Biển Đông: Trung Quốc chỉ có thể trách chính mình

Phán quyết của Tòa Trọng tài chắc chắn là một cú giáng mạnh vào uy tín và vị thế của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế. Trung Quốc không thể trách được ai mà phải tự trách chính mình dù nước này đã cố đổ lỗi cho Mỹ và Nhật Bản kích động các nước phản đối các tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc.
Trung Quốc ngang nhiên xây dựng đảo nhân tạo và đường băng, công trình quân sự kiên cố trái phép trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters
Trung Quốc ngang nhiên xây dựng đảo nhân tạo và đường băng, công trình quân sự kiên cố trái phép trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters

Theo chuyên gia Pinak Chakravarty, Trung Quốc giờ đây phải lo ngại về uy tín quốc tế của mình nếu nước này trắng trợn từ chối làm bất cứ điều gì và vẫn cứng nhắc trong cách tiếp cận đối với tranh chấp này. Bắc Kinh không thể mong muốn có một vai trò lãnh đạo có trách nhiệm nếu từ chối thương lượng.

Phản ứng công khai của Bắc Kinh đối với phán quyết do Tòa Trọng tài đưa ra là hiếu chiến và không linh hoạt. Vụ Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài là về nhiều vấn đề liên quan tới những tranh chấp về các đảo, đá và rạn san hô ở Biển Đông. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố phán quyết này sẽ không làm mất hiệu lực các tuyên bố lịch sử của Trung Quốc về lãnh thổ trên biển của mình.

Bình luận của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị rằng “trò hề này bây giờ đã qua... Trung Quốc phản đối và sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ tuyên bố hoặc hành động nào dựa trên những phán quyết này” đã là gay gắt nhất. Phản ứng không đúng mực và hung hăng của Trung Quốc đối với phán quyết này cho thấy các dấu hiệu kinh điển của một đất nước là mặc dù đã trỗi dậy trong hệ thống quyền lực toàn cầu nhưng vẫn còn không chắc chắn trong việc cư xử như thế nào cho đúng với tư cách một cường quốc lớn có trách nhiệm, ông Chakravarty nhận định.

Phán quyết của Tòa Trọng tài là một phán quyết lịch sử và sẽ có ảnh hưởng tới tương lai của Biển Đông và các vùng biển khác trên toàn cầu. Bằng cách thực hiện chủ quyền với một hòn đảo, một quốc gia có thể hợp pháp hóa sự kiểm soát một khu vực biển rộng lớn xung quanh nó và tuyên bố các quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của biển và dưới đáy biển. Ngoài ra, nó cho phép một quốc gia kiểm soát sự di chuyển của các tàu, trong đó có cả tàu chiến, thông qua vùng biển đã được tuyên bố là lãnh thổ chủ quyền. Tác động địa chiến lược là rất rõ ràng và có ý nghĩa, đồng thời sẽ ảnh hưởng tới các tuyên bố chủ quyền của các nước ngoài Trung Quốc, những nước tuyên bố chủ quyền đối với các đảo tương tự. 

Hành động và sự tuyên truyền của Trung Quốc, trong đó có tuyên bố gây ngạc nhiên là hầu hết các nước trên thế giới đều ủng hộ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, đã vấp phải thất bại nặng nề. Trung Quốc đưa ra các "chứng cứ" cho thấy phần lớn các nước ủng hộ Trung Quốc và có cả Ấn Độ trong danh sách này. Những tuyên bố “ma” như vậy không giúp gì được Trung Quốc. Lối nói khoa trương thù địch của Trung Quốc đã đến đỉnh điểm trước khi Tòa Trọng tài ra phán quyết của mình và các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông trở nên ngang ngược hơn, trong đó có cuộc tập trận bắn đạn thật không có lý do chính đáng của hải quân Trung Quốc.

Hải quân Trung Quốc gần đây liên tục tập trân trên biển gây căng thẳng khu vực
Hải quân Trung Quốc gần đây liên tục tập trân trên biển gây căng thẳng khu vực

Phản ứng của Trung Quốc là đầy hăm dọa và là phản ứng của một đất nước đã bị mất mặt quá nhiều, một thực tế mà Trung Quốc phải xem xét rất nghiêm túc. Số phận của các học giả Trung Quốc, những người đã luôn cho rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là hợp pháp, thì không khó để hình dung ra trong một quốc gia độc đoán như Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc đã chỉ trích và cáo buộc 5 thẩm phán của Tòa Trọng tài, những người đưa ra phán quyết này, nhận hối lộ. Tuy nhiên, rất rõ ràng là Trung Quốc không thể trách được ai mà phải tự trách chính mình dù nước này đã cố đổ lỗi cho Mỹ và Nhật Bản kích động các nước phản đối các tuyên bố chủ quyền trên biển của Trung Quốc. 

