Thủ tướng Anh ra “tối hậu thư” cho EU về Brexit

VietTimes -- Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết đã gửi tới Liên minh châu Âu (EU) kế hoạch Brexit mới, đồng thời cảnh báo Anh sẵn sàng ra đi đúng hạn vào ngày 31/10 nếu không được thỏa hiệp.
Tiến trình Brexit trở nên rối loạn hơn bao giờ hết (Ảnh: Reuters)
Tiến trình Brexit trở nên rối loạn hơn bao giờ hết (Ảnh: Reuters)

Các quan chức ở Brussels (Bỉ) và các đảng đối lập Anh lo ngại sẽ xảy ra hỗn loạn kinh tế nếu Anh chấm dứt tư cách thành viên 46 năm của mình tại Liên minh châu Âu (EU).

Thủ tướng Johnson đã cảnh báo rằng kế hoạch Brexit mà ông gửi đến EU sẽ là đề xuất "cuối cùng" của mình, như một “tối hậu thư” mà ông Johnson muốn gửi đến EU. Bởi nếu EU không chấp thuận, Anh sẽ rời khỏi khối này đúng hạn 31/10 mà không cần bất cứ thỏa thuận nào.

Tuy nhiên, đề xuất ngay lập tức đã vấp phải phản ứng từ phía Brussels. Một qua chức cấp cao EU xác nhận, phản ứng ban đầu của Nghị viện Châu Âu về kế hoạch này là "không tích cực".

Thủ tướng Johnson cho biết các bên có hạn chót đến ngày 11/10 để đưa ra những điểm chính trong vấn đề thỏa hiệp, và đưa các điểm này vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU tại Brussels vào ngày 17-18/10.

“Không còn nghi ngờ gì nữa. Sự thay đổi ở đây là gì, là không có bất kỳ một thỏa thuận nào hết. Đây là điều chúng tôi không mong muốn,nhưng tôi muốn nói với các bạn rằng, đây là điều mà chúng tôi đã sẵn sàng”, ông Johnson phát biểu tại hội nghị thường niên của đảng Bảo thủ tại Manchester, Tây Bắc Anh ngày 2/10.

Kế hoạch Brexit mới của Thủ tương Johnson có một số điều khoản cơ bản mà các nhà lãnh đạo EU đã phủ quyết một cách mạnh mẽ trước đó.

Sau cuộc điện đàm với thủ tướng Johnson, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã chỉ ra "những điểm có vấn đề cần làm rõ trong những ngày tới".

Thủ tướng Ireland Leo Varadkar nói rằng các đề xuất của Johnson "không đáp ứng đầy đủ các mục tiêu đã thỏa thuận", mặc dù ông hứa sẽ "nghiên cứu chúng chi tiết hơn".

Trong đề xuất gồm 5 điểm của ông Johnson, đầu tiên và quan trọng nhất, đó là về việc tỉnh Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh sẽ tiếp tục ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu và tuân thủ các quy định của EU về hàng hóa, bao gồm cả sản phẩm nông nghiệp, trong một thời gian quá độ, trước mắt là từ cuối năm 2020 cho đến hết năm 2025. Đây là điểm khác biệt lớn so với thỏa thuận Brexit cũ, vốn muốn giữ toàn bộ Vương quốc Anh chứ không chỉ Bắc Ireland ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu.

Điều phối viên của Nghị viện châu Âu về vấn đề Brexit (BSG) Guy Verhofstadt cho rằng đề nghị của Anh không phải là một nỗ lực nghiêm túc để đạt được thỏa thuận mà là một nỗ lực để đổ lỗi cho thất bại trước Brussels. "Đánh giá đầu tiên của gần như mọi thành viên trong BSG đều không tích cực" – Verhofstadt nói.

Giống như người tiền nhiệm Theresa May, Thủ tướng Johnson đã đấu tranh chống lại “sự thù địch” trong Quốc hội Anh về Brexit. Trước đó, quốc hội Anh đã 3 lần phủ quyết Thỏa thuận Rút lui của cựu Thủ tướng Anh Theresa May, song một số nghị sỹ thuộc phe ủng hộ Brexit nhiều nhất của đảng Bảo thủ cầm quyền cũng như một số nghị sỹ Công đảng đối lập đã tỏ ý ủng hộ đề xuất mới của ông Johnson.

Các đồng minh Bắc Ireland, đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) cũng đã hoan nghênh kế hoạch gửi tới Brussels. Phát biểu với chương trình Peston của kênh truyền hình ITV, Bộ trưởng Anh phụ trách điều phối kế hoạch Brexit không thỏa thuận Michael Gove nêu rõ: "Đối với tôi, dường như đây là một đa số tương đối vững chắc”.

Hiện vẫn chưa rõ thủ tướng Johnson sẽ làm như thế nào để đưa Anh rời khỏi EU vào cuối tháng, nếu không có sự thỏa hiệp giữa hai bên, nhưng vẫn tuân thủ luật pháp của Anh.

"Quan điểm của chính phủ đã rất rõ ràng. Chúng tôi sẽ tôn trọng luật pháp, nhưng chúng tôi sẽ không kéo dài quá ngày 31/10" – Ngoại trưởng Anh Dominic Raab nói với các nhà lập pháp.

(Theo CNA)