TS. Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT
TS. Lê Doãn Hợp - Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT

Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT

Bộ Thông tin và Truyền thông: Nỗi đau, Bài học và Niềm tin

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes -- Vụ án AVG đã khép lại. Bản án nghiêm khắc đã dành cho những người sai phạm. Nhưng nỗi đau vẫn còn âm ỉ, với nhiều trăn trở khó quên.

Nỗi đau

Đau vì truyền thống vẻ vang của ngành do các thế hệ cha anh dày công xây dựng trong những năm khốc liệt của chiến tranh được đo bằng công sức và cả máu xương của các thế hệ đi trước đã bị tổn thương.

Đau vì mất quá nhiều cán bộ đã được Đảng tin dùng, nhưng thiếu gương mẫu, đã sai phạm đến mức phải truy tố, kỷ luật, làm tổn thương đến danh dự toàn ngành.

Bài học

Từ những sai phạm của vụ án AVG, Bộ ta cần rút ra 3 bài học:

Bài học thứ nhất: Khi cấp trên không chuẩn thì cấp dưới tìm một chỗ đứng an lành là rất khó. Không làm theo cấp trên, không mất chức cũng chẳng yên thân, mà làm theo cấp trên thì hậu quả khó lường,…

Bài học thứ hai: Né tránh, hữu khuynh, thủ tiêu đấu tranh là tiếp tay, dung dưỡng cho cái xấu hình thành và phát triển. Phải hiểu rằng nghiêm túc với nhau mới là đạo đức; dễ dãi với nhau sẽ là tội ác.

Bài học thứ ba: Cha ông ta đã dạy: Làm quan được hưởng lương và thưởng “Vua ban” khi hoàn thành trọng trách; cùng lắm nữa là hưởng lộc từ sự tín nhiệm, tôn vinh của dân. Tối kỵ mọi hành vi dùng quyền lực, tự bốc, tự lấy, tự vẽ ra mọi cách để kiếm ăn và làm giàu không chính đáng. Làm như thế nếu thoát được lưới người, cũng khó thoát được lưới trời.

Nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng vụ AVG là bài học đau xót vì mất quá nhiều cán bộ đã được Đảng tin dùng, nhưng thiếu gương mẫu, đã sai phạm đến mức phải truy tố, kỷ luật.
Nguyên Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho rằng vụ AVG là bài học đau xót vì mất quá nhiều cán bộ đã được Đảng tin dùng, nhưng thiếu gương mẫu, đã sai phạm đến mức phải truy tố, kỷ luật.

Niềm tin:

Những gì đã qua đều thuộc về quá khứ. Người thông minh là biết mổ xẻ tìm bài học kinh nghiệm của quá khứ, dồn sức sống cho hiện tại và hướng tới tương lai. Với tư duy đó, năm 2019 là một năm Bộ Thông tin và Truyền thông đã dũng cảm vượt qua biến cố, khai thông tư tưởng, xốc lại đội hình, thống nhất hành động, tạo được nhiều thành quả rất thuyết phục trên tất cả các lĩnh vực được phân công phụ trách. Nhưng chuyển động mạnh mẽ và rõ nhất là trên 5 nội dung lớn:

1. Vận dụng sáng tạo mọi thành quả của KHCN để ứng dụng vào quản lý đất nước, sản xuất kinh doanh của cơ sở và chỉ đạo điều hành của Bộ, đem lại nhiều thành quả đáng mừng, tạo thế và lực tốt cho các năm sau.

2. Tích cực mở thêm nhiều dịch vụ mới cho CNTT và Viễn thông, tạo được bước tiến đột phá cả trong sản xuất kinh doanh và phát triển hạ tầng với nhiều kết quả thuyết phục. Doanh thu Khối Viễn thông đạt 470.000 tỷ đồng, tăng 19%, nộp NSNN tăng 36,8% so với năm 2018, tạo niềm tin để đổi mới và phát triển cao hơn.

3. Uốn nắn, điều chỉnh và quản trị tốt hơn mạng xã hội gắn với an toàn an ninh mạng theo hướng hội nhập và cùng phát triển, tạo dựng niềm tin cậy với thế giới và phục vụ cộng đồng xã hội tốt hơn.

4. Tích cực, chủ động quy hoạch lại báo chí, chỉ đạo công tác thông tin sâu sát, cụ thể thông thoáng, phục vụ tốt công tác lãnh đạo điều hành của Đảng và Nhà nước; giúp nhân dân tiếp cận thông tin chính thống nhanh hơn, nhiều hơn; Tạo sự nhất trí cao trong toàn xã hội.

5. Công tác chỉ đạo, điều hành phục vụ tốt mục tiêu: Chỉ đạo, định hướng rõ và nhanh như kinh tế số, công nghệ 5G, Chính phủ điện tử và các cơ hội mới đến từ CN 4.0. Đốc thúc hành động quyết liệt. Thanh kiểm tra khen chê thưởng phạt kịp thời; Đẩy nhanh tiến độ công việc trên mọi lĩnh vực. Tạo niềm tin trong cốt cán cao hơn.