Vụ kiện lên Tòa Trọng tài này bắt đầu từ ba năm trước khi Philippines và Trung Quốc chỉ trích nhau về quyền sở hữu bãi cạn Scarborough, một nhóm đảo và rạn san hô ở Biển Đông. Philippines cũng đã thất vọng vì thiếu bất kỳ giải pháp ngoại giao nào cho vấn đề chủ quyền và biên giới trên biển liên quan tới các đảo và rạn san hô này. Thất vọng trước chiến thuật trì hoãn của Trung Quốc, Philippines đã nộp đơn kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài về việc Bắc Kinh khẳng định cái gọi là “đường 9 đoạn” của nước này. Cái gọi là "Đường 9 đoạn" này lần đầu tiên xuất hiện trên các bản đồ trong nước của Trung Quốc là vào năm 1947 và sau đó trở nên phổ biến hơn trong năm 1948.

"Đường 9 đoạn" trên thực tế tuyên bố hơn 80% diện tích Biển Đông là lãnh hải của Trung Quốc một cách ngang ngược, phớt lờ và thách thức các tuyên bố chủ quyền trên biển của Brunei, Indonesia, Malaysia và Việt Nam, là những nước ven biển khác ở Biển Đông. Các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đã đi quá xa tới mức thậm chí ngay cả một người không phải chuyên gia cũng có thể thấy qua tấm bản đồ này là những tuyên bố chủ quyền này chưa bao giờ tham khảo kỹ lưỡng luật biển quốc tế hiện nay theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) như thế nào. 

Tòa Trọng tài ban đầu đánh giá tuyên bố của Trung Quốc hồi năm 2006 trong đó khẳng định Bắc Kinh không chấp nhận bất kỳ điều khoản giải quyết tranh chấp nào theo UNCLOS về vấn đề “chứng cứ lịch sử” là cơ sở của cái gọi là “đường 9 đoạn”. Do đó, Tòa Trọng tài đã phải xem xét, ngoài những điều khác, xem những tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines liệu có thuộc ngoại lệ này hay không và cũng xem xét các tuyên bố lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông. Tòa Trọng tài xác định rằng tòa có quyền ra phán quyết. Tòa đã gạt qua một bên lập luận của Trung Quốc rằng tuyên bố chủ quyền của nước này đều là về chủ quyền lãnh thổ, rằng Trung Quốc không đồng ý với trọng tài quốc tế hay các vấn đề quân sự đều nằm ngoài phạm vi thẩm quyền của Tòa Trọng tài.

Thứ hai, Tòa Trọng tài đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền lịch sử của Trung Quốc và thấy rằng chúng đi ngược lại UNCLOS hiện đang là nền tảng của luật biển quốc tế và là một hiệp ước mà Trung Quốc đã ký và phê chuẩn. Phán quyết bác bỏ tuyên bố các quyền lịch sử của Trung Quốc và đánh giá chúng là không phù hợp với luật pháp quốc tế hiện nay. Phán quyết chính xác nói rằng không có bằng chứng cho thấy Trung Quốc về mặt lịch sử đã thể hiện quyền kiểm soát duy nhất đối với các vùng biển này và nguồn tài nguyên tại đây. 

Thứ ba, Tòa Trọng tài đã phán quyết rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo, đá mà trong một số trường hợp bị ngập khi thủy triều lên cao, đều nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines bất chấp những nỗ lực của Trung Quốc nhằm cải tạo và mở rộng một số đảo này. Do đó, Trung Quốc đã vi phạm EEZ của Philippines. Cuối cùng, Tòa Trọng tài phán quyết rằng Trung Quốc đang vi phạm UNCLOS và luật pháp quốc tế khi từ chối quyền tiếp cận đánh cá và các nguồn tài nguyên trên biển của Philippines, làm trầm trọng thêm tranh chấp khi xây dựng các đảo nhân tạo và không đếm xỉa gì đến những quan ngại về môi trường. 

