Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine chứng kiến một cuộc đối đầu Đông -Tây căng thẳng và quyết liệt chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow gây ra cuộc khủng hoảng ở nước láng giềng Ukraine, kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nam nước này. Dù cho Nga kiên quyết và thẳng thừng bác bỏ mọi cáo buộc và phương Tây chẳng thể đưa ra được bằng chứng thuyết phục chứng minh cho các cáo buộc của họ, các cường quốc Châu Âu dưới sự dẫn dắt của siêu cường số 1 thế giới - Mỹ vẫn tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Nga cũng đáp trả bằng việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ những nước áp đặt đòn trừng phạt nhằm vào họ.
Cùng với “cuộc đấu” sứt đầu mẻ trán trên mặt trận kinh tế, Mỹ và phương Tây còn tìm cách bao vây, dồn ép và cô lập Nga trên mặt trận chính trị, ngoại giao và quân sự.
Rõ ràng, phương Tây đã “bày binh bố trận” một cách quy mô, bài bản trên các mặt trận kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự nhằm gây sức ép buộc Nga phải “đầu hàng” trong vấn đề Ukraine. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Thế trận mà phương Tây bày ra với Nga dường như đã hoàn toàn sụp đổ bởi cho đến thời điểm này Moscow vẫn kiên quyết giữ lập trường trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, quyết không lùi bước.
Cách “bày binh bố trận” của phương Tây đối với Nga dựa trên giả định rằng việc liên tiếp gây áp lực trên mọi mặt trận, ở mọi cấp độ đối với Nga sẽ khiến chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin phải nhượng bộ và thậm chí là sụp đổ. Giả định này xuất phát từ niềm tin cho rằng các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga sẽ phát huy hiệu quả và một sự suy thoái kinh tế trầm trọng gây ra từ những đòn trừng phạt đó sẽ thúc đẩy người dân Nga, đặc biệt là giới doanh nhân và chính khách quyền lực của Nga, quay ra chống điện Kremlin. Tổng thống Putin sẽ không thể chống chọi được với sức ép và sự phản đối ngày một tăng lên từ phía các khu vực thành thị giàu có và tầng lớp trung lưu đang phất lên rất nhanh ở nước này.
Cùng với đó, phương Tây cũng nghĩ rằng việc gia tăng sức ép về chính trị và quân sự lên Nga sẽ khiến người dân Nga hình thành một phong trào chống chiến tranh và điều đó gây sức ép ngược lại về phía Tổng thống Putin, buộc điện Kremlin phải thay đổi chính sách và lập trường.
Tuy nhiên, khi áp dụng chính sách trên, phương Tây đã quên mất một điều cốt lõi và căn bản rằng việc gây sức ép lên nước Nga, mà đặc biệt là nhằm vào người dân Nga, không những chẳng gây phương hại được cho chính quyền của Tổng thống Putin mà còn giúp tập hợp sự đoàn kết, ủng hộ của người dân xứ sở Bạch Dương đối với Nhà lãnh đạo của họ. Các cuộc trưng cầu dân ý cho thấy, người Nga tin rằng, sức ép và các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đang áp dụng không phải nhằm vào ông Putin và những nhân vật thân cận của ông này mà là nhằm chính vào nước Nga và công dân Nga. Điều đó tất yếu sẽ dẫn đến một sự phản kháng và nó giúp đốt lên lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc vốn rất lớn ở Nga. Kết quả là hồi tháng 1, có đến gần 70& người dân Nga ủng hộ chính sách của điện Kremlin ở Ukraine. Đây là kết quả của một cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm Levada tiến hành.
Tình yêu nước, sự kiêu hãnh và niềm tự hào dân tộc là những đặc điểm nổi bật ở người dân Nga – những người đã phát động cuộc Chiến tranh Yêu nước Vĩ đại bảo vệ nước Nga và cả thế giới trước chủ nghĩa phát xít. Tình yêu nước đó, niềm tự hào dân tộc đó đã có dịp nổi lên mạnh mẽ khi phương Tây tìm cách thiết lập một vòng vây ngày càng thắt chặt xung quanh nước Nga. Theo lẽ tự nhiên, người dân Nga phải đứng lên chống lại. Chưa kể rằng, với Tổng thống Putin, người dân ở xứ sở Bạch Dương còn dành một tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ và kể cả sự biết ơn bởi chính ông là người đã dẫn dắt nước Nga bước ra khỏi vực thẳm để đến được vị trí nước lớn và có ảnh hưởng như ngày nay – một vị trí mà họ từng tưởng rằng sẽ mất đi mãi mãi sau sự sụp đổ của Liên Xô. Những tình cảm trên của người dân Nga với ông Putin tự nhiên biến thành lòng trung thành và nó đã được thể hiện rõ nét khi Nga có cuộc đối đầu quyết liệt với phương Tây hiện nay.
Ngoài ra, người Nga từ lâu vốn đã có truyền thống bảo vệ đồng bào, người dân của mình trước những thế lực ở bên ngoài. Trong trường hợp này, những người đồng bào bị bên ngoài tấn công chính là Tổng thống Putin và chính phủ của họ.
Tất cả những lý do trên giải thích tại sao khi phương Tây ra sức chống lại Tổng thống Putin thì uy tín của ông này trong nước lại càng cao và người dân Nga ngày càng có quan điểm, cái nhìn tiêu cực về Mỹ và các đồng minh phương Tây.
Theo: VnMedia