Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người nào nắm nền tảng số, người đó nắm dữ liệu và có tính quyết định

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – "Trong không gian mạng, người nào nắm nền tảng số, người đó nắm dữ liệu và có tính quyết định. Chuyển đổi số Việt Nam phải dựa trên các nền tảng số Việt Nam để Việt Nam được hưởng lợi" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, lời giải chuyển đổi số Việt Nam là nền tảng số Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, lời giải chuyển đổi số Việt Nam là nền tảng số Việt Nam.

Tại Hội nghị sơ kết công tác thông tin - truyền thông 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chia sẻ một số định hướng mới trong công tác của ngành.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, để phát triển nhanh, bền vững và bao trùm thì công nghệ số phải là lực lượng sản xuất cơ bản, nhân tài số phải là một nguồn lực cơ bản và đổi mới sáng tạo số phải là động lực cơ bản.

Bộ trưởng cho rằng, muốn phát triển nhanh và bền vững thì phải đi đều “2 chân”: Phổ cập nhanh cái cơ bản thông qua các nền tảng số dùng chung toàn quốc và đi nhanh về cái mới thông qua một số đầu tàu. Từ cái mới triển khai thành công của các "đầu tàu", thì nhanh chóng biến thành cái cơ bản để phổ cập là việc quan trọng của quản lý nhà nước.

Khẳng định chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới giúp đẩy nhanh, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Bộ trưởng Hùng cho rằng chuyển đổi số nếu không dựa trên các nền tảng số Việt Nam thì người hưởng lợi từ công cuộc này sẽ không phải là người Việt Nam.

Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ quan điểm: Thời chuyển đổi số thì phải có đầu tư tập trung; lời giải chuyển đổi số Việt Nam là nền tảng số Việt Nam; bảo vệ an toàn cho người dùng viễn thông, Internet phải là trách nhiệm của nhà mạng; phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đi từ dịch vụ đến công nghiệp và từ đó đến công nghệ.

Cùng với đó, truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp, nên chính quyền các cấp phải tổ chức bộ máy và có ngân sách hàng năm cho truyền thông, đặt hàng báo chí; báo chí cách mạng cần được đầu tư công nghệ để mỗi cơ quan báo chí trở thành một nền tảng số...

Bộ trưởng khẳng định: “Trong không gian mạng thì người nào nắm nền tảng số, người đó nắm dữ liệu và có tính quyết định. Chuyển đổi số Việt Nam phải dựa trên các nền tảng số Việt Nam để Việt Nam được hưởng lợi”. Các nhà mạng Việt Nam phải bảo vệ người dùng viễn thông, người dùng Internet. Trách nhiệm căn bản của nhà mạng là bảo vệ khách hàng của mình. Viettel, VNPT và MobiFone phải chú ý gánh trách nhiệm. Bảo vệ ở mức cơ bản thì miễn phí, giá trị tăng thêm thì thu phí.

Đối với lĩnh vực báo chí truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng truyền thông là một chức năng của chính quyền các cấp, bởi vậy chính quyền các cấp phải tổ chức bộ máy và có ngân sách hàng năm cho công tác truyền thông để đặt hàng báo chí. Ở thời điểm hiện nay, công cụ, vũ khí của báo chí không chỉ là cây bút, trang giấy, mà còn là công nghệ. Không có vũ khí hiện đại thì không thể "chiến đấu" trong thời hiện đại. Do đó, báo chí cách mạng cần được đầu tư công nghệ để mỗi cơ quan báo chí trở thành một nền tảng số.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông công bố tháng 6/2023, số lượng lao động trong lĩnh vực báo chí ước khoảng 71.830, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 98,7% kế hoạch năm 2023./.