Biển Đông: Mỹ quyết đáp trả việc quân sự hóa và xây đảo trái phép

VietTimes -- Bộ trưởng Không quân Mỹ Deborah James vừa tuyên bố, Mỹ có thể sẽ tiến hành thêm các chiến dịch tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông nhằm đáp trả hành vi quân sự hóa và xây dựng trái phép đảo nhân tạo của Trung Quốc trong khu vực, trang Scout Warrior cho biết.
Máy bay ném bom B-52H và lượng vũ khí trên khoang có sức răn đe rất lớn
Máy bay ném bom B-52H và lượng vũ khí trên khoang có sức răn đe rất lớn

“Chúng tôi sẽ thực hiện tự do hàng không”, bà James khẳng định với báo chí. Vạch rõ hành vi của Trung Quốc là “đáng lo ngại”, bà James đã đề cập đến nhiều điều phức tạp kéo dài trong mối quan hệ Trung- Mỹ, ám chỉ rằng mối quan hệ này đặc trưng gồm cả căng thẳng lẫn hợp tác.

Sau một chuyến đi hai tuần tới châu Á và tham dự nhiều cuộc họp với các đồng minh châu Á, bà James tuyên bố Trung Quốc không có vẻ gì là sẽ dừng những nỗ lực mở rộng lãnh thổ thông qua việc xây dựng đảo nhân tạo phi pháp trong các khu vực tranh chấp trên Biển Đông.

Bà James nói: “Tất cả mọi nơi chúng tôi đến, chúng tôi đều nói về tình hình Biển Đông. Trung Quốc vẫn đang xây dựng đảo và không có vẻ gì là sẽ dừng lại hay giảm bớt. Điều này tiếp tục gây lo ngại”. Tất nhiên bà James không chính thức tuyên bố quân Mỹ sẽ tiến hành hoạt động khi nào, ở đâu và bằng cách nào vì lí do an ninh, nhưng bà cũng nói rõ ràng rằng Mỹ có thể cân nhắc hành vi khiêu khích tiếp diễn của Trung Quốc.

Để minh chứng về vị thế của nước Mỹ, bà James trích dẫn ví dụ vài năm trước khi Trung Quốc tuyên bố “vùng loại trừ trên không” trên bầu trời khu vực. Để đáp trả, Mỹ đã lập tức điều máy bay B-52 qua khu vực này để thực hiện tự do lưu thông hàng không.

“Chúng tôi muốn một mối quan hệ tốt đẹp và cân bằng với Trung Quốc nhưng chúng tôi muốn Trung Quốc phải tôn trọng luật pháp. Thực hiện nhiều hoạt động tự do hàng hải hơn là chắc chắn”, bà James khẳng định. Gần đây, một bài báo trên The Diplomat trích dẫn lời quan chức Trung Quốc từ South China Morning Post nói rằng Trung Quốc có thể thực sự đang tìm cách thiết lập vùng nhận diện phòng không trên Biển Đông. Hành động này mang tính khiêu khích và có thể tạo ra những phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ và các đồng minh. Hơn nữa, trong tình huống này, không quân Mỹ có thể sẽ dễ tiến hành các chiến dịch tự do đi lại hơn.

Scout Warrior nhấn mạnh, hành động của Trung Quốc trong khu vực đã dẫn đến việc bồi lấp phi pháp hơn 4.000 mẫu đất, bao gồm cả xây dựng đường băng, tháp chỉ huy và kiểm soát, liên quan đến động thái triển khai các máy bay chiến đấu cũng như các hệ thống vũ khí như những khẩu đội pháo và hệ thống tên lửa đất đối không trên các đảo nhân tạo xây dựng trái phép.

