Tòa án sẽ xác định xem bên nào có quyền sở hữu đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, ở Biển Đông, nơi có những tuyến vận tải đường biển quan trọng đối với thương mại thế giới.
Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với gần 80% diện tích Biển Đông, trong đó bao gồm cả vùng biển mà Philippines khẳng định thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN cũng như Hoa Kỳ theo dõi chặt chẽ vụ kiện này.
Nhóm chuyên gia Philippines đưa ra các lập luận và tài liệu để chứng mình rằng đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc thông qua bản đồ 9 đoạn –mà Việt Nam gọi là đường lưỡi bò – là vô giá trị, chiếu theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Ngay từ đầu, Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện cùng Philippines và khẳng định Tòa án Trọng tài Thường trực Liên Hiệp Quốc không có thẩm quyền xem xét hồ sơ này.
Theo giới chuyên gia, phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực ít có khả năng được thực thi, bởi vì Tòa án không có cảnh sát hoặc cơ chế pháp lý ràng buộc thực hiện quyết định của tòa.
Tuy vậy, nếu Tòa ra phán quyết có lợi cho Philippines thì đây là một thắng lợi ngoại giao quan trọng của chính quyền Manila và có thể khuyến khích các nước đang có tranh chấp với Trung Quốc đi theo con đường này.
Trong bối cảnh đó, ngày hôm qua, đại sứ Trung Quốc tại Manila, Triệu Giám Hoa (Zhao Jianhua), khi tiếp các phóng viên tại tư dinh, đã nhắc lại lập trường cố hữu của Bắc Kinh là nên đàm phán song phương để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.
Các vùng tranh chấp chồng lấn tại Biển Đông là những điểm nóng trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường bồi đắp, tôn tạo đảo nhân tạo, xây dựng các cơ sở quân sự trên đó, và Hoa Kỳ thực hiện chính sách xoay trục sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Theo: BizLive