BIDV đề xuất ngân hàng tự quyết định nguồn cổ tức để tăng vốn

Trong báo cáo đề ngày 12-6, BIDV đề xuất một loạt giải pháp cần thực hiện ngay để tăng vốn cho khối NHTM nhà nước. Trong đó nổi bật là đề xuất cho phép các NHTM nhà nước được sử dụng nguồn cổ tức để tăng vốn thay vì nộp về ngân sách.
Tranh cãi về việc thu nguồn cổ tức về ngân sách nhà nước hay để các NHTM nhà nước được giữ lại đang tiếp tục. Ảnh TL.
Tranh cãi về việc thu nguồn cổ tức về ngân sách nhà nước hay để các NHTM nhà nước được giữ lại đang tiếp tục. Ảnh TL.

Báo cáo dựa trên nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu thuộc ngân hàng BIDV.

Báo cáo đề xuất Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính chấp thuận cho các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước được cân đối và quyết định việc sử dụng nguồn cổ tức các năm để tăng vốn cho năm sau qua hình thức chi trả cổ tức bằng cổ phiếu, tùy thuộc vào năng lực tài chính và điều kiện của ngân hàng.

Đồng thời đề xuất Chính phủ cho phép các NHTM nhà nước sử dụng nguồn thặng dư do giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước từ bán đầu tư tài chính, bán chiến lược để tạm ứng chi trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.

Theo báo cáo, khối NHTM nhà nước gồm 4 ngân hàng (Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank) đóng vai trò trọng yếu dẫn dắt toàn ngành trong thực hiện chủ trương chính sách của Chính phủ và ngành.

Đến cuối năm 2015, khối NHTM nhà nước chiếm 45% tổng tài sản, 50,2% tổng dư nợ tín dụng và 46,3% nguồn vốn huy động của toàn hệ thống.

Trong giai đoạn 2011-2015, khối NHTM nhà nước đã đóng góp chính vào tăng trưởng toàn ngành với mức tăng trưởng tổng tài sản bình quân ở mức 13,8%/năm, cao hơn mức 10,3%/năm của toàn hệ thống, tăng trưởng tín dụng ở mức 17,1%/năm so với mức 13,5%/năm toàn ngành.

Tuy nhiên, năng lực tài chính của khối NHTM nhà nước thể hiện qua hệ số an toàn vốn (CAR) bị suy giảm nghiêm trọng. Cụ thể, giai đoạn 2011-2015, CAR của khối giảm từ mức 10,8% năm 2011 xuống mức 9,4% hiện nay – gần chạm ngưỡng tối thiểu 9% theo quy định của NHNN, thấp hơn mức bình quân của ASEAN là 10,3%.

Sự suy giảm CAR chủ yếu do 2 nguyên nhân:

Thứ nhất, khả năng sinh lời của các NHTM nhà nước bị co hẹp từ mức 2,5% năm 2011 giảm còn 2,2% năm 2012 và tiếp tục giảm xuống mức 1,7-1,8% giai đoạn 2013-2015 do các ngân hàng này đi đầu trong triển khai các chương trình, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ (lãi suất cho vay thấp khoảng 7%, trong khi lãi suất huy động theo giá thị trường 4-5%, đồng thời trung bình dư nợ các chương trình trong tổng dư nợ cũng ở mức cao).

Thứ hai, trong giai đoạn ngành ngân hàng triển khai nhiều biện pháp để áp dụng các chuẩn mực thông lệ quốc tế theo Basel trong tính toán CAR nên tác động tiêu cực đến CAR.

Dù vậy, theo báo cáo, các NHTM nhà nước đang gặp khó khăn trong áp dụng các biện pháp tăng vốn nhằm đảm bảo năng lực tài chính.

Chẳng hạn, báo cáo cho biết, trong giai đoạn 2013-2014, theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước toàn bộ cổ tức của NHTM nhà nước không được sử dụng để gia tăng năng lực tài chính của ngân hàng phải chuyển nộp về ngân sách nhà nước.