Từ những thành công của năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông mạnh bước sang năm 2020 với 3 đột phá lớn, đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề cập trong Hội nghị Tổng kết Ngành ngày 28/12/2019. Tôi xin nói rõ thêm một số ý chính như sau:

- Tận dụng thành quả của CMCN 4.0, công nghệ 5G, kinh tế số, Chính phủ điện tử dồn sức đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách với các nội dung chính: Ban hành các văn bản mới thay thế cho các cơ chế lạc hậu để phát triển nhanh hơn. Thay đổi cơ chế dễ quản lý sang cơ chế dễ làm giàu. Rà soát loại bỏ các văn bản dễ nảy sinh tiêu cực, dễ gây phiền hà và các văn bản đang kìm hãm mọi sự phát triển.

Phải học những cái hay của Trung Quốc: Cái gì Nhà nước không cấm thì mở toang cửa cho nhân dân và doanh nghiệp tự đăng ký, tự làm, tự chịu trách nhiệm. Phát sinh doanh thu thì nộp thuế. Làm sai thì xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Chính điều này đã giúp Trung Quốc trong vòng 40 năm, kể từ năm 1978, khi Chủ tịch Đặng Tiểu Bình lên cầm quyền đến năm 2019, kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Trung Hoa, đã tạo bước phát triển đột phá, với những số liệu rất thuyết phục như sau: Tổng GDP tăng 70 lần (200 tỷ lên 14.000 tỷ), thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 45 lần (190 USD lên 9.000 USD). Dự trữ quốc gia tăng hơn 1.000 lần (từ 38.000 đô lên 4.000 tỷ đô). Biến Trung Quốc thành công xưởng của thế giới với 70% đồ chơi trẻ em; 60% xe đạp; 50% máy tính, máy ảnh; 35% điện thoại di động; 30% ti vi và máy điều hòa; 25% máy giặt của toàn thế giới.

Điều này nói lên thể chế cực kỳ quan trọng. Ví như ao nước tù đọng thì sẽ sinh ra cá màu đen, chúng ta quyết tâm bắt hết cá màu đen, thả cá màu trắng thay thế, 3 tháng sau cá lại nhuộm màu đen. Vấn đề là phải khử màu, lọc nước thì ngay cá màu đen cũng sẽ trắng dần ra.

- Quyết liệt áp dụng mọi tiến bộ của khoa học công nghệ để ứng dụng vào quản lý nhằm minh bạch hóa mọi vấn đề. Vì con người chỉ tự giác đến mức hoàn hảo khi hội đủ 3 điều kiện: Luật pháp đồng bộ, đạo đức công vụ được nâng cấp và quan trọng hơn là có công cụ kỹ thuật hỗ trợ trong giám sát con người gắn với quản lý công việc. Đây là cơ hội vàng mà thời đại trao cho chúng ta. Làm chậm trễ là có tội với dân mất cơ hội để phát triển nhanh và toàn diện đất nước.

Thông tin Truyền thông phải là cánh chim báo bão, cổ vũ toàn dân vượt khó vì mục tiêu: Dân giàu, Nước mạnh, Đất nước bình yên.
Thông tin Truyền thông phải là cánh chim báo bão, cổ vũ toàn dân vượt khó vì mục tiêu: Dân giàu, Nước mạnh, Đất nước bình yên. 

- Phải chuyển đổi mạnh công tác truyền thông phù hợp với xu thế thời đại với 3 mục tiêu lớn:


Một: Truyền thông về khát vọng làm giàu chân chính. Học cách làm giàu để chấn hưng đất nước thay cho truyền thông xóa đói giảm nghèo. Làm giàu nhanh chính là xóa đói giảm nghèo mau. Bao nhiêu năm qua chúng ta khuyến khích học để có bằng cấp, học để làm “quan” học để làm thầy. Điều đó rất quý nhưng làm quan, làm thầy rất có giới hạn; Vì thế nên đất nước mình bằng cấp thì nhiều mà nghèo đói lại lâu. Trong khi làm giàu cũng là làm thầy, làm quan mà không bị giới hạn về số lượng.

Hai: Công tác truyền thông không khuyến khích đi theo thói quen truyền thống, chỉ biết so mình với chính mình, so mình hôm nay với hôm qua, thấy khá lên là vui là tự sướng. Điều quan trọng là phải dũng cảm so mình với thế giới xem ta là ai? Ta đang ở đâu? Và ta phải làm gì để không thua anh, kém chị; Quyết tâm vươn lên sớm sánh vai với các cường quốc 5 châu như Bác Hồ hằng mong ước.

Ba: Truyền thông biết khen đúng và chê đúng. Khen để phát huy, chê để sửa chữa. Chỗ đang đứng không quan trọng bằng hướng đang đi. Thông tin Truyền thông phải là cánh chim báo bão, định hướng thời cuộc, dọn đường dư luận, củng cố niềm tin, tập hợp lực lượng, cổ vũ toàn dân vượt khó vì mục tiêu: Dân giàu, Nước mạnh, Đất nước bình yên.

Biết nỗi đau và thấm bài học vừa qua, tự hào về truyền thống cha anh và những đột phá bước đầu của năm 2019, nhất định ngành Thông tin và Truyền thông sẽ vững bước tiến lên lập nhiều thành tích cao nhất trong năm 2020 để đón chào Đại hội Đảng lần thứ 13, lấy lại niềm tin yêu của các thế hệ đi trước và CBCNV toàn Ngành, với phương châm hành động: Đoàn kết, Vượt khó, Tiến công, Tăng tốc, Thắng lợi.