Binh sĩ Mỹ kể về đêm kinh hoàng hứng đòn tấn công bằng tên lửa của Iran

VietTimes -- Trung sĩ Akeem Ferguson ẩn nấp trong một boongke khi đội của ông nhận được một tín hiệu radio rợn người: 6 tên lửa đạn đạo của Iran đang hướng tới vị trí của họ.
Trung si Ferguson đứng bên ngoài một boongke do Mỹ xây dựng, tương tự như boongke mà ông trú ẩn trong lúc hứng đòn không kích của Iran (Ảnh: CNN)
Trung si Ferguson đứng bên ngoài một boongke do Mỹ xây dựng, tương tự như boongke mà ông trú ẩn trong lúc hứng đòn không kích của Iran (Ảnh: CNN)

"Tôi đã sẵn sàng để chết"

Tấm bê tông mà họ sử dụng để che chắn có rất ít khả năng bảo vệ họ trước những vật thể đang hướng tới họ. "Tôi nắm chặt khẩu súng của mình và hạ thấp đầu, cố gắng nghĩ về thứ gì thật vui, vậy nên tôi bắt đầu hát nhẩm trong đầu cho con gái mình" - Ferguson kể lại - "Và tôi chỉ biết chờ đợi, hy vọng rằng dù điều gì xảy ra, nó cũng qua nhanh".

"Lúc đó tôi đã sẵn sàng 100% để chết" - Ferguson nói thêm.

Trung sĩ Ferguson cùng với nhiều binh sĩ và các nhà thầu dân sự khác bên trong căn cứ al-Asad ở Iraq đã sống sót mà không chịu thương tổn gì, sau loạt tên lửa đạn đạo mà Iran phóng về phía họ vào rạng sáng 8/1. Vụ việc được xem là đòn tấn công quy mô lớn nhất nhằm vào một căn cứ có binh sĩ Mỹ đồn trú trong vòng một thập kỷ qua. Nhiều binh sĩ nói rằng thực tế không có ai bị thương trong vụ tấn công đơn giản là "điều kỳ diệu".

Binh sĩ Mỹ đồn trú tại căn cứ này đang hỗ trợ lực lượng an ninh Iraq chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và huấn luyện họ. Không có binh sĩ Iraq nào bị thương trong vụ tấn công đó.

Căn cứ nọ được xem là rất dễ chịu tổn thất bởi các đòn tấn công bằng tên lửa như trên. Các binh sĩ tại căn cứ al-Asad đã nhận được cảnh báo trước vài giờ, cho phép họ có đủ thời gian để tìm chỗ ẩn nấp. Tuy nhiên, họ thiếu các hệ thống phòng không để ngăn chặn một vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo - bởi quân đội Mỹ không xây dựng, cải tạo căn cứ được cho là lớn nhất và cũ kỹ nhất của Iraq.

Gần khu vực đường băng bên trong căn cứ, rất nhiều mảnh vỡ kim loại nằm rải rác trên đất khi các binh sĩ đo đạc một cái hố lớn gây ra do tên lửa sau đòn tấn công. Chiếc hố sâu tới 2 m, đường kính 3 m. Đây từng là nơi ở của các phi công điều khiển máy bay không người láu và các nhà điều hành căn cứ. Họ đã sơ tán đơn vị của mình trước cuộc tấn công.

Cũng giống như phần lớn các đơn vị trong căn cứ, đơn vị phi công cũng bị khóa chặt trong các boongke trong suốt 2 giờ đồng hồ liền, khi những quả tên lửa dội xuống.

Vị trí căn cứ quân sự al-Asad ở Iraq (Ảnh: CNN)
Vị trí căn cứ quân sự al-Asad ở Iraq (Ảnh: CNN)

Vụ tấn công là đòn trả thù của Iran trước vụ không kích bằng máy bay không người lái (drone) của Mỹ khiến vị tướng quyền lực nhất Iran, Qasem Soleimani, thiệt mạng cách đây một tuần lễ.

Sau vài ngày tính toán, đòn thù của Tehran đã diễn ra mà không gây ra bất cứ thương vong nào, khiến nhiều người thở phào nhẹ nhõm. Tại căn cứ al-Asad, các binh sĩ đã được nghỉ ngơi sau nhiều ngày cảnh báo cao độ. Đối với các nước trong khu vực, nó đánh dấu sự giảm thang căng thẳng giữa Mỹ và Iran sau vụ ám sát Soleimani - vụ việc tưởng chừng khuấy động một cuộc chiến mới trên diện rộng.

Có 10 trong tổng số 11 tên lửa đã đáp trúng các vị trí của quân đội Mỹ tại căn cứ quân sự nằm giữa sa mạc ở Iraq.

