Các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế đã tập trung tại thủ đô Manila - Philippines ngày 17-11 để tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), tập trung thảo luận các vấn đề thương mại, kinh tế và kinh doanh, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Chuyến thăm biểu tượng
Vấn đề biển Đông dự kiến tiếp tục nóng bỏng ngay cả khi dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị APEC không đề cập, theo AP. Giới chức Mỹ có kế hoạch nêu bật những hành động khiêu khích của Trung Quốc trong chuyến công du của Tổng thống Barack Obama đến Philippines và Malaysia nhằm tăng cường ảnh hưởng của Washington tại khu vực.
Điểm đến đầu tiên của ông Obama sau khi đặt chân đến Manila ngày 17-11 là tàu chiến BRP Gregorio del Pilar - con tàu được Washington chuyển giao cho Manila năm 2011. Trong chuyến thăm, ông Obama thông báo Mỹ sẽ cung cấp thêm cho Hải quân Philippines 1 tàu tuần tra và 1 tàu nghiên cứu.
“Mỹ đã cam kết bảo đảm an ninh cho khu vực này từ hơn 70 năm qua. Chúng tôi có nghĩa vụ làm việc này trong khuôn khổ một hiệp định hợp tác, đây là cam kết sắt đá để bảo vệ Philippines. Chuyến thăm của tôi nhấn mạnh cam kết chung của chúng ta đối với an ninh của vùng biển tại khu vực và sự tự do hàng hải” - ông Obama phát biểu trên tàu BRP Gregorio del Pilar.
Trang tin Bloomberg nhận định tuyên bố trên là dấu hiệu mới nhất cho thấy Mỹ quyết tâm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở biển Đông. Một tuần trước hội nghị, máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã bay gần các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây trái phép ở biển Đông.
Thách thức yêu sách
Cũng trong ngày 17-11, Nhà Trắng cho biết Mỹ sẽ cung cấp 259 triệu USD - 119 triệu USD trong tài khóa 2015 và thêm 140 triệu USD trong 12 tháng tiếp theo - để hỗ trợ các nước Đông Nam Á cải thiện an ninh hàng hải. Cụ thể, Philippines sẽ nhận 79 triệu USD, Việt Nam 40,1 triệu USD, Indonesia 20 triệu USD và Malaysia 2,5 triệu USD.
Những động thái trên chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc khó chịu bởi họ không muốn biển Đông trở thành tâm điểm tại các hội nghị thượng đỉnh ở châu Á trong tuần này (ngoài APEC còn có Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á - EAS, Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN, đều tại Malaysia). Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngày 17-11 nhắc lại đòi hỏi này, đồng thời ngang ngược cho rằng chính Bắc Kinh mới là “nạn nhân thực sự” trên biển Đông và rằng họ đã “rất kiềm chế” mới không “lấy lại các đảo và bãi đá bị nước ngoài chiếm đóng dù có thể làm thế”!
Philippines hứa sẽ không nêu vấn đề biển Đông tại APEC để tránh làm Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khó xử song các nước khác không vấp phải cái khó của chủ nhà. Ngay trong cuộc gặp hôm 17-11 với Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, Tổng thống Mỹ Obama đã nhắc đến biển Đông và dự kiến tiếp tục đề cập khi gặp Tổng thống Philippines Aquino ngày 18-11.
Cũng bên lề APEC, theo Reuters, Tổng thống Philippines và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến nhất trí về một thỏa thuận mở đường để Tokyo cung cấp cho Manila thiết bị quân sự đã qua sử dụng, bao gồm máy bay dùng để tuần tra biển Đông. Malaysia nhiều khả năng cũng lên tiếng, sau khi Phó Thủ tướng Ahmad Zahid Hamidi vào cuối tuần rồi tuyên bố nước này phải bảo vệ lãnh thổ trước bất kỳ sự xâm lấn nào từ bên ngoài - được cho là nhằm vào tham vọng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.
Trong khi đó, báo Mainichi (Nhật Bản) cho hay dự thảo tuyên bố chung của EAS sắp tới sẽ có nội dung gây áp lực với Trung Quốc về các hoạt động cải tạo phi pháp trên biển Đông.
Quyết tâm chống khủng bố
Vấn đề an ninh là một nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của Hội nghị Thượng đỉnh APEC năm nay sau khi xảy ra vụ khủng bố liên hoàn ở thủ đô Paris - Pháp hôm 13-11. AP dẫn nội dung bản dự thảo tuyên bố chung của hội nghị cho biết các nhà lãnh đạo lên án vụ tấn công này, đồng thời cam kết quyết tâm chống khủng bố. Ngoài ra, bản dự thảo cũng cảnh báo sự tăng trưởng toàn cầu vẫn còn mong manh và sự bất bình đẳng đang kìm hãm sự phát triển của kinh tế.
Trước mối đe dọa khủng bố, nước chủ nhà đã huy động kỷ lục hơn 30.000 binh sĩ, cảnh sát và nhân viên để bảo đảm an toàn cho hội nghị. Ông Richard Marquez, chỉ huy lực lượng cảnh sát Philippines, cho biết các lực lượng an ninh đã chuẩn bị cho mọi đe dọa tiềm tàng, từ khủng bố, bão lũ, động đất cho đến hỏa hoạn, ngộ độc thực phẩm. Ngoài ra, hơn 1.700 chuyến bay nội địa và quốc tế đã bị hủy để bảo đảm chuyến bay của các nhà lãnh đạo không bị gián đoạn.
Theo NLĐ