Báo cáo khẳng định, trong điều kiện các giải pháp tăng vốn khác chưa thực hiện được ngay thì việc tăng vốn từ nguồn lợi nhuận tạo ra của năm 2015 và 2016 là giải pháp thuận lợi nhất cho các ngân hàng.

Tuy nhiên giải pháp này đang gặp vướng mắc từ cơ quan quản lý là Bộ Tài chính qua Thông tư 61/2016/TT-BTC yêu cầu phải chuyển toàn bộ cổ tức của cổ đông nhà nước về ngân sách nhà nước.

Báo cáo khẳng định, có vẻ như vai trò cổ đông của nhà nước tại các NHTM nhà nước đang chưa thực sự chuyên nghiệp và điều này có thể ảnh hưởng đến cổ đông hiện hữu khác cũng như việc thu hút cổ đông mới trong tương lai. 

Báo cáo cảnh báo, khi tình trạng suy giảm năng lực tài chính các NHTM nhà nước không được giải quyết thì có thể kéo theo rủi ro đối với hệ thống ngân hàng và nền kinh tế.

Trong trường hợp vốn tự có của khối NHTM nhà nước không được tăng trong năm 2016 (tương ứng với việc Nhà nước thu về toàn bộ cổ tức năm 2015) sẽ kéo theo mức giảm tăng trưởng GDP là 0,55%-0,6%/năm. Dự kiến tăng trưởng GDP giai đoạn 2016-2020 sẽ chỉ ở mức 6,05-6,4%/năm.

Trong trường hợp vốn tự có của khối NHTM nhà nước tăng lên từ nguồn lợi nhuận giữ lại với ước tính ở mức 8,34%/năm (căn cứ theo mức tăng vốn tự có của khối NHTM cổ phần giai đoạn 2011-2015), không có nguồn tăng vốn bổ sung từ bên ngoài, thì mức giảm tăng trưởng GDP là 0,18-0,2%/năm. Theo đó dự kiến tăng trưởng GDP giai đoạn 2016-2020 sẽ chỉ ở mức 6,3-6,7%/năm.

Báo cáo cảnh báo thêm, việc tăng trưởng tín dụng giảm so với yêu cầu ở mức 5-10% trong giai đoạn 2016-2020 sẽ làm giảm khoản thu của ngân sách nhà nước khoảng 1.800-5.000 tỉ đồng tiền thuế.

Từ những lập luận trên, BIDV cho rằng, việc tăng vốn cho các NHTM nhà nước đem đến những lợi ích đối với các ngân hàng được tăng vốn nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung.

Ngoài hai giải pháp như trên, báo cáo cũng đưa ra một số giải pháp nhằm tăng năng lực tài chính của hệ thống ngân hàng.

Báo cáo của BIDV cho rằng, các ngân hàng có thể đặt mục tiêu cắt giảm 3-4% chi phí quản lý so với dự toán ngay trong năm 2016.

Đối với các NHTM nhà nước gặp khó khăn về vốn tự có, Chính phủ nên chỉ đạo NHNN hoàn thiện đề án nâng cao năng lực tài chính tổng thể của khối NHTM nhà nước, qua đó xác định cụ thể kế hoạch, lộ trình tăng vốn đối với khối NHTM nhà nước và đối với từng ngân hàng.

Đề nghị Chính phủ đẩy mạnh thực hiện cổ phần hóa và giảm bớt tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại các NHTM nhà nước, hiện đang ở mức 65-95%. Chính phủ chỉ đạo các cơ quan Nhà nước tạo điều kiện cho các ngân hàng triển khai phương án phát hành cổ phần ra công chúng trong đó cổ đông nhà nước nếu không đủ nguồn lực thì có thể từ chối quyền mua. Chính phủ cũng nên cho phép các NHTM nhà nước được tạm ứng từ quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp để tăng vốn trong năm 2016.

Theo TBKTSG