Biển Đông: Việt Nam phòng thủ với tàu ngầm Kilo Nga, máy bay tuần thám Mỹ

VietTimes -- Ngoài 6 tàu ngầm Kilo mua của Nga, Việt Nam lo ngại Trung Quốc triển khai phi pháp nhiều tàu ngầm ở vùng biển quần đảo Trường Sa nên có thể sắp mua sắm máy bay tuần tra săn ngầm P-3C của Mỹ hoặc Nhật Bản - báo Nhật nhận định.
Tàu ngầm Kilo của hải quân Việt Nam
Tàu ngầm Kilo của hải quân Việt Nam

Tân Hoa xã ngày 28/8 dẫn tờ Nihon Keizai Shimbun Nhật Bản ngày 26/8 cho rằng các nước Đông Nam Á như Indonesia và Việt Nam đang tăng cường phòng thủ biển, hoặc là tăng triển khai máy bay chiến đấu và tàu ngầm, hoặc là mở rộng căn cứ quân sự.

Quan chức quân đội Indonesia trả lời phỏng vấn tiết lộ, nước này có kế hoạch triển khai 5 máy bay chiến đấu F-16, triển khai 3 - 5 tàu hộ vệ hải quân ở quần đảo Natuna, cực nam Biển Đông.

Nước này đã bắt tay mở rộng căn cứ quân sự ở quần đảo Natuna, có kế hoạch hoàn thành xây dựng đường băng và mở rộng quân cảng trước cuối năm 2017. Ngoài kế hoạch triển khai tàu ngầm, nước này còn cân nhắc mua sắm máy bay chiến đấu của Nga.

Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố vùng đặc quyền kinh tế ở vùng biển quần đảo Natuna là "ngư trường truyền thống". Indonesia đã trở nên căng thẳng trước việc tàu cảnh sát biển và tàu cá Trung Quốc liên tiếp xâm phạm vùng biển này.

Tháng 6/2016, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tiến hành thị sát quần đảo Natuna. Ảnh: Reuters
Tháng 6/2016, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tiến hành thị sát quần đảo Natuna. Ảnh: Reuters

Tháng 6/2016, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đến thị sát vùng biển quần đảo này, nhưng ngày hôm sau tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc đã xuất hiện ở khu vực lân cận, hai bên tiếp tục triển khai tâm lý chiến.

Hiện nay, Việt Nam và Philippines cũng đang khẩn trương tăng cường phòng thủ biển đảo. Việt Nam đã mua 6 tàu ngầm thông thường lớp Kilo của Nga, triển khai ở căn cứ quân sự vịnh Cam Ranh, cứ điểm quan trọng án ngữ Biển Đông.

Ngoài ra, Việt Nam còn bắt đầu nghiên cứu nhập khẩu máy bay tuần tra săn ngầm, chuẩn bị mua sắm máy bay tuần tra săn ngầm P-3 mới hoặc hàng cũ P-3C của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.
Ở Philippines, tháng 6/2016, Quân đội Mỹ đã triển khai 4 máy bay tác chiến điện tử EA-18G ở căn cứ không quân Clark, phía bắc Manila, trong đó có một mục đích là tăng cường do thám trên biển.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản, do Mỹ chế tạo (ảnh tư liệu)
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản, do Mỹ chế tạo (ảnh tư liệu)

Vào mùa xuân năm 2016, tàu ngầm thông thường lớp Oyashio và tàu hộ vệ cỡ lớn Ise của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản lần lượt đến thăm vịnh Subic của Philippines.

Việt Nam và Philippines cảnh giác với việc Trung Quốc "triển khai rất nhiều tàu ngầm" một cách phi pháp ở vùng biển quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), tìm cách tăng cường khả năng tác chiến săn ngầm cả trên biển và trên không.

Singapore mặc dù không có tranh chấp biển đảo trực tiếp với Trung Quốc, nhưng cũng đồng ý cho Quân đội Mỹ triển khai máy bay tuần tra săn ngầm P-8 vào tháng 12/2015, tần suất triển khai cứ 3 tháng 1 lần.

Mặc dù không trực tiếp điểm danh, nhưng rất rõ ràng mục đích của việc triển khai này là để cảnh giác với Quân đội Trung Quốc. Tháng 6/2016, Bộ Quốc phòng Mỹ từng cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đáp máy bay tuần tra săn ngầm thị sát vùng biển xung quanh.

Ngày 3/6/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen thị sát eo biển Malacca bằng máy bay tuần tra săn ngầm P-8 Poseidon. Ảnh: Stripes
Ngày 3/6/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen thị sát eo biển Malacca bằng máy bay tuần tra săn ngầm P-8 Poseidon. Ảnh: Stripes

Đối với tranh chấp Biển Đông, ngày 12/7/2016, Tòa trọng tài ở The Hague, Hà Lan đã đưa ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường chín đoạn" của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng, Trung Quốc tỏ ra hết sức coi thường phán quyết này bằng cách tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn trước và sau thời điểm Tòa trọng tài công bố phán quyết.

Tại Diễn đàn khu vực ASEAN tổ chức ở Lào vào tháng 7 vừa qua, các nước ASEAN đã tìm kiếm biện pháp giải quyết hòa bình vấn đề, nhưng không thể tìm được khâu đột phá. Các nước ASEAN ở vào thế yếu về sức mạnh quân sự, cũng buộc phải thông qua tăng cường sức mạnh quân sự để tiến hành ứng phó.

Theo thống kê của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, năm 2015, chi tiêu quốc phòng của khu vực châu Á và châu Đại Dương đã tăng 5,4% so với năm 2014, vượt xa tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu 1%.

Tàu ngầm thông thường Type 039B lớp Nguyên Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Sina
Tàu ngầm thông thường Type 039B lớp Nguyên Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Sina

Trong bối cảnh đề phòng Trung Quốc, tăng trưởng chi tiêu quân sự của Indonesia, Việt Nam, Philippines đã được đẩy cao trên cả mức tổng thể của khu vực.

Sau năm 2016, chi tiêu quốc phòng của khu vực này dự tính sẽ còn tiếp tục tăng trưởng, có thể xuất hiện tình hình chạy đua vũ trang.