thuận. Đưa ra đề xuất trì hoãn thông qua thỏa thuận Brexit tại Quốc hội, ông Letwin nói rằng đây là "chính sách bảo đảm" để giúp Anh không phải rời khỏi EU mà không đạt thỏa thuận vào ngày 31/10.
Theo Đạo luật Benn, chính phủ Anh phải yêu cầu EU gia hạn tiến trình Brexit tới ngày 31/1 năm sau nếu như thỏa thuận Brexit không được thông qua vào cuối ngày thứ Bảy vừa qua.
Những điều khoản trên sẽ không được kích hoạt nếu như ông Johnson thành công trong việc thông qua thỏa thuận Brexit. Nhưng ông Letwin cùng các đồng minh quan ngại rằng Brexit không thỏa thuận vẫn có thể xảy ra vào cuối tháng 10 nếu như vào lúc đó các nhà lập pháp không thể thông qua các dự luật nhằm thực thi thỏa thuận "ly hôn".
Kết quả là, dự luật sửa đổi mà ông Letwin đề xuất được thông qua với 322 phiếu thuận so với 306 phiếu chống.
Kết quả bỏ phiếu cuối cùng lại phụ thuộc vào sự quyết định của 10 nghị sĩ thuộc đảng Liên minh Dẩn chủ (DUP) của Bắc Ireland. DUP vốn đã không hài lòng với các điều khoản trong thỏa thuận Brexit của ông Johnson, họ càng phẫn nộ hơn khi bị ông gạt sang một bên trong lúc đàm phán thỏa thuận Brexit tại Brussels trong hôm thứ Năm vừa qua. Đây là nguyên nhân dẫn tới sự thất bại của ông Johnson.
Việc ông Johnson gửi đi 3 bức thư với ý kiến mâu thuẫn nhau tới EU có thể khiến ông chịu thách thức về mặt pháp lý.
Các nhà lập pháp phe đối lập đặc biệt giận dữ trước hành động của ông Johnson. John McDonnell, phát ngôn viên của Công đảng đối lập, viết trên Twitter: "Ông Johnson là vị Thủ tướng đang xem thường Quốc hội và các tòa án. Việc ông từ chối ký vào bức thư (trì hoãn Brexit) cho thấy điều mà chúng tôi nghi ngờ từ lâu, đó là ông ta kiêu căng đến mức tự đặt mình trên cả luật pháp".
Theo CNN