Khoảng 1/3 căn cứ al-Asad thuộc quản lý của quân đội Mỹ. Các tên lửa của Iran - sử dụng các hệ thống dẫn đường nội vi - được phóng đi nhằm vào các vị trí nhạy cảm của quân đội Mỹ, gây tổn thất cho khu phức hợp các lực lượng đặc nhiệm, 2 nhà chứa máy bay và đơn vị điều khiển drone của Mỹ.

Cảnh báo trước

Đợt cảnh báo đầu tiên đến từ các tín hiệu tình báo mật vào buổi chiều tối 7/1 trước khi vụ tấn công xảy ra. Đến 23h00 ngày 7/1, phần lớn binh sĩ Mỹ tại căn cứ al-Asad đã được sơ tán vào các hầm trú ẩn, chỉ có một số nhân sự quan trọng, như các lính gác trên tháp canh và phi công điều khiển drone, vẫn làm nhiệm vụ bên ngoài. Họ phải ở bên ngoài để bảo vệ căn cứ trong trường hợp xảy ra một vụ tấn công dưới mặt đất sau đòn tấn công bằng tên lửa.

Hình ảnh đống đổ nát bên trong căn cứ al-Asad sau đòn không kích của Iran (Ảnh: CNN)
Hình ảnh đống đổ nát bên trong căn cứ al-Asad sau đòn không kích của Iran (Ảnh: CNN)

Nhưng đòn tấn công mặt đất không xảy ra, và các binh sĩ phải chờ tới lúc trời sáng hẳn mới được ra khỏi hầm trú ẩn của họ. Đòn tấn công kết thúc trước 4h00 sáng ngày 8/1.

Thủ tướng Iraq Adil Abdul Mahdi từng cho hay ông được Iran báo trước rằng, vào khoảng giữa đêm sẽ xảy ra các vụ không kích bên trong lãnh thổ đất nước ông. Một nhà ngoại giao Arab nói với CNN rằng phía Iraq đã chuyển thông tin này cho Mỹ.

Tuy nhiên, Mỹ đã nhận được báo cáo về một vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào thời điểm được Iraq báo tin; theo Đại tá Tim Garland thuộc căn cứ al-Asad.

Những trái tên lửa đầu tiên đáp xuống lúc 1h34 sáng 8/1. Sau đó là 3 trái khác đáp xuống, và cứ mỗi 15 phút lại có thêm một trái. Vụ tấn công kéo dài trong suốt 2 giờ đồng hồ. Nhiều binh sĩ mô tả rằng đó là khoảnh khắc mà họ cảm thấy như vô tận, tràn ngập cảm giác sợ hãi và không được bảo vệ.

Một tấm biển chỉ dẫn bên ngoài khu vực nhà ở trong căn cứ al-Asad sau vụ tấn công (Ảnh: CNN)
Một tấm biển chỉ dẫn bên ngoài khu vực nhà ở trong căn cứ al-Asad sau vụ tấn công (Ảnh: CNN)

"Bạn có thể tự vệ trước một nhóm lính bán quân sự, nhưng không thể tự vệ trước thứ đó" - Đại úy Patrick Livingston, chỉ huy lực lượng an ninh tại căn cứ al-Asad, nói về các đòn tấn công bằng rocket từng nhằm vào căn cứ này - "Ngay bây giờ đây, căn cứ này không được thiết kế để tự vệ trước đòn tấn công bằng tên lửa".

Không đủ khả năng phòng thủ

Khi mà các đòn tấn công được báo trước sắp xảy ra, phần lớn binh sĩ Mỹ tại căn cứ al-Asad nhanh chóng trốn vào bên trong các hầm trú ẩn có hình dạng giống kim tự tháp nằm rải rác bên trong căn cứ. Các boongke này được xây dựng từ thời Tổng thống Saddam Hussein.

Những bức tường dày cộp của boongke được xây dựng từ nhiều thập kỷ trước đó để chống lại bom đạn từ phía Iran. Iraq từng lao vào cuộc chiến đẫm máu kéo dài 8 năm với Iran (1980-1988) và chấm dứt trong thế bế tắc.

Boongke được xây dựng từ thời Saddam Husein mà binh sĩ Mỹ dùng làm nơi trú ẩn (Ảnh: CNN)
Boongke được xây dựng từ thời Saddam Husein mà binh sĩ Mỹ dùng làm nơi trú ẩn (Ảnh: CNN)

Binh sĩ Mỹ cho hay họ không dám chắc các hầm trú ẩn từ thời Saddam có thể chịu nổi các tên lửa đạn đạo Iran hay không. Nhưng ít ra chúng vẫn chắc chắn hơn các boongke của Mỹ, được xây dựng nhằm chống rocket và đạn pháo.

