“Việc xây đảo ở Biển Đông rồi đưa vũ khí lên các hòn đảo đó của Trung Quốc hết sức đáng ngại, và tôi nghĩ rằng việc không có phản ứng đã khiến họ ngày càng lấn lướt. Cần phải gửi tín hiệu cho Trung Quốc rằng họ phải ngưng xây đảo, và việc tiếp cận các đảo này cũng sẽ không được phép”, ông Rex Tillerson nói về việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông trong buổi điều trần phê chuẩn chức Ngoại trưởng hồi đầu năm 2017.
Sau đó, xuất hiện một tài liệu dài hơn 50 trang bao gồm các câu trả lời bằng văn bản đối với những câu hỏi của ông Ben Cardin, thượng nghị sĩ bang Maryland từ buổi điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.
Tài liệu mới cho thấy ông Tillerson có vẻ như dịu hơn sau khi có tuyên bố cứng rắn mà báo chí nhà nước Trung Quốc cáo buộc "có thể gây ra chiến tranh", theo Japan Times.
“Trung Quốc không thể được cho phép sử dụng các đảo nhân tạo (xây dựng phi pháp) để ép buộc các nước láng giềng hoặc hạn chế tự do hàng hải hoặc việc bay ngang ở Biển Đông”, ông Tillerson đáp lại câu hỏi về các hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc, Mỹ sẽ duy trì tự do hàng hải và bay ngang bằng cách tiếp tục bay, hải hành và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép”.
Trong tài liệu mới, Ngoại trưởng Tillerson cũng nói về sự cần thiết của Mỹ và đồng minh phải chặn sự tiếp cận của Trung Quốc đối với các hòn đảo bồi lấp phi pháp này trong trường hợp xảy ra “tình huống bất ngờ”.
“Nếu một tình huống bất ngờ xảy ra, Mỹ, các đồng minh và đối tác phải có thể hạn chế sự tiếp cận cũng như việc sử dụng các đảo nhân tạo của Trung Quốc nhằm đe dọa Mỹ hoặc các đồng minh”, ông Tillerson viết.
Ông Tillerson cũng dường như ủng hộ một chính sách mạnh mẽ hơn của Mỹ đối với các vùng biển tranh chấp”, cũng như các nguy cơ ngày càng tăng từ một động thái như vậy, theo nhận định của Japan Times.
“Mỹ phải sẵn lòng chấp nhận nguy cơ nếu muốn ngăn chặn các hành động gây thêm bất ổn và bảo đảm các đồng minh cũng như các đối tác rằng Mỹ sẽ sát cánh với họ để duy trì các luật lệ và chuẩn mực quốc tế”, ông Tillerson viết. Ông cũng nói thêm rằng ông sẽ hợp tác với “các đối tác từ nhiều cơ quan khác nhau của Mỹ để phát triển một cách tiếp cận của toàn chính phủ Mỹ để chặn hành động lấn chiếm và đe dọa thêm nữa của Trung Quốc, cũng như “các thách thức đối với tự do hàng hải hoặc bay ngang” ở các vùng biển.
Trung Quốc phản ứng bằng cách bác bỏ chuyện nước này hạn chế tuần tra hàng hải ở Biển Đông, nhưng Bắc Kinh từng một số lần phản đối việc Mỹ đưa tàu chiến tới gần các hòn đảo nhân tạo xây dựng trái phép.
Mới đây, sau khi Mỹ điều hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson tuần tra Biển Đông kể từ ngày 19/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lên tiếng phản đối bất kỳ hành động của các nước dưới “chiêu bài tuần tra tự do hàng hải”, đe dọa cái gọi là "chủ quyền của Trung Quốc".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từng tuyên bố rằng Mỹ chưa cần phải có những bước đi quân sự ở Biển Đông nhằm ngăn chặn hành động mạnh mẽ khẳng định chủ quyền của Trung Quốc, dù chỉ trích Bắc Kinh làm xói mòn lòng tin của các quốc gia trong khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ Tillerson dự kiến sẽ gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh bắt đầu từ ngày 18/3 tới, và nhiều khả năng vấn đề Biển Đông sẽ nằm cao trong chương trình nghị sự.