Các chuyên gia dự đoán Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) trong tháng 6.2016 sẽ đưa ra phán quyết thiên về phía Philippines. Manila đã đệ đơn kiện Bắc Kinh lên PCA vào năm 2013. PCA sẽ phán quyết tuyên bố chủ quyền “đường lưỡi bò” của Trung Quốc - bao phủ 80% Biển Đông - là vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ), theo các chuyên gia.
Các chuyên gia nhận định một phần lớn trong chiến lược bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông là sự mơ hồ trong “đường lưỡi bò”. Bắc Kinh chưa bao giờ nêu rõ cơ sở pháp lý trong tuyên bố chủ quyền của họ mà chỉ toàn dựa vào những tài liệu lịch sử, gọi đây là “chủ quyền lịch sử”.
Trung Quốc còn dùng những đảo nhân tạo xây phi pháp ở Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông để củng cố tuyên bố “đường lưỡi bò” và tuyên bố EEZ (370 km) và lãnh hải (12 hải lý hay 22 km) quanh những đảo nhân tạo này.
Tiến sĩ Malcolm Cook thuộc Viện nghiên cứu Yusof Ishak (trước đây là Viện Nghiên cứu Đông Nam Á) ở Singapore nhận định: “Nếu PCA ra phán quyết chống lại tuyên bố chủ quyền đường lưỡi bò của Trung Quốc, điều này đồng nghĩa Bắc Kinh không có quyền tuyên bố EEZ và lãnh hải quanh những đảo nhân tạo phi pháp”.
Theo Báo cáo của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung Quốc (thuộc Quốc hội Mỹ) trình Quốc hội ngày 12.4, Trung Quốc bồi đắp và xây đảo nhân tạo trên bảy đá (với tổng diện tích trên 12 km2) ở Trường Sa trong giai đoạn từ tháng 12.2013 - 10.2015. Trung Quốc còn xây đường băng, cơ sở quân sự và điều máy bay quân sự ra đảo nhân tạo. Mỹ cáo buộc động thái này của Bắc Kinh là nhằm quân sự hóa Biển Đông.
“Đường lưỡi bò thật sự là trọng tâm phiên phân xử này”, theo nhận định của nhà nghiên cứu Harry Krejsa, thuộc Trung tâm vì Nền An ninh mới của Mỹ, trong cuộc phỏng vấn với tờ The Japan Times (Nhật Bản).
Sau khi PCA ra phán quyết đối với đơn kiện của Philippines, Bắc Kinh sẽ phải “đau đầu” vì các nước khác trong khu vực có thể đệ đơn kiện Trung Quốc tiếp theo.
Trong bài phân tích trên website Maritime Awareness Project hồi tháng 4.2016, ông James Kraska, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, cho rằng: “Phán quyết của PCA thiên về phía Philippines sẽ tạo động lực cho những quốc gia khác trong khu vực có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc tiếp tục đệ đơn kiện Bắc Kinh, vì họ có khả năng thắng”.
Cả Trung Quốc và Philippines đều ký kết UNCLOS, nhưng Bắc Kinh không tham gia các phiên phân xử và tuyên bố sẽ phớt lờ phán quyết của PCA. Dù vậy Bắc Kinh vẫn cố tìm kiếm sự ủng hộ từ một số nước.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố có 40 quốc gia ủng hộ lập trường của Bắc Kinh ở Biển Đông, nhưng các học giả cho hay đa số chỉ là những nước nghèo ở châu Phi nhận viện trợ của Trung Quốc. Bắc Kinh cũng ve vãn Philippines, tuyên bố muốn “hàn gắn” quan hệ với Manila trước thềm PCA đưa ra phán quyết.
Tiến sĩ Cook nhận định rằng sau khi PCA đưa ra phán quyết, Trung Quốc sẽ tiếp tục giọng điệu bác bỏ phán quyết của PCA như hiện tại, nhưng Bắc Kinh có thể sẽ hung hăng và ngang ngược hơn.
Trung Quốc sẽ trả đũa
Mỹ đã điều tàu chiến tuần tra đảm bảo “tự do hàng hải” áp sát các đảo nhân tạo Bắc Kinh xây phi pháp ở Trường Sa, nhằm thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, trong một bài xã luận gần đây cáo buộc rằng: “Vấn đề Biển Đông chỉ là một cái cớ để Mỹ can thiệp vào vấn đề khu vực và làm leo thang căng thẳng nhằm cô lập Trung Quốc”.
Các chuyên gia nhận định với cái cớ Mỹ quân sự hóa khu vực, Bắc Kinh sẽ trả đũa phán quyết của PCA bằng cách lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông tương tự như nước này từng làm ở biển Hoa Đông. Trung Quốc có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
“Tôi nghĩ Bắc Kinh sẽ lập ADIZ ở Biển Đông trong năm nay, viện lý do Mỹ quân sự hóa khu vực, không làm theo yêu cầu của Trung Quốc là tránh xa các đảo nhân tạo”, ông Kraska nói.
Tờ South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 1.6 dẫn lời một nguồn tin quốc phòng Trung Quốc quả quyết Bắc Kinh sẽ lập ADIZ ở Biển Đông nếu Trung Quốc “bị đe dọa”. Tuy nhiên, theo ông Kraska, Trung Quốc lập ADIZ không có ý nghĩa gì trên thực tế, mà thực chất chỉ mang tính “biểu tượng”.
Khi được hỏi liệu Mỹ và các nước trong khu vực có thể làm gì để ngăn chặn hoạt động bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, tiến sĩ Cook đáp: “Nếu tất cả các quốc gia ASEAN cùng công khai lên tiếng ủng hộ Mỹ tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông thì đây có thể sẽ là một thông điệp cứng rắn hơn cho Bắc Kinh”.
“Nhưng không phải tất cả thành viên ASEAN đều có chung quan điểm và có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên Biển Đông. Chính vì lẽ đó, một số quốc gia ASEAN có thể một mình hoặc phối hợp nhau tiếp tục công khai phản đối hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp, những lệnh cấm đánh bắt cá phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông. Những nước này cũng có thể công khai thể hiện quan điểm của họ đối với phán quyết của PCA”, theo ông Cook.
Không chỉ lập ADIZ để trả đũa phán quyết của PCA, các chuyên gia nhận định Trung Quốc sẽ xây đảo nhân tạo và tiền đồn quân sự ở bãi cạn Scarborough trên Biển Đông, cách bờ biển của Philippines chỉ 230 km. Bắc Kinh chiếm bãi cạn này từ tay Philippines vào năm 2012.
Ông Krejsa dự đoán: “Sau khi PCA đưa ra phán quyết, tình hình Biển Đông sẽ ngày càng trở nên căng thẳng hơn”.
Theo Thanh niên