Đá Chữ Thập sau khi được cải tạo thành đảo nhân tạo có diện tích lớn nhất Trường Sa với một đường băng dài 3km và các nhà chứa máy bay
Đá Chữ Thập sau khi được cải tạo thành đảo nhân tạo có diện tích lớn nhất Trường Sa với một đường băng dài 3km và các nhà chứa máy bay

“Trung Quốc là một nước quan trọng trên toàn cầu và là một nước lớn trong khu vực. Trung Quốc rất muốn có khả năng mở rộng tầm với của mình. Chúng tôi đã đánh giá những tháp chỉ huy và điều khiển, những đường băng và cả hành vi quân sự hóa của Trung Quốc”, bà James nói.

Bà James cũng đưa ra một loọt những lo ngại về hành vi quân sự hóa vẫn tiếp diễn của Trung Quốc trên các đảo, đưa ra khả năng rằng các hành vi của Trung Quốc có thể cản trở tự do hàng hải trong khu vực. Việc này không chỉ quan trọng đối với an ninh khu vực và toàn cầu mà còn hết sức quan trọng đối với thương mại quốc tế, các tuyến đường biển ở Nam Á và Biển Đông là những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất toàn cầu. 80% lượng khí đốt tự nhiên của toàn thế giới đi qua Biển Đông. Bà James cho rằng hành vi của Trung Quốc không chỉ mang tính biểu tượng.

Bà James bổ sung thêm rằng các đồng minh của Mỹ trong khu vưc đang yêu cầu không quân Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự và hoạt động trong khu vực. Lực lượng không quân Mỹ hiện có 45 000 lính ở Thái Bình Dương và sử dụng chiến lược “hiện diện máy bay ném bom liên tục” bao gồm việc triển khai các máy bay ném bom chiến lược B1, B2 và B52.

Lần đầu tiên
Lần đầu tiên "bộ ba chiến lược" gồm các máy bay ném bom B-2 Spirit, B-1B và pháo đài bay B-52 được Mỹ triển khai ở Guam canh chừng Biển Đông

“Ai cũng muốn có nhiều cơ hội huấn luyện với không quân Mỹ hơn và có nhiều cuộc tập trận hơn,” bà James tiết lộ.

"Đường lưỡi bò" ngang ngược

Theo Scout Warrior, vấn đề của cả khu vực là một tập hợp các đảo đang tranh chấp ở Biển Đông mang tên quần đảo Trường Sa. Các đảo nhỏ trong khu vực này đều giàu tài nguyên thiên nhiên và có vị trí địa chiến lược quan trọng trong khu vực Thái Bình Dương.

Các quan chức Lầu Năm Góc đều chỉ trích những nỗ lực vẫn đang tiếp diễn của Trung Quốc nhằm xây dựng các công trình nhân tạo phi pháp ở gần hoặc tại khu vực quần đảo Trường Sa. Hoạt động bồi lấp đảo trái phép này đã mở rộng khu vực Trung Quốc kiểm soát thêm hơn 4.000 mẫu.

Scout Warrior  nêu rõ, việc bồi lấp đảo của Trung Quốc có vẻ như là một nỗ lực của nước này nhằm củng cố và tăng cường các yêu sách lãnh thổ ngang ngược trên Biển Đông. Tuy nhiên, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển không công nhận các cấu trúc nhân tạo và các lãnh thổ hợp pháp do Bắc Kinh tuyên bố. Do đó, Mỹ và các đồng minh ở Thái Bình Dương không ủng hộ hay đồng tình với các tuyên bố chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc. Thực tế, bằng việc trích dẫn định nghĩa “đảo” được nêu rõ trong Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển, các quan chức Lầu Năm Góc không công nhận các thực thể nhân tạo này là đảo mà thay vào đó ám chỉ những nỗ lực này chỉ là “bồi lấp đảo”.

Vị thế của Mỹ có cơ sở từ một số điều quan trọng của Công ước Luật Biển, Công ước quy định rằng các cấu trúc nhân tạo không xác định hoặc tạo nên lãnh thổ đảo hợp pháp. Luật Biển cũng quy định rằng lãnh thổ có chủ quyền của một nước chỉ mở rộng đến 12 hải lí tính từ bờ biển nước đó.

Theo Công ước, đảo được định nghĩa là “một vùng đất tự nhiên nổi trên mặt nước khi thủy triều lên”. Điều 60 cũng có nói “đảo nhân tạo không được hưởng vùng lãnh hải. Theo đó, các quan chức Lầu Năm Góc đã nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ sẽ tiếp tục thực thi tự do hàng hải trên biển và trên không theo mức độ mà họ muốn, chỉ cần phù hợp với luật quốc tế. Trong một số dịp, tàu hải quân có thể tiến vào vùng lãnh hải của các cấu trúc địa lý mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

Quan chức hải quân Mỹ khẳng định  rằng họ có thể tiến hành tự do hàng hải trên biển bất cứ khi nào. Cả giới chức không quân lẫn hải quân đều không cảnh báo bất kỳ kế hoạch cụ thể hoặc nếu rõ thời gian khi nào hoạt động này sẽ diễn ra, tuy nhiên cả hai lực lượng đều giải thích rõ ràng rằng các hoạt động này rất có thể sẽ tiếp diễn.

“Biển Đông là vùng biển quốc tế nơi hải quân Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động. Cho dù chúng tôi không thể bình luận về các hoạt động cụ thể trên Biển Đông, Mỹ vẫn có vị thế quan trọng trong việc duy trì các nguyên tắc luật pháp quốc tế, hoạt động thương mại hợp pháp không bị cản trở, tự do hàng hải và hàng không, các biện pháp giải quyết tranh chấp hòa bình,” người phát ngôn hải quân, Trung úy Terry Loren đã tuyên bố với Scout Warrior.

Cụm tác chiến tàu sân bay Stennis hải hành qua Biển Đông
Cụm tác chiến tàu sân bay Stennis hải hành qua Biển Đông tháng 7/2016
Mỹ có kế hoạch thường trực hai cụm tác chiến tàu sân bay ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương
Mỹ có kế hoạch thường trực hai cụm tác chiến tàu sân bay ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Các lãnh đạo cao cấp của quân đội Trung Quốc đã ngang nhiên nói rằng Biển Đông thuộc về Trung Quốc. Bắc Kinh đã đòi chiếm hầu hết, nếu không muốn nói là toàn bộ Biển Đông thông qua bản đồ của cái gọi là "đường chín đoạn" phi pháp bao phủ hơn 1,4 triệu km2. Cho dù quan chức Mỹ cho rằng Trung Quốc không xác định rõ ràng "đường chín đoạn", bản đồ này vẫn có thể được truy ra là của Quốc dân đảng từ năm 1928 đến 1949. Quốc dân Đảng đã rút về Đài Loan năm 1949 khi đảng cộng sản tiếp quản Trung Quốc sau nội chiến, tuy nhiên khái niệm "đường chín đoạn" ngang ngược vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Theo Scout Warrior, giới chức cao cấp Mỹ và các nước đồng minh trong khu vực không công nhận các tuyên bố của Trung Quốc. Công ước LHQ cũng quy định vùng đặc quyền kinh tế kéo dài 200 hải lý tính từ bờ biển. Điều này có nghĩa là nước sở hữu vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) sẽ có quyền khai thác tài nguyên và thực hiện các hoạt động kinh tế trong khu vực này. Theo đó, việc xây dựng đảo phi pháp của Trung Quốc có thể ảnh hưởng tới vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác.

Điều này nghĩa là các nước không thể đánh bắt trong vùng EEZ hay khai thác dầu khí mà không có sự cho phép của nước chủ quản. Tuy nhiên các hoạt động trong vùng EEZ không liên quan đến hoạt động kinh tế vẫn được cho phép, là một phần của hoạt động tự do trên biển, quan chức Lầu Năm Góc tuyên bố.