Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ ra 3 trụ cột phát triển kinh tế số, trong đó, có khai thác dữ liệu số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Phát triển kinh tế số dựa trên 3 trụ cột, gồm: Quản trị số; khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị cho nền kinh tế và phát triển các lực lượng sản xuất liên quan đến kinh tế số - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Chính phủ tạo ra môi trường sống, làm việc online, tạo ra niềm tin trong nền kinh tế số - theo quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.
Chính phủ tạo ra môi trường sống, làm việc online, tạo ra niềm tin trong nền kinh tế số - theo quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Tại Diễn đàn Quốc gia về Phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ nhất do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Nam Định tổ chức ngày 14/9/2023 tại TP. Nam Định, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số - đã nêu nhiều quan điểm đáng chú ý về việc phát triển kinh tế số theo đặc thù của Việt Nam.

Theo quan điểm của Bộ trưởng, chuyển đổi số và phát triển kinh tế số là một chặng đường dài, là ứng dụng nhiều hơn nghiên cứu. Các doanh nghiệp công nghệ số muốn thành công thì phải am hiểu bối cảnh Việt Nam. "Bài toán Việt Nam sẽ tạo ra lời giải và sản phẩm Việt Nam, tạo ra cách tiếp cận Việt Nam" - ông Hùng nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam phải đi con đường Việt Nam và vì thế có cơ hội tiến lên đi đầu. Một lý luận về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam có ý nghĩa quyết định.

Kinh tế số là tất cả các hoạt động dựa trên hoặc được đổi mới bởi công nghệ số, hạ tầng số, nền tảng số, sản phẩm số, dữ liệu số, thể chế số, kỹ năng số. Kinh tế số được đặc trưng bởi giao dịch online, một thế giới ảo, không giấy tờ, không tiền mặt. Mọi doanh nghiệp đều sử dụng thương mại điện tử, công nghệ số, để nâng cao năng suất lao động, tạo ra dịch vụ mới, công việc mới.

Với người lao động có kỹ năng số để làm việc, người dân tự tin và an toàn sử dụng các dịch vụ số. Chính phủ cung cấp các dịch vụ công online, dễ dùng, sử dụng dữ liệu để dịch vụ đáp ứng nhu cầu cá thể hóa của người dân. Chính phủ cũng tạo ra môi trường sống, làm việc online, tạo ra niềm tin trong nền kinh tế số.

vt_dien dan kinh te so xa hoi so.JPG
Hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo các cấp phụ trách chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin đến từ khối Chính phủ, tài chính – ngân hàng, viễn thông, bán lẻ, thương mại điện tử,... đến TP. Nam Định dự Diễn đàn đầu tiên về Kinh tế số và Xã hội số.

Đề cập đến các vấn đề cơ bản của kinh tế số, người đứng đầu ngành Thông tin và Truyền thông cho rằng, phát triển kinh tế số Việt Nam dựa trên 3 trụ cột, gồm: Quản trị số; khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị cho nền kinh tế và phát triển các lực lượng sản xuất liên quan đến kinh tế số, trong đó lõi là công nghiệp công nghệ thông tin (ICT) chiếm 20-30% và 70-80% là kinh tế số ngành được sinh ra do chuyển đổi số các ngành.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra: Muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, các yếu tố sản xuất mới và động lực mới.

Bộ trưởng nhấn mạnh, không gian mới là kinh tế số; lực lượng sản xuất mới là công nghệ số; nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số; yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số và động lực mới là đổi mới sáng tạo số.

Phát triển kinh tế số Việt Nam cần phải xây dựng thể chế số, hạ tầng số, niềm tin số. Kinh tế số phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, lĩnh vực. Cùng với đó phải thực hiện quản trị số, đào tạo kỹ năng số, nhân lực số và thu hút nhân tài số.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định mục tiêu của phát triển kinh tế số là làm cho người dân giàu có hơn, mục tiêu phát triển của xã hội số là làm cho người dân hạnh phúc hơn nhờ công nghệ số. Các công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo phải được sử dụng đúng đắn, có đạo đức để hướng tới thực hiện những mục tiêu vì con người.

Diễn đàn Kinh tế số, xã hội số lần thứ nhất tập trung vào chủ đề mang nền tảng số đến với hộ gia đình. Đây là cách làm của Việt Nam trong thực hiện chuyển đổi số. Đó là mỗi gia đình, mỗi người dân được tiếp cận với công nghệ số, được tham gia và thụ hưởng lợi ích từ chuyển đổi số. Công nghệ số, các nền tảng số hiện diện trong từng hộ gia đình, mọi sinh hoạt của người dân./.