Nga đang phải đối mặt với thách thức thực sự đối với việc duy trì các nỗ lực hiện đại hóa quân đội trong bối cảnh nước này đang phải gánh chịu những áp lực từ giá dầu thấp, các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt và chi phí cho các hoạt động tại Ukraine và Syria.
Mặc dù vậy, Mátxcơva có vẻ như vẫn sẽ tiếp tục chương trình này. Và trọng tâm của chương trình sẽ là hiện đại hóa các vũ khí hạt nhân. Học thuyết quân sự gần đây nhất của Nga được công bố vào năm 2014 tiếp tục nhấn mạnh vai trò của các loại vũ khí hạt nhân trong chính sách quốc phòng của Nga.
Học thuyết nêu rõ: “Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc các vũ khí hủy diệt hàng loạt khác chống lại Nga và (hoặc) các đồng minh của Nga, và trong trường hợp Nga bị xâm lược bằng các vũ khí thông thường nhưng gây nguy hiểm tới sự tồn tại của nước Nga”.
Theo Strategist, ba diễn tiến trên cho thấy Nga sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả những cuộc tấn công phi hạt nhân nhằm ngăn chặn một cuộc chiến hạt nhân. Đầu tiên, phải hiểu khái niệm về phòng ngừa leo thang. Một phân tích mới đây của IISS giải thích cụm từ “hạ mức căng thẳng”, theo đó chiến tranh hạt nhân có thể được sử dụng để:
“… giảm thiểu căng thẳng và chấm dứt các hành động chiến đấu theo các điều khoản có thể chấp nhận được với Nga thông qua việc đe dọa gây thiệt hại khiến kẻ thù không thể chịu đựng được. Việc sử dụng hạt nhân một cách hạn chế có thể ngăn chặn được cả chiến tranh thông thường và chiến tranh hạt nhân”.
Thứ hai, việc sử dụng kết hợp cả vũ khí thông thường lẫn vũ khí hạt nhân củng cố sức mạnh răm đe của Nga chống lại NATO trong Giai đoạn 0 – giai đoạn tiền chiến tranh, trong một cuộc khủng hoảng khu vực trong tương lai, chẳng hạn như ở các nước Baltic. Thứ ba, Nga rõ ràng nhận thức được sức mạnh răn đe đó, với những động thái gần đây của Nga cho thấy Nga tiếp tục coi vũ khí này là công cụ thể hiện sức mạnh quốc gia. Nga đã tiến hành những cuộc tấn công hạt nhân mô phỏng trong những cuộc tập trận quy mô lớn và tích cực bay thăm dò vào không phận NATO bằng những máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân.
Nga đã phô diễn sức mạnh tên lửa hành trình Kalibr NK phóng trên biển trong những cuộc tấn công chí tử vào Syria và khả năng của tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander được triển khai ở vùng lãnh thổ Kaliningrad nhằm uy hiếp tiếp với NATO. Điều này được hậu thuẫn bởi những tuyên bố công khai củng cố khả năng hạt nhân của Nga và thậm chí còn cả những mối đe dọa hạt nhân rõ ràng tới các nước NATO, đặc biệt là Đan Mạch.
Lực lượng hạt nhân của Nga đang được nhanh chóng nâng cấp với cốt lõi là hiện đại hóa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), dựa vào việc ra mắt tên lửa di động SS-27 "Yars", và từ năm 2018 là ICBM RS-28 hạng nặng. Các tên lửa Yars và Sarmat thay thế phần lớn các tên lửa rocket chiến lược từ thời Xô Viết của Nga với những hệ thống mang phóng hiệu quả hơn rất nhiều.
Hải quân Nga đang chuyển sang tên lửa đạn đạo hiện đại phóng trên biển Sineva và Bulava, trên tàu ngầm hạt nhân SSBN lớp Borei hiện đại. Trong khi không quân Nga đang tái khởi động dây chuyền sản xuất Tu-160 Blackjack để sản xuất các phiên bản mới của máy bay ném bom Tu-160M2 mà sắp tới sẽ được bổ sung bằng các máy bay ném bom tiên tiến ‘PAK-DA’ vào những năm 2020.
Strategist đánh giá, việc hiện đại hóa lực lượng hạt nhân chiến lược là rất quan trọng nhưng quan trọng nhất vẫn là sự kết hợp của các lực lượng thông thường của Nga cùng với các lực lượng hạt nhân phi chiến lược. Điều đó đang định hình tư duy của Nga trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân, đặc biệt là trong chiến tranh lai, theo cách khiến cho nguy cơ về một cuộc khủng hoảng giữa Nga và NATO trở nên nguy hiểm hơn.
Nga đang ngày càng tập trung vào việc sử dụng vũ khí hạt nhân để củng cố khả năng tiến hành các chiến dịch quân sự ở cấp độ thông thường đe dọa nghiêm trọng đến NATO. Tuy nhiên sự phụ thuộc vào lực lượng hạt nhân, tư thế hoạt động thay đổi liên tục của các lực lượng đóng vai trò kép và các khái niệm như “phòng ngừa leo thang” càng làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm trong khủng hoảng, điều này có thể dẫn tới việc căng thẳng sẽ leo thang đến ngưỡng hạt nhân.
Strategist cho rằng tư duy của Nga về vũ khí hạt nhân trái ngược với những động thái của Mỹ và các đối tác NATO. Ví dụ, bản Đánh giá Năng lực hạt nhân (NPR-2010) năm 2010 của chính quyền Obama đã điều chỉnh các điều khoản đảm bảo an ninh hạt nhân tiêu cực để giảm đi vai trò của vũ khí hạt nhân trong việc đáp trả lại một cuộc tấn công phi hạt nhân và ám chỉ mục tiêu cuối cùng là “biến việc răn đe tấn công hạt nhân vào Mỹ và các nước đối tác và đồng minh trở thành mục tiêu chủ chốt trong chương trình hạt nhân của Mỹ”.
Những cuộc tranh luận vẫn đang tiếp diễn về việc liệu công cuộc hiện đại hóa các vũ khí hạt nhân phi chiến lược đã cũ kỹ của NATO bằng bom hạt nhân chiến thuật B-61-12 sẽ được biện minh bằng cách nào trong khi NATO đã không còn phụ thuộc nặng nề vào các vũ khí hạt nhân chiến thuật kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc.
Chắc chắn các nước thành viên NATO coi vũ khí hạt nhân như là một công cụ để răn đe và (như đã nêu trong NPR 2010) chỉ được sử dụng trong "hoàn cảnh cực kỳ cần thiết để bảo vệ các lợi ích sống còn của Mỹ và các đồng minh hoặc đối tác”.
Theo quan điểm của Mátcơva, việc kết hợp các vũ khí thông thường được hiện đại hóa và các vũ khí hạt nhân phi chiến lược là công cụ để có được sự vận hành linh hoạt hơn ở cấp độ thông thường, như trong một cuộc khủng hoảng với các nước Baltic. Nga có thể thấy rằng thông qua những đe dọa hạt nhân ngấm ngầm và công khai, và với việc hạ ngưỡng hạt nhân, Nga có thể linh hoạt hơn trong một cuộc chiến tranh thông thường, bằng cả vũ khí thông thường lẫn vũ khí phi hạt nhân. NATO sẽ phải đối phó với thách thức đó và chuyển hướng tăng cường khả năng răn đe hạt nhân và răn đe thông thường mạnh hơn ở châu Âu.