Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương (Dongfang) ngày 13/1, Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Tư (12/1) đã công bố một báo cáo, nói rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông là bất hợp pháp và không có cơ sở trong luật pháp quốc tế, yêu sách của Trung Quốc đã dẫn đến xung đột giữa Trung Quốc với Việt Nam, Philippines và các nước Đông Nam Á khác. Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi chính phủ Trung Quốc "chấm dứt các hoạt động phi pháp và mang tính cưỡng chế ở Biển Đông";.
Báo cáo nghiên cứu dài 47 trang, do Cục Hải dương và Khoa học môi trường Quốc tế (OES) thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ chịu trách nhiệm soạn thảo có tiêu đề “Limits in the Seas” (Giới hạn trên biển), là phiên bản cập nhật của cùng một công trình nghiên cứu năm 2014. Báo cáo chỉ ra rằng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hơn 100 hòn đảo và bãi đá ngầm chìm dưới mực nước biển của Biển Đông vượt qua ranh giới lãnh hải hợp pháp của bất kỳ quốc gia nào. Ngoài ra, Trung Quốc tuyên bố rằng họ có cái gọi là “quyền lịch sử” ở Biển Đông, nhưng không đưa ra được cơ sở pháp lý hoặc bằng chứng cụ thể.
Đá Gạc Ma bị Trung Quốc chiếm và tôn tạo thành đảo nhân tạo (Ảnh tư liệu). |
Tòa án Trọng tài Quốc tế La Hay thuộc Liên Hợp Quốc cách đây 6 năm đã đưa ra phán quyết về cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với Biển Đông; chỉ ra rằng, Trung Quốc lấy cớ lịch sử để đòi hỏi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông trong cái gọi là “Đường biên giới 9 đoạn” là bất hợp pháp và không có giá trị. Trung Quốc đã nhiều lần nhắc lại rằng họ không chấp nhận phán quyết này.
Bản báo cáo dài 47 trang này khẳng định, kiểu yêu sách lấy lịch sử là căn cứ này không có căn cứ luật pháp nào và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 cũng không có từ ngữ nào quy định về "quyền lịch sử" và cũng không có sự giải thích thống nhất về hàm nghĩa cụ thể của thuật ngữ này theo vấn đề luật quốc tế.
Báo cáo cho biết thêm, bất kỳ tuyên bố nào về các quyền như vậy đều phải tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển, bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng biển quốc tế.
Trung Quốc cho tàu Hải Cảnh vào hoạt động trong vùng biển Bắc Natuna gây tranh chấp với Indonesia (Ảnh: Reuters). |
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng phản bác các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với hơn 100 địa điểm ở Biển Đông bị nhấn chìm khi thủy triều lên, nói rằng Bắc Kinh không thể yêu sách chủ quyền đối với những địa điểm này theo luật pháp quốc tế.
Trước hành động "tạo đảo" của Trung Quốc ở Biển Đông, báo cáo cho rằng tình trạng pháp lý của bất kỳ thực thể nào đều phải được đánh giá dựa trên "trạng thái tự nhiên" của nó.
Báo cáo nhấn mạnh: "Việc khai khẩn đất hoặc các hoạt động khác của con người làm thay đổi trạng thái tự nhiên của vùng nhô lên khi thủy triều thấp hoặc hoàn toàn ngập nước không thể biến những thực thể này thành một hòn đảo".
Báo cáo viết: "Các tuyên bố chủ quyền trái pháp luật của Trung Quốc hoặc một số hình thức quyền tài phán đối với phần lớn Biển Đông ... đã làm suy yếu nghiêm trọng pháp quyền ở vùng biển này và được phản ánh trong nhiều điều khoản được của luật pháp quốc tế công nhận rộng rãi trong Công ước".
Về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đây đã nhiều lần cho rằng “chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông được hình thành trong quá trình lịch sử lâu dài, có đủ tính lịch sử và cơ sở pháp lý, và đã được các chính phủ kế tiếp của Trung Quốc kiên trì.”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng vụ kiện trọng tài Biển Đông “đã vi phạm nguyên tắc ‘sự đồng ý của nhà nước’, Tòa trọng tài đã xét xử vượt quá quyền hạn của mình và đưa ra phán quyết có sai sót nghiêm trọng trong việc xác định sự việc và áp dụng luật và phán quyết được đưa ra vi phạm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển và luật pháp quốc tế, là bất hợp pháp và vô hiệu, là một tờ giấy lộn”.
Tàu dân quân biển Trung Quốc tập trung ở vùng biển tranh chấp gây nên căng thẳng trong quan hệ Ngoại giao với Philippines (Ảnh: AP). |
Trung Quốc luôn chỉ trích Mỹ cho đến nay vẫn từ chối gia nhập UNCLOS, nhưng lại tuyên bố sẽ duy trì UNCLOS.
Vào tháng 7 năm ngoái, nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày ra phán quyết liên quan của Tòa Trọng tài Quốc tế, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã ra tuyên bố nhắc lại chính sách của chính quyền Donald Trump đã công bố một năm trước đó chống lại các tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc. Phía Mỹ tuyên bố rõ ràng rằng yêu sách của Bắc Kinh về quyền lợi tài nguyên ở ngoài khơi bao gồm hầu hết Biển Đông là “hoàn toàn bất hợp pháp”; đồng thời lên án việc Bắc Kinh sử dụng thủ đoạn đe dọa “cường quyền là lẽ phải” để gây tổn hại chủ quyền của các quốc gia Đông Nam Á.
Tuyên bố cũng cho biết Mỹ sẽ sát cánh với các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á trong việc bảo vệ chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi phù hợp với các quyền lợi và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế.
Sau đó, Bắc Kinh bày tỏ phản đối mạnh mẽ về "quan điểm sai lầm của Mỹ", nói rằng "Mỹ không phải là một bên trong Biển Đông và các tranh chấp liên quan, nhưng họ thường xuyên can thiệp vào vấn đề Biển Đông", và kêu gọi Mỹ "không nên tiếp tục trở thành kẻ phá rối, phá hoại và làm loạn hòa bình và ổn định khu vực."
Lần này, cho đến cuối ngày 13/1, Trung Quốc tạm thời chưa có động thái đáp trả bản Báo cáo được công bố hôm 12/1 của Bộ Ngoại giao Mỹ.