Theo trang tin Đông Phương (Hồng Kông) ngày 21/7, Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Bảy (20/7) đã cáo buộc hành vi liên quan của Trung Quốc đã đặc biệt quấy rối hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam, tuy không nêu rõ thời điểm xảy ra vụ việc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Morgan Ortagus nói trong bản tuyên bố: “Như Ngoại trưởng Pompeo đã đề cập hồi đầu năm nay, Trung Quốc đã dùng các thủ đoạn cưỡng bức để cản trở việc khai thác Biển Đông, khiến các quốc gia thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) không thể khai thác nguồn năng lượng trị giá hơn 2,5 nghìn tỷ đô la Mỹ có thể khai thác”.
Bà Morgan Octagus, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ
|
Tuyên bố cũng cáo buộc Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động san lấp tạo đất đai, quân sự hóa và sử dụng các phương pháp khác tại các vị trí tiền đồn có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhằm thể hiện tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp trên biển, bao gồm cả việc sử dụng lực lượng dân quân trên biển dọa nạt, cưỡng bức và uy hiếp các quốc gia khác, phá hoại hòa bình và an ninh trong khu vực. Mỹ kiên quyết phản đối bất cứ bên nào sử dụng các thủ đoạn hiếp đáp và đe dọa để thể hiện tuyên bố chủ quyền về vùng biển hoặc lãnh thổ”.
Nguyên văn Tuyên bố như sau:
“Tuyên bố của Morgan Octagus, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ
Về việc Trung Quốc sử dụng vũ lực trong các vấn đề về dầu mỏ, khí đốt ở vùng biển Đông
Hợp chúng quốc Hoa Kỳ quan ngại bởi các báo cáo về việc Trung Quốc có các can thiệp vào hoạt động thăm dò khí đốt, dầu mỏ của các nước tại Biển Đông, trong đó có Việt Nam, quốc gia đã hoạt động thăm dò và khai thác ở đây từ lâu.
Những hành động khiêu khích được lặp lại này của Trung Quốc đang đe dọa đến an ninh năng lượng trong khu vực và làm suy yếu thị trường năng lượng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.
Như lưu ý hồi đầu năm nay của Ngoại trưởng Pompeo, “với việc cản trở sự phát triển ở khu vực Biển Đông bằng vũ lực, Trung Quốc đang ngăn các thành viên ASEAN tiếp cận với nguồn năng lượng trị giá 2,5 nghìn tỷ USD”.
Các hành động quân sự của Trung Quốc để tranh giành địa phận trên khu vực Biển Đông cùng với các động thái khẳng định chủ quyền phi pháp trên Biển Đông, trong đó có việc sử dụng quân sự để khiêu khích, hăm dọa, đối đầu các nước trong khu vực đã đe dọa đến nền hòa bình và ổn định.
Áp lực gia tăng của Trung Quốc đối với các nước ASEAN ép buộc họ phải chấp nhận các điều khoản của Bộ Quy tắc ứng xử, tìm cách ngăn cản họ được hợp tác với bên, nước thứ 3 đã bộc lộ ý định của Trung Quốc trong việc khẳng định quyền kiểm soát tài nguyên dầu mỏ, khí đốt tại Biển Đông.
Mỹ kịch liệt phản đối việc sử dụng vũ lực và khiêu khích trong việc khẳng định các yêu sách lãnh thổ cũng như chủ quyền lãnh hải.
Trung Quốc phải ngừng các hành động bắt nạt và kiềm chế các hành động gây hấn và làm bất ổn tình hình trong khu vực”.
Toàn văn bản Tuyên bố của bà Morgan Ortagus
|
Ngày 20/7, trang tin Hoa ngữ độc lập Đa Chiều cũng đưa tin về phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ dưới tiêu đề “Bộ Ngoại giao Mỹ lo ngại về việc Trung Quốc can thiệp các nước khác khai thác tài nguyên ở Biển Đông”. Bản tin viết: “Ngày 20/7, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố bày tỏ lo ngại đối với việc Trung Quốc can thiệp vào việc các nước khác có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với họ tiến hành khai thác dầu mỏ và khí đột thiên nhiên ở khu vực này.
Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ, Trung Quốc luôn tiến hành các hoạt động khiêu khích, uy hiếp an toàn năng lượng khu vực và gây tổn hại thị trường năng lượng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa.
Có cơ quan nghiên cứu Mỹ hôm 17/7 cho biết, một tàu của Trung Quốc vào thăm dò dầu khí ở khu vực bãi Tư Chính, bị các tàu Việt Nam ngăn cản, hai bên đã đối đầu nhiều ngày. Hai bên Trung - Việt không thừa nhận cũng không phủ nhận sự việc, cho đến ngày 19/7 Việt Nam đã cáo buộc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền, yêu cầu tàu thuyền Trung Quốc rời khỏi vùng nước của Việt Nam.
Chiếc tàu "Địa chất biển - 8" (Haiyangdizhi-8) hoạt động thăm dò trái phép trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
|
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ rõ, Trung Quốc cần đình chỉ hành vi bá quyền, tránh gây các hoạt động khiêu khích và phá hoại ổn định. Tuyên bố cũng cáo buộc Trung Quốc gây sức ép đối với các nước thành viên khối ASEAN, yêu cầu họ chấp nhận hạn chế quyền hợp tác với các công ty hoặc nước thứ ba, thể hiện rõ thêm Trung Quốc có ý đồ khống chế nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí thiên nhiên ở Biển Đông”.
Trước đó, Trang tin độc lập Đa Chiều ngày 20/7 đã đăng bài về phản ứng của Việt Nam trước hành động xâm phạm của phía Trung Quốc. Bài báo viết:
Ngày 19/7, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc lập tức đình chỉ việc xâm phạm vùng biển (thủy vực) và rút tất cả tàu thuyền Trung Quốc ra khỏi vùng biển Việt Nam. Bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ rõ, tàu thăm dò dầu khí Haiyangdizhi-8 và các tàu hộ tống nó nhiều ngày qua đã xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở phía Nam Biển Đông.
Tàu HYDZ-8 thuộc Cục điều tra địa chất Trung Quốc. Hai viện nghiên cứu của Mỹ hôm 17/7 đã công bố báo cáo, nói các tàu Trung Quốc và Việt Nam đã đối đầu ở gần một mỏ dầu của Việt Nam, tình hình đã kéo dài mấy tuần nay.
Trong đó, Trung tâm nghiên cứu Quốc phòng cao cấp Washington (Center for Advanced Defense Studies,C4ADS) hôm 19/7 cung cấp một bản phân tích thêm, chỉ rõ: chiếc tàu Haiyangdizhi - 8 hiện vẫn đang hoạt động trong vùng biển Việt Nam.
Bà Lê Thị Thu Hằng bày tỏ: nơi tàu Trung Quốc hoạt động hoàn toàn nằm trong vùng biển Việt Nam. Việt Nam đã nhiều lần liên lạc với Trung Quốc thông qua các con đường khác nhau và đã gửi công hàm để bày tỏ kháng nghị tới Trung Quốc.
Phát biểu của bà Hằng là sự đáp lại phát biểu của Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 17/7. Hôm đó, Cảnh Sảng nói "Trung Quốc mong Việt Nam tích cực tôn trọng chủ quyền và quyền quản hạt của Trung Quốc đối với vùng biển liên quan, không nên có những hành động làm phức tạp thêm tình hình".
Trước đó, Đa Chiều cũng đã có bài tường thuật lại phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng, chỉ trích tàu Haiyangdizhi - 8 và các tàu Trung Quốc xâm phạm EEZ và thềm lục địa của Việt Nam ở phía nam Biển Đông.
Đa Chiều cho biết, Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Mỹ (CSIS) nói trong báo cáo: trong cùng một thời gian, chiếc tàu Hải cảnh 35111 của Trung Quốc đã dùng phương thức uy hiếp xông vào một số tàu thuyền Việt Nam ở vùng biển đó; những tàu thuyền này khi đó đang tiếp tế cho giàn khoan Hakuryu-5 của Nhật đang được Công ty dầu khí Nga thuê tác nghiệp.
Báo cáo của CSIS nói, “ngày 2/7, khi tàu Việt Nam đang rời khỏi giàn khoan Hakuryu-5, tàu Hải cảnh 35111 của Trung Quốc đã với tốc độ cao lao tới phạm vi chỉ cách tàu Việt Nam 100m và cách giàn khoan không tới nửa hải lý”.
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra bảo vệ vùng biển thuộc thềm lục địa và Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
|
Bãi Tư Chính nằm ở phía Tây quần đảo Trường Sa trên thềm lục địa Việt Nam, có chiều dài từ Tây sang Đông 63km, có chiểu rộng bình quân 11km, độ sâu từ 37m đến 111m. Việt Nam đã cho dựng tại đây các nhà giàn cao chân và cho binh sĩ đóng giữ, Việt Nam khẳng định bãi này nằm trong phạm vi EEZ 200 hải lý của mình.
Theo Đa Chiều, trong toàn bộ diện tích Biển Đông rộng 3,5 triệu km2, Trung Quốc đã tự ý vạch một đường hình chữ "U" 9 đoạn rồi tuyên bố chủ quyền với vùng biển có diện tích tới 2,1 triệu km2.
Tuy nhiên, vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đó đã chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, Philippines... Căn cứ vào Công ước Liên hợp quốc về luật Biển 1982 thì vùng EEZ 200 hải lý thuộc quyền quản hạt của các nước này.