BIDV dự báo tiền đồng mất giá 3-4% trong năm 2016

 Ngân hàng BIDV dự báo trong năm 2016 đồng Việt Nam có thể giảm giá thêm 3-4% so với đô la Mỹ và tỷ giá sẽ tăng vượt qua mốc 23.000 đồng.
BIDV dự báo trong 2016 tiền đồng sẽ mất giá thêm 3-4%. Ảnh: TL.
BIDV dự báo trong 2016 tiền đồng sẽ mất giá thêm 3-4%. Ảnh: TL.

“Với dự báo đô la Mỹ tiếp tục tăng giá trên thị trường quốc tế cộng với các yếu tố mùa vụ về việc nhập siêu, nhu cầu chuyển lợi nhuận về nước của nhà đầu tư nước ngoài, thì thị trường ngoại hối dự báo sẽ tiếp tục diễn biến căng thẳng trong tháng 12-2015. Sự can thiệp (bán ra) từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể giúp tỷ giá duy trì trong biên độ cho phép, nhưng nhìn chung giao dịch ở mặt bằng cao, khoảng 22.450-22.500 đồng/đô la Mỹ từ nay đến cuối năm,” Trung tâm Nghiên cứu của ngân hàng BIDV dự báo trong Báo cáo mới nhất đánh giá khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong tháng tới và ảnh hưởng tới tỷ giá hối đoái của Việt Nam.  

Báo cáo cho biết: “Từ cuối tháng 10-2015 đến nay, mặc dù cán cân thanh toán tổng thể chuyển biến khá tích cực, nhập siêu giảm mạnh, cán cân thương mại thậm chí thặng dư 500 triệu đô la Mỹ trong tháng 10, nhưng tỷ giá hối đoái đã tăng mạnh 170-180 điểm lên 22.470-22.480 đồng/đô la Mỹ. Diễn biến này chủ yếu xuất phát từ tâm lý liên quan đến đà tăng của đồng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế và khả năng nâng lãi suất cơ bản của FED”.

Theo báo cáo, mặt bằng lãi suất giao dịch tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng có thể tăng thêm 0,5-1% lên 3-4%/năm kỳ hạn 1 tuần do tín dụng tăng nhanh theo chu kỳ; thị trường ngoại hối có thể xuất hiện biến động mạnh hơn; tâm lý thị trường thận trọng.

Một trong những yếu tố đang tác động đến việc vay vốn nước ngoài của doanh nghiệp và ngân hàng trong nước là lãi suất đô la Mỹ trên thị trường thế giới đang trên đà tăng. Lãi suất Libor kỳ hạn 3 tháng đã tăng từ 0,3% lên 0,37%, và 6 tháng từ 0,51% lên 0,61%/năm. Đây là mức cao nhất kể từ tháng 10-2012. Cuối năm 2015 lãi suất Libor 3 tháng có thể đạt mức 0,4-0,45%/năm và 1-1,2%/năm vào năm 2016. 

BIDV đề xuất NHNN sớm xây dựng kịch bản thị trường và giải pháp cho năm 2016, đưa ra thông điệp cụ thể định hướng thị trường về tỷ giá, lãi suất. “Thông điệp và hành động cụ thể cần kịp thời để tránh thị trường bị cộng hưởng tạo ra các biến động vượt tầm kiểm soát,” và “Bộ Tài chính [cần] xem xét đẩy nhanh quá trình phát hành trái phiếu quốc tế vào đầu năm 2016 nhằm tận dụng thời điểm thị trường thuận lợi với chi phí vốn hợp lý”.

Đề cập đến dòng vốn đầu tư vào các thị trường mới nổi, báo cáo trích dẫn số liệu của Viện Tài chính quốc tế, theo đó vốn nước ngoài đổ vào các thị trường mới nổi từ đầu năm đến nay chỉ đạt 548 tỉ đô la Mỹ, giảm 50% so với năm ngoái, con số này thấp hơn cả các năm 2008-2009 là thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra mạnh nhất.

Trong 9 tháng đầu năm 2015 số vốn rút ra khỏi Trung Quốc lên tới 725 tỉ đô la Mỹ, khỏi Nga 57,5 tỉ đô la Mỹ, khỏi Malaysia 33,4 tỉ đô la Mỹ...

Ở Việt Nam trong 10 tháng đầu năm, khối ngoại bán ròng 584 tỉ đồng trên thị trường trái phiếu Chính phủ và mua ròng 4.357 tỉ đồng trên thị trường cổ phiếu (kể cả các giao dịch M&A doanh nghiệp niêm yết với tỷ lệ lớn). Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam năm 2016 có thể khả quan hơn do lộ trình cổ phần hoá DNNN, mở room cho khối ngoại lên 100% đối với những ngành nghề không cần kinh doanh có điều kiện.

Theo TBKTSG