“Brexit chỉ tác động ngắn hạn, Việt Nam “sáng” nhất Đông Nam Á”

Bình luận với PV về sự kiện nước Anh có thể rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) ngày 23/6 tới - hay còn được gọi là “Brexit”, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng nếu khả năng đó xảy ra, trong ngắn hạn thị trường tài chính toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng, nhưng trung hạn sẽ tự ổn định lại.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI).
Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI).

Thị trường đang xôn xao câu chuyện “Brexit” ngày 23/6 tới, và đã có nhiều phân tích rằng thị trường tài chính toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng. Quan điểm của ông như thế nào?

Tôi cho rằng sự kiện Brexit nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng lớn nhất và trước nhất tới châu Âu. 

Tất nhiên thị trường tài chính toàn cầu liên thông đến nhau, nên sự ảnh hưởng tiêu cực của vùng nào cũng ảnh hưởng tới các vùng khác, nhưng chỉ là trong ngắn hạn. 

Thị trường tài chính phụ thuộc niềm tin, nếu niềm tin bền vững thì dòng vốn mua vào, nếu bất ổn thì phản xạ đầu tiên là bán ra. Nhưng việc “cất tiền” đó cũng khộng hẳn là an toàn, và sau đó họ sẽ phải tính lại.

Điều này có thể diễn ra trong ngắn hạn, sẽ bị ảnh hưởng toàn bộ, nhưng trong trung hạn theo tôi sẽ được “reset” (ổn định) lại.

Thực ra thị trường vẫn đang đối diện với nhiều bất ổn, như chuyện FED có tăng lãi suất tiếp hay không, câu chuyện EU, rồi bầu cử tại  Mỹ… Các nhà phân tích thế giới cho rằng châu Á - trừ Trung Quốc - sẽ là điểm sáng.

EU bị tách ra sẽ ảnh hưởng tiêu cực ngắn hạn, nếu EU không tách ra thì mọi thứ là bình thường. Nhưng tất cả những sự lộn xộn gây tranh cãi hiện nay đều giúp cho sự cạnh tranh của khu vực Đông Nam Á có nhiều lợi thế. Với những nhà đầu cơ muốn tạo khủng hoảng để kinh doanh thì đây là cơ hội để đưa ra tuyên bố, như chuyện George Soros mua vàng.

Cần lưu ý, Soros không mua vàng vật chất, mà lại mua công ty khai thác vàng. Việc đó có thể là nhằm đưa ra tín hiệu nhiều hơn là hành động thật sự, và muốn mượn truyền thông để nói về câu chuyện.

Vừa rồi SSI có huy động được hai quỹ mới. Theo ông, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá thế nào về cơ hội tại Việt Nam. Và như ông vừa nói, khu vực Đông Nam Á đang là điểm sáng, vậy Việt Nam ở “thứ hạng” nào trong mối quan tâm của họ với khu vực?

SSI vừa huy động được một quỹ ở châu Âu với cam kết giải ngân 200 triệu USD. Vài ngày trước, chúng tôi cũng vừa đóng một quỹ với Daiwa, quy mô 40 triệu USD. Thời điểm này, sẽ không có những quỹ lớn cỡ 500 triệu hay 1 tỷ USD như ngày trước, nhưng vẫn có dòng vốn vào.

Với cái nhìn của các nhà đầu tư nước ngoài trong đợt tôi đi huy động vốn vừa qua, họ lại rất lạc quan về Việt Nam. Ví dụ họ quan tâm tới các ngành có chiến lược phát triển bền vững. Bây giờ họ vào Việt Nam với mối quan tâm tới các doanh nghiệp có chiến lược này rõ ràng. 

Họ cũng quay lại quan tâm tới các yếu tố cơ bản như P/E, dòng tiền tốt, chia cổ tức đều đặn…

Khi nhà đầu tư nước ngoài quan tâm thì lượng tiền vào sẽ nhiều. Khi họ đi huy động vốn họ đã phải cam kết với nhà đầu tư của mình và tuân thủ với các triết lý đầu tư. 

Năm nay thị trường Đông Nam Á được nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao, và trong Đông Nam Á Việt Nam được đánh giá “sáng” nhất.

Tuy nhiên phương thức huy động hiện tại cũng không còn như ngày xưa, mang về một cục tiền và giải ngân. Quỹ mới không huy động tiền về, đóng quỹ và giải ngân bằng mọi giá. Quy định về huy động quỹ ở Việt Nam là phải đăng ký như vậy. 

Do đó, quỹ mới của SSI được đăng ký ở Luxembourg, giải ngân đến đâu, đóng tiền đến đó, hiện tiền đã về và có sẵn. 

Quỹ này không hạn chế đầu tư vào cổ phiếu niêm yết hay không niêm yết, nhưng nếu cổ phiếu chưa niêm yết thì phải có lộ trình niêm yết, và cần đáp ứng các tiêu chí về P/E và phát triển bền vững.

Theo VnEconomy