Phán quyết của Tòa Trọng tài đã vô hiệu hóa những tuyên bố chủ quyền trên biển rộng lớn của Trung Quốc tại một khu vực chắc chắn là một trong những tuyến hàng hải quan trọng nhất của thế giới. Phán quyết này còn cho rằng Trung Quốc đã vi phạm 6 quy định của UNCLOS, trong đó có việc gây thiệt hại không thể khắc phục được đối với các rạn san hô vì những nỗ lực cải tạo và xây dựng của Bắc Kinh để tạo ra một số hòn đảo lớn hơn nhằm xây sân bay và nhà ở. Hơn nữa, phán quyết này cũng cho rằng không có cấu trúc nào đang tranh chấp ở quần đảo Trường Sa, trong đó có bãi cạn Scarborough, đá Gaven và đá Chữ Thập, có thể nói là đảo trong điều kiện tự nhiên theo luật biển có thể được áp dụng. Đây là những rạn san hô khi thủy triều xuống thấp và bị chìm dưới mực nước biển khi thủy triều lên cao. Điều này có nghĩa là những rạn san hô này không hình thành các quyền đối với một EEZ 200 hải lý hay thềm lục địa. Phán quyết cũng xác nhận đá Vành Khăn và bãi Cỏ Mây mà Trung Quốc và Philippines có đụng độ là nằm trong vùng lãnh hải của Philippines và Trung Quốc không có quyền ở đây. 

Trung Quốc ngang nhiên cho máy bay đáp xuống Đá Chữ Thập, thách thức dư luận quốc tế, gây căng thẳng khu vực
Trung Quốc ngang nhiên cho máy bay đáp xuống Đá Chữ Thập, thách thức dư luận quốc tế, gây căng thẳng khu vực

Theo chuyên gian Pinak Chakravarty, phán quyết của Tòa Trọng tài là một thắng lợi pháp lý lịch sử đối với Philippines trước Trung Quốc. Philippines đã chiến thắng 14 trong số 15 điểm mà hội đồng thẩm phán đã phân xử. Phán quyết này sẽ tạo ra một tiền lệ cho việc phân xử trong tương lai các tuyên bố chủ quyền và tranh chấp trên biển phát sinh. Phán quyết có lẽ không gây ngạc nhiên nhưng trước đó vẫn có những nghi ngờ rằng Tòa Trọng tài có thể khước từ đưa ra quyền phán xét đối với một số vấn đề nhằm tránh một cuộc đối đầu trực diện với Trung Quốc, nước đã tẩy chay quá trình tố tụng và vận động ráo riết để vụ kiện này bị bác bỏ.

Rốt cuộc, Tòa Trọng tài không chỉ đưa ra phán quyết của mình mà phán quyết còn được đánh giá là có lợi cho Philippines trên tinh thần của vụ kiện. Phán quyết này sẽ có một tác động đáng kể đối với lĩnh vực hàng hải quốc tế rộng lớn hơn. Phán quyết cũng tạo ra một tiền lệ pháp lý cho các nước khác như Indonesia và Việt Nam có thể đâm đơn kiện Trung Quốc đối với những tranh chấp trên biển với Bắc Kinh nếu xét thấy cần thiết.

Đối với Ấn Độ, đây chắc hẳn phải là một khoảnh khắc hài lòng sau những khó khăn gần đây và sự thất bại trong việc gia nhập Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG) - một động thái bị Trung Quốc ngăn chặn thông qua rào cản thủ tục. Tuyên bố công khai của Chính phủ Ấn Độ đã được soạn thảo cẩn thận. Phản ứng của New Delhi được phản ánh trong một tuyên bố của Bộ Ngoại giao. Tuyên bố viết: “Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, được phản ánh đặc biệt trong UNCLOS.

Ấn Độ cho rằng các nước nên giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình mà không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thể hiện tự kiềm chế trong việc tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định”. Và “các tuyến đường liên lạc trên biển qua Biển Đông có tầm quan trọng sống còn đối với hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển. Là một bên tham gia UNCLOS, Ấn Độ hối thúc tất cả các bên tôn trọng triệt để UNCLOS, vốn hình thành nên trật tự luật pháp quốc tế của các vùng biển và đại dương”. 

Không cần phải nói rõ, phản ứng của Ấn Độ cũng nhấn mạnh đến thực tế rằng Ấn Độ đã lịch sự chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài về phân định đường biên giới trên biển với Bangladesh dù phán quyết này một phần có lợi cho Bangladesh. Do đó, Ấn Độ chắc chắn sẽ phải xem xét thái độ và các hành động trong tương lai của Trung Quốc trong các tranh chấp song phương chưa được giải quyết. 

Điều khiến cho Trung Quốc bực tức hơn nữa chính là việc Nga từ chối ủng hộ lập trường của Trung Quốc. Nga đã nói rõ rằng tất cả các nước phải tôn trọng việc không sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp và theo giải pháp ngoại giao dựa trên UNCLOS. Nga cũng nhắc lại lập trường của mình rằng các nước liên quan nên hành động theo tinh thần của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 mà Trung Quốc đã liên tục phớt lờ. Nga đã cụ thể chọn lập trường trung lập. Không ngạc nhiên khi Pakistan – đối tác của Trung Quốc đã ủng hộ lập trường của Trung Quốc. Thế cô lập của Trung Quốc trong vấn đề này chắc hẳn không thể ảm đạm hơn. 

Người dân Philippines đang ngây ngất về chiến thắng pháp lý này khi mà phán quyết về mặt lý thuyết là mang tính ràng buộc. Chính phủ Philippines dưới thời của tân Tổng thống Rodrigo Duterte đã thận trọng hơn trong phản ứng, thấy rằng dù phán quyết này có thể là một chiến thắng pháp lý và đạo đức nhưng vẫn chưa có gì đảm bảo để thực hiện phán quyết. Phản ứng của các quốc gia ven biển khác, có tranh chấp trên biển với Trung Quốc, cũng rất im ắng. Phán quyết cũng cho thấy rõ ràng những cố gắng vô ích của 10 quốc gia ASEAN trong việc xử lý vấn đề này trong hơn hai thập niên qua. Trung Quốc đã chia rẽ hiệu quả khối này và phớt lờ tất cả những cam kết tiến tới một Bộ quy tắc ứng xử trên biển (COC). 

Thực tế khắc nghiệt là phán quyết của Tòa Trọng tài không ảnh hưởng đến cấu trúc quyền lực. Philippines vẫn là một nước nhỏ và yếu, không thể thách thức Trung Quốc, vốn là nước lớn và hùng mạnh, một đất nước vẫn tin rằng lập trường của mình là lẽ phải. Trung Quốc đã không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy sự nhượng bộ. Phản ứng không rùm beng của Chính phủ Philippines nhấn mạnh thực tế này và việc không có cơ chế để thực hiện phán quyết. Ngoài ra, tòa đã không yêu cầu Trung Quốc rời khỏi các đảo, đá và rạn san hô mà nước này đã chiếm đóng. Trung Quốc đã hống hách tuyên bố rằng phán quyết của Tòa Trọng tài là vô hiệu. 

Tuy nhiên, Trung Quốc giờ đây phải lo ngại về uy tín quốc tế của mình nếu nước này trắng trợn từ chối làm bất cứ điều gì và vẫn cứng nhắc trong cách tiếp cận đối với tranh chấp này. Nước này không thể mong muốn có một vai trò lãnh đạo có trách nhiệm nếu từ chối thương lượng. Các nước láng giềng của Trung Quốc sẽ cảnh giác hơn về các ý đồ của Trung Quốc và sự mất lòng tin sẽ trở nên sâu sắc. Đối với Philippines, phán quyết này sẽ mở ra cánh cửa cho các cuộc đàm phán. Nước này có thể tận dụng phán quyết để giành một số nhượng bộ từ Trung Quốc. Hiện vẫn còn phải xem liệu Trung Quốc có thay đổi cách cư xử, thể hiện dấu hiệu điều chỉnh hay không và liệu các cuộc đàm phán ngoại giao giữa hai nước có dẫn đến sự phân chia ranh giới trên biển mà hai bên có thể chấp nhận được hay không. 

Phán quyết này mở ra cơ hội cho các quốc gia lớn có biển tăng cường tuần tra và tập trận khẳng định lại quyền tự do hàng hải. Trung Quốc đã bắt đầu cho máy bay hạ cánh trên một đường băng ở một trong những hòn đảo mà họ xây dựng – đá Vành Khăn - và có thể chơi lá bài tẩy khi tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không mà nếu có chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng đối đầu hơn nữa. Nếu Trung Quốc cho rằng, giống như các cường quốc khác, các tòa án quốc tế là chỉ dành cho các nước nhỏ và yếu thì lúc đó, nước này sẽ làm vấn đề tồi tệ thêm.

Những cáo buộc của Bắc Kinh rằng Mỹ và Nhật Bản đã xúi giục Philippines đưa vụ kiện lên Tòa Trọng tài là làm xấu hổ Trung Quốc có thể không bao giờ được chứng minh và không thể là một cơ sở cho các hoạt động bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Hiện vẫn phải chờ xem liệu Trung Quốc có tiếp tục các hành động ngang ngược hơn và có các thủ đoạn hai mặt hay không. Các nước châu Á phải sẵn sàng đối phó với thách thức của một nước Trung Quốc đang bắt đầu thể hiện các dấu hiệu của hành vi bất thường.

* Tác giả Pinak Chakravarty là nhà nghiên cứu uy tín của Sáng kiến Nghiên cứu Khu vực thuộc Quỹ Nghiên cứu Các nhà Quan sát (ORF).