Các loạt rocket và đạn pháo trọng lượng nhẹ thường được IS, các nhóm thánh chiến cực đoan và các nhóm bán quân sự người Shi'ite ở Iraq sử dụng để chống lại binh sĩ Mỹ suốt nhiều năm qua. Nhưng tên lửa đạn đạo của Iran lại có tầm bắn xa hơn nhiều và có thể mang đầu đạn chứa khối lượng lớn chất nổ - ước tính mỗi đầu đạn chứa gần nửa tấn chất nổ.

Mỗi boongke trong căn cứ này đều có tường đôi. 2 phòng rộng rãi bên trong có nhiều giường gấp, thảm, ghế và tủ đựng đồ. Vào đêm xảy ra vụ tấn công, một trong số các căn phòng trong boongke còn được sử dụng làm phòng tắm tạm thời, trong khi nhiều chai nhựa được cắt ra để các binh sĩ tiểu tiện.

Cảm giác sợ hãi

Thiếu tá Staci Coleman là một trong số những chỉ huy sơ tán các binh sĩ vào boongke. Sau khoảng hơn 1 giờ đồng hồ bên trong hầm trú ẩn, bà bắt đầu có nhiều ngờ vực.

"Lúc đó tôi ngồi trong một boongke và nghĩ rằng biết đâu mình đã quyết định sai lầm khi đi vào đó" - bà kể - "Khoảng 10 phút sau đó, khi những tiếng nổ vang lên liên tục, tôi nghĩ rằng đã có câu trả lời. Toàn bộ mặt đất rung chuyển, tiếng động rất lớn. Bạn có thể cảm nhận được sóng xung kích tới tận chỗ mình".

Bà nói những cánh cửa của boongke dường như không bị ảnh hưởng sau mỗi đợt tên lửa nã xuống. Không có boongke nào trong căn cứ bị ảnh hưởng.

Ferguson ngồi giữa đống đổ nát từng là khu nhà ở của các phi công điều khiển drone (Ảnh: CNN)
Ferguson ngồi giữa đống đổ nát từng là khu nhà ở của các phi công điều khiển drone (Ảnh: CNN)

Trong khi đó, trung sĩ Ferguson ẩn náu bên trong một boongke do Mỹ xây dựng - được ghép bởi những tấm bê tông dày và được gia cố bởi các bao cát bên ngoài. Ông quan sát diễn biến bên ngoài qua những khe hở trên các bức tường ghép.

"Có một lỗ hổng nhỏ trên tường hầm trú ẩn và chúng tôi nhìn thấy một ánh sáng màu cam lóe lên" - Ferguson kể lại - "Sau đó, chúng tôi nhận ra rằng mỗi lần chúng tôi nhìn thấy ánh sáng lóe lên là một vài giây sau tiếng nổ vang lên".

Sau đợt tấn công đầu tiên, một số người ra khỏi hầm trú ẩn để tìm kiếm người bị thương. Khi đợt thứ hai bắt đầu khoảng 15 phút sau, một số người chưa kịp trở lại hầm.

Ferguson nói ông đã rất lo lắng về những người đồng đội bị mắc kẹt bên ngoài. "Sau khi đợt thứ hai kết thúc, tôi rất lo cho họ nên rời khỏi hầm và cố kéo họ trở vào hầm trú ẩn với chúng tôi, và chúng tôi lại chờ đợi" - Ferguson kể lại.

Vào thời điểm đòn tấn công tên lửa kết thúc, Ferguson và những binh sĩ khác ra khỏi hầm trú ẩn để chuẩn bị đối mặt với một cuộc tấn công mặt đất có thể xảy ra. Họ mò mẫm trong bóng tối, giương cao họng súng...nhưng cuối cùng không có thêm cuộc tấn công nào nữa.

"Chúng tôi đều quá mệt mỏi. Đó là thời khắc căng thẳng tột độ" - Ferguson nói.

Khi các binh sĩ ra khỏi hầm trú ẩn, rất nhiều người trở lại làm việc lập tức, sửa chữa tổn thất trong căn cứ. Phần lớn đều nói rằng họ cảm thấy vừa sốc lại vừa nhẹ nhõm.

Một số binh sĩ kể lại rằng vụ việc vừa qua đã làm thay đổi quan điểm của họ về chiến tranh: Quân đội Mỹ hiếm khi phải hứng chịu đòn tấn công bằng các vũ khí tinh vi như vậy, mà thường là bên tổ chức các đòn tấn công trên khắp thế giới.

"Bạn nhìn về phía những người xung quanh và nghĩ: Chúng ta biết chạy đi đâu bây giờ? Làm sao chúng ta tránh khỏi những thứ như vậy?" - Ferguson nói - "Tôi mong không ai phải chịu sự sợ hãi như vậy".