Bất chấp đà suy giảm, người dân nước này vẫn hứng thú với tiền mã hóa. Tại sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cửa hiệu đồ lưu niệm trên ngọn núi cao nhất thuộc dãy Alps cũng giống như bao cửa hiệu khác, nhưng có điểm khác biệt: Khách hàng có thể thanh toán bằng bitcoin.
Ngay cả ở những nơi xa xôi như hẻm núi Vršič, Slovenia, người ta cũng có thể bắt gặp cửa hiệu nhận thanh toán bằng tiền mã hóa (Ảnh: Getty)
Ngay cả ở những nơi xa xôi như hẻm núi Vršič, Slovenia, người ta cũng có thể bắt gặp cửa hiệu nhận thanh toán bằng tiền mã hóa (Ảnh: Getty)

Một ki-ốt làm bằng gỗ nằm trên hẻm núi Vršič, nơi du khách có thể dừng chân để du ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ hay tránh ánh nắng mặt trời chói chang, chỉ là một trong số hàng nghìn cửa hiệu và nơi mua sắm tại quốc gia nhỏ của châu Âu cho phép khách hàng thanh toán bằng tiền mã hóa.

Người ta có thể bắt gặp tiền mã hóa ở bất kỳ đâu, từ các cửa hiệu thức ăn cho thú nuôi, cửa hiệu đồ chơi, cửa hàng quần áo, quán bar hay khách sạn… Các đoạn quảng cáo cho những công ty khởi nghiệp tiền mã hóa phát ra rả trên sóng radio trong những ngày mùa Hè.

Đó là khung cảnh khởi nghiệp tiền mã hóa sôi động ở Slovenia, quốc gia đang tìm cách khởi động lại thị trường tài chính và trang bị công nghệ blockchain mới với hy vọng chơi lớn trong ngành công nghiệp chưa bị kìm hãm của thế giới.

Nhưng có điều là người dân thường ở Slovenia vẫn thích sử dụng tiền truyền thống để thanh toán hơn – và họ do dự khi sử dụng tiền mã hóa bởi lo ngại về giá trị của chúng, và rộng hơn là hình thức lừa đảo theo mô hình Ponzi.

Mặc dù các doanh nghiệp ở Slovenia nói rằng họ kỳ vọng khách hàng sẽ hướng tới tiền mã hóa như một hình thức thanh toán trong vòng 2 năm tới, nhưng nghiên cứu thị trường mà hãng Deloitte công bố mới đây cho thấy vẫn rất khó để tiền mã hóa có thể hội nhập với hạ tầng tài chính và với các đồng tiền số khác. Nghiên cứu này cũng chỉ ra lo ngại của giới doanh nghiệp về an ninh của các nền tảng thanh toán.

Trong một nghiên cứu khác, hãng xếp hạng S&P Global chỉ ra rằng phần lớn thị trường tiền mã hóa hiện tại chỉ xoay quanh hoạt động đầu cơ, chứ không phải thanh toán.

Sự căng thẳng này phản ánh lại thế tiến thoái lưỡng nan của tiền mã hóa: Nó thực chất là một khoản đầu tư hay một loại tiền tệ? Nếu là khoản đầu tư, những người thích mạo hiểm có thể mua hoặc bán nó như một thứ tài sản thường có giá trị dao động rất lớn. Còn nếu là tiền tệ, có rất nhiều người đặt câu hỏi liên quan tới sự quản lý và quy định của các nhà hoạch định chính sách.

Ví dụ đơn giản là, ai sẽ là người phải gánh chịu rủi ro về tỷ giá hối đoái, người bán hay người mua? Ở thời điểm hiện tại là người mua – và sự do dự của họ khi sử dụng tiền mã hóa là một lý do mà đến nay ít ai sử dụng nó để thanh toán.

Một số tập đoàn lớn trong lĩnh vực thanh toán truyền thống, như Mastercard và Visa, đã và đang chuyển dịch sang lĩnh vực tiền mã hóa, tự tin rằng thanh toán bằng tiền mã hóa rồi sẽ trở thành chính thống. Thông qua việc hợp tác với các mạng lưới tiền mã hóa, cả hai công ty này giờ bán các thẻ thanh toán tiền mã hóa trên mạng lưới thường lệ của họ.

Nhiều thương hiệu lớn khác, như Gucci, Starbucks và Microsoft cũng đã nhảy vào lĩnh vực này, khiến cho nhiều người tỏ ra hứng thú.

“Với sự trưởng thành của ngành công nghiệp này, chúng tôi nhận thấy rằng các tài sản tiền mã hóa ngày càng được nhiều bộ phận người dân châu Âu chấp nhận,” Christian Rau, Phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực tiền mã hóa và fintech của Mastercard châu Âu, nói.

