Bất chấp Trung Quốc phản đối, chính quyền Joe Biden lại bán tên lửa hiện đại cho Đài Loan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vào lúc đối đầu quân sự Trung-Mỹ đang căng thẳng, hôm thứ Ba (27/4), Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng Lockheed Martin đã nhận được hợp đồng bán vũ khí trị giá 138 triệu USD cho Đài Loan từ Bộ Quốc phòng Mỹ.
Bất chấp Trung Quốc phản đối, chính quyền của Tổng thống Joe Biden tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan (Ảnh: Storm).
Bất chấp Trung Quốc phản đối, chính quyền của Tổng thống Joe Biden tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan (Ảnh: Storm).

Theo trang tin Newtalk của Đài Loan và Đông Phương của Hồng Kông ngày 28/4, hợp đồng bán vũ khí này bao gồm tên lửa tốc độ cao chống bức xạ AGM-88, hệ thống nhận dạng bạn - thù mới và các thiết bị khác... để trang bị cho phi đội máy bay chiến đấu F16A/B Block 20 đang hoạt động của Không quân Đài Loan nâng cấp lên cấu hình F-16V Block 70/72.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Lockheed Martin sẽ phát triển và trang bị cho các máy bay F-16 của Không quân Đài Loan hệ thống chống va chạm tự động và tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88; cải thiện độ hoàn hảo của phần mềm radar, cập nhật hệ thống thu thập dữ liệu và cung cấp hệ thống nhận dạng bạn hoặc thù tiên tiến. Các công việc liên quan sẽ được tiến hành tại Đài Loan và Fort Worth, bang Texas, dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào ngày 30 tháng 9 năm 2022.

Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng hợp đồng sửa đổi là hợp đồng mua sắm một nguồn duy nhất, được hoàn thành bằng phương thức mua bán quân sự đối ngoại và được Trung tâm Quản lý Vòng đời của Lực lượng Không quân tại Căn cứ Không quân Wright-Patterson ở Ohio ủy quyền.

Tên lửa chống bức xạ AGM-88E sẽ được Mỹ trang bị cho không quân Đài Loan (Ảnh Newtalk).

Tên lửa chống bức xạ AGM-88E sẽ được Mỹ trang bị cho không quân Đài Loan (Ảnh Newtalk).

Theo truyền thông Đài Loan, hợp đồng này ban đầu là một phần của thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan do cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố vào năm 2017. Khi đó, Mỹ đã chấp thuận bán loại tên lửa AGM-88B, hiện nó đã được nâng cấp lên thành AGM-88E, nhưng phía Mỹ không tiết lộ kiểu loại tên lửa bán ra lần này. AGM-88 là tên lửa không đối đất tầm trung có thể tấn công các hệ thống phòng không liên hợp di động và thậm chí cả các radar kín.

Quân đội Đài Loan luôn hy vọng có được loại tên lửa AGM-88 để chế áp các trận địa tên lửa phòng không của PLA trên bờ biển phía đông nam của Trung Quốc đại lục, thực hiện các nhiệm vụ tấn công đối phương từ nguồn gốc và tấn công để phòng thủ. Tuy nhiên, việc sở hữu tên lửa chống bức xạ không có nghĩa là đã có khả năng tác chiến tấn công điện tử, quân đội Đài Loan hiện vẫn thiếu các máy bay chiến đấu hiện đại và phương tiện thiết bị để thực hiện trinh sát và gây nhiễu điện tử. Mặc dù F-16V có thể mang AGM-88 lên không trung nhưng quân đội Đài Loan không có loại máy bay tác chiến điện tử EA-18G tương tự như Hải quân Mỹ, khiến người ta hoài nghi liệu một mình máy bay F-16V có thể làm tê liệt hệ thống phòng không của PLA và các trận địa tấn công hay không.

Ngoài ra, sau khi Mỹ tuyên bố bán 150 chiếc F-16A/B cho Đài Loan vào năm 1992, hơn 10 chiếc trong số đó vẫn ở lại căn cứ Không quân Luke ở bang Arizona và được đánh số là Phi đội 21 của Không quân Hoa Kỳ, chịu trách nhiệm huấn luyện cho các phi công F-16 của Không quân Đài Loan. Để thực hiện "Dự án Phượng Hoàng", các máy bay F-16A/ B hiện tại của Không quân Đài Loan sẽ được nâng cấp thành F-16V. Những chiếc F-16A/B của Phi đội 21 gần đây đã thay đổi màu sơn, cờ hiệu và trở về Đài Loan theo từng đợt để nâng cấp. Những chiếc F-16V sau khi nâng cấp đã bay từ Đài Loan đến Mỹ để thế chỗ trống.

Theo một bản tin đăng trên cơ quan truyền thông quân sự độc lập "Defense Blog", hợp đồng mới bao gồm cải tiến hệ thống phần mềm radar để hoàn thiện hơn, cập nhật hệ thống dữ liệu, trang bị hệ thống nhận dạng bạn - thù tiên tiến hơn và cung cấp cho quân đội Đài Loan loại tên lửa chống cức xạ AGM- 88E (AGM-88E Advanced Anti-Radiation Guided Missile, AARGM) mới nhất.

Về vấn đề này, nhà lập pháp Vương Định Vũ (Wang Dingyu) của Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền đã đăng trên Facebook nói rõ thêm rằng tên lửa AGM-88E sử dụng phần mềm công nghệ dẫn đường tên lửa hỗn hợp mới nhất bao gồm cảm biến tìm kiếm tự động chống bức xạ kỹ thuật số với vùng phủ sóng tần số lớn hơn, định vị toàn cầu/dẫn đường quán tính và radar sóng milimet. AGM-88E thậm chí có thể tấn công radar đã tắt máy, giúp nâng cao sức mạnh chiến đấu của không quân Đài Loan.

Tên lửa AGM-88E được cho là sẽ giúp nâng cao sức mạnh của các máy bay F-16V của không quân Đài Loan (Ảnh: Newtalk).

Tên lửa AGM-88E được cho là sẽ giúp nâng cao sức mạnh của các máy bay F-16V của không quân Đài Loan (Ảnh: Newtalk).

Tên lửa chống bức xạ tốc độ cao AGM-88 (HARM) là tên lửa không đối đất tầm trung được thiết kế để nhắm mục tiêu vào các hệ thống phòng không của đối phương. Nó có thể tấn công các mục tiêu có hệ thống phòng không tích hợp (IAD) của Trung Quốc và các mục tiêu khác ngay cả khi tắt máy. Tên lửa có bán kính tấn công trên 150 km, tốc độ đạt trên Mach 3,5.

AGM-88 được mệnh danh là "Sát thủ radar", chỉ cần sử dụng số nhân viên điều khiển tối thiểu để phát hiện, tấn công và tiêu diệt mục tiêu, có thể tấn công mọi loại nguồn tín hiệu vô tuyến, bao gồm radar, thiết bị liên lạc và thiết bị gây nhiễu điện từ, chống lại và phá hủy mọi thiết bị, hệ thống phòng không, kể cả hệ thống phòng không trên tàu của đối phương.

"Defense Blog" cũng chỉ ra rằng điều đáng chú ý là hợp đồng sửa đổi này liên quan đến 100% "Bán hàng quân sự nước ngoài" (Foreign Military Sales,FMS) và là kết quả của một lần mua hàng. Khi chính quyền Joe Biden mới nhậm chức, họ đã tạm đình chỉ một số vụ mua bán vũ khí cho nước ngoài của Mỹ được Trump chấp thuận, nhưng việc bán vũ khí cho Đài Loan không bị ảnh hưởng.