Bị kiện chống độc quyền ở Mỹ, vốn hóa của Apple "bay hơi" 113 tỉ USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Giá trị vốn hoá thị trường của Apple lập tức "bay hơi" 113 tỉ USD sau khi dính phải vụ kiện chống độc quyền ở Mỹ.

Apple chịu tác động nặng nề sau khi Mỹ khởi kiện chống độc quyền nhằm vào công ty này (Ảnh: The Week)
Apple chịu tác động nặng nề sau khi Mỹ khởi kiện chống độc quyền nhằm vào công ty này (Ảnh: The Week)

Tại Mỹ, Bộ Tư pháp và 16 tổng chưởng lý đang kiện nhà sản xuất iPhone vì vi phạm luật chống độc quyền. Còn ở châu Âu, Apple cũng đang phải đối mặt với các cuộc điều tra về khả năng vi phạm Đạo luật thị trường kỹ thuật số của khu vực này hay không.

Cổ phiếu của Apple đã giảm 4,1% trong hôm 21/3, làm “bốc hơi” khoảng 113 tỉ USD giá trị vốn hoá thị trường và khiến mức lỗ từ đầu năm đến nay của họ trở lại mức 11%. Từng là công ty có giá trị nhất thế giới với hơn 3 nghìn tỉ USD, Apple đã hoạt động kém hơn cả Nasdaq 100 và S&P 500 khi bước vào năm 2024.

Đây không phải là lần đầu tiên Apple bị giám sát theo quy định. Trong nhiều năm liền, Apple cũng như các công ty cùng ngành đã phải đối mặt với nhiều cáo buộc đàn áp đối thủ cạnh tranh để làm giàu cho bản thân. Nhưng do thực tế là các sản phẩm của Apple ngày càng trở nên phổ biến và trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày của nhiều người dân trên khắp thế giới, các nhà chức trách cũng trở nên mạnh tay và cảnh giác hơn trước sức mạnh của Apple.

Vụ kiện ở Mỹ, được đệ trình hôm 22/3 tại tòa án liên bang New Jersey, cáo buộc Apple ngăn chặn các công ty đối thủ truy cập những tính năng phần cứng và phần mềm trên các thiết bị phổ biến của họ. Trong khi đó, các cuộc điều tra tiềm năng ở châu Âu sẽ tập trung vào các khoản phí, điều khoản và điều kiện mới mà Apple áp đặt với các nhà phát triển cửa hàng ứng dụng.

“Hàng loạt vụ kiện và sự giám sát đi kèm với chúng trở thành lực cản thực sự đối với cách thức hoạt động của các công ty này”, Bill Kovacic, giáo sư chống độc quyền tại Trường Luật Đại học George Washington, cho biết. “Ngay cả khi họ thắng kiện, thì thực chất là họ vẫn thua.”

Apple đáp trả vụ kiện của Mỹ bằng cách gọi vụ việc là “sai về thực tế và luật pháp”. Họ cảnh báo rằng hành động này sẽ “đặt ra một tiền lệ nguy hiểm, trao quyền cho chính phủ nắm quyền mạnh mẽ trong việc thiết kế công nghệ của con người” và thề sẽ “mạnh mẽ phản kháng”, theo Bloomberg.

Vụ kiện của Mỹ cáo buộc Apple đã sử dụng quyền lực của mình trong việc phân phối ứng dụng trên iPhone để ngăn cản những đổi mới có thể giúp người tiêu dùng chuyển đổi điện thoại dễ dàng hơn. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Apple đã từ chối hỗ trợ các ứng dụng nhắn tin đa nền tảng, ví kỹ thuật số của bên thứ ba và đồng hồ thông minh không phải do Apple sản xuất. Họ cũng không hỗ trợ các dịch vụ phát trực tuyến trên đám mây di động.

Vụ kiện cũng nêu bật 5 ví dụ công nghệ cho thấy Apple đang kìm hãm sự cạnh tranh: siêu ứng dụng, ứng dụng trò chơi phát trực tuyến trên nền tảng đám mây, ứng dụng nhắn tin, đồng hồ thông minh và ví kỹ thuật số. Công ty này gần đây đã bổ sung sự hỗ trợ đối với các dịch vụ chơi game dựa trên đám mây và cho biết họ sẽ bổ sung tính năng nhắn tin đa nền tảng RCS vào cuối năm nay.

“Tại Apple, chúng tôi đổi mới mỗi ngày để khiến mọi người yêu thích công nghệ - thiết kế các sản phẩm hoạt động liền mạch với nhau, bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của mọi người, đồng thời tạo ra trải nghiệm kỳ diệu cho người dùng”, Apple nói trong một tuyên bố. “Vụ kiện này đe dọa tới bản chất của chúng tôi và những nguyên tắc tạo nên sự khác biệt của các sản phẩm Apple trên thị trường cạnh tranh khốc liệt”.

Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) cho phép Ủy ban Châu Âu áp dụng những hình phạt nặng lên tới 10% tổng doanh thu hàng năm trên toàn thế giới của công ty và 20% đối với những công ty liên tục vi phạm các quy định. Sau khi bắt đầu các cuộc điều tra chính thức về Apple – cũng như Google của Alphabet Inc. – các cơ quan quản lý có kế hoạch đưa ra quyết định cuối cùng trong vòng 12 tháng.

Apple, vừa bị Liên minh Châu Âu (EU) phạt 1,8 tỉ euro (2 tỉ USD) vì chặn các ứng dụng phát nhạc trực tuyến thông báo cho người dùng về các dịch vụ rẻ hơn, đã bị giám sát chặt chẽ kể từ khi DMA có hiệu lực đầy đủ vào ngày 7/3.

Theo Bloomberg