Có doanh nghiệp đại diện cho sự đổi mới ở Slovenia là GoCrypto có trụ sở tại Ljubljana. Công ty này cho phép các doanh nghiệp thiết lập giá và nhận tiền dưới dạng đồng euro, bảo vệ họ khỏi thị trường dễ đổ vỡ trong khi cho phép khách hàng thanh toán với hơn 50 loại tiền mã hóa khác nhau. Các chủ cửa hiệu sẽ làm việc trên một nền tảng của GoCrypto, trong đó giúp họ tiếp nhận một lượng tiền mã hóa đại diện cho một mức giá euro, sau đó khách hàng scan một mã QR để thanh toán bằng tiền mã hóa từ trong ví điện tử của họ. Đối với các thương nhân, điều này giúp họ bớt được phí giao dịch qua thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ.

Nhưng đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có vài khách hàng yêu cầu thanh toán bằng cách đó. Theo GoCrypto, các khoản thanh toán bằng tiền mã hóa chỉ chiếm khoảng 3% tổng khối lượng thanh toán trên hệ thống của họ. Tuy nhiên, dù tỷ lệ còn nhỏ, mức tăng trưởng theo năm lại lớn – 883% trong khoảng 2020 và 2021.

Khơi dậy làn sóng khởi nghiệp

“Mọi người ở Slovenia đều động tới tiền mã hóa, từ các chủ cửa hiệu làm tóc, người đưa thư, ai ai cũng thảo luận về tiền mã hóa,” Miha Vidmar, giám đốc sản phẩm tại Bitstamp, một nền tảng giao dịch giữa tiền truyền thống và tiền mã hóa toàn cầu, nói.

Tanja Bivic Plankar, Chủ tịch của tổ chức phi lợi nhuận Blockchain Alliance Europe, cũng cho rằng Slovenia là một quốc gia “thích ứng sớm” với tiền mã hóa.

Tiền mã hóa và công nghệ blockchain từ sớm đã thu hút được các kỹ sư máy tính và giới doanh nhân ở Slovenia tham gia. Cũng chính họ là những người đã khởi nghiệp với tiền mã hóa với hy vọng làm giàu.

Theo bà Bivic Plankar, sự đổi mới này đã giúp cho nhiều công ty non trẻ phát triển nhanh chóng từ chỗ không có gì trong tay. “Trước đây, chúng tôi rất hiếm thấy những nhà đầu tư sẵn sàng chi tiền cho các công ty khởi nghiệp hay các công ty đầu tư mạo hiểm,” bà nói.

Sau khi xuất hiện một vài câu chuyện thành công, giống như Bitstamp, một làn sóng huy động vốn vào các công ty kiến tạo và bán tiền mã hóa đã tiếp động lực cho một đợt bùng nổ công ty khởi nghiệp ở Slovenia vào năm 2016.

“Chúng tôi là một quốc gia nhỏ, và mọi người đều bàn tán xôn xao về nó,” Vidmar nói. “Bởi vậy mà khi những người ở độ tuổi 22 hay 23 xây dựng một sàn giao dịch tiền mã hóa toàn cầu và kiếm được hàng triệu USD, nó tạo cảm hứng cho những người khác.” Những câu chuyện thành công bao gồm cả của GoCrypto, giờ hoạt động ở 69 quốc gia trên thế giới.

Thị trường ngách

Ở thời điểm hiện tại, vẫn chỉ có một tỷ lệ nhỏ người dân châu Âu thực sự nắm giữ các loại tiền mã hóa. Chỉ 17% sở hữu một loại tiền mã hóa trong năm 2021 – và 40% trong số họ có vụ giao dịch tiền mã hóa đầu tiên trong năm đó, theo nghiên cứu của Gemini.

Bên trong một cửa hàng tại Ljublijana thuộc BTC City, một trong số những chuỗi trung tâm mua sắm lớn nhất châu Âu với hơn 500 cửa hiệu, một phụ nữ rút ra vài tờ tiền giấy để trả tiền mua đồ chơi cho con mình. Điều này khiến người thu ngân nở nụ cười, và ông nói hiếm khi thấy có người thanh toán bằng phương thức này. “Người ta hay trả bằng tiền giấy hoặc thẻ tín dụng,” người thu ngân nói. “Họ muốn thứ gì đó đơn giản.”

Trong một nghiên cứu được thực hiện tại 7 cửa hiệu khác ở Ljubljana, những người quản lý đều nói rằng họ rất hiếm khi thấy có người thanh toán bằng tiền mã hóa.

“Rất khó để người châu Âu và người Mỹ chấp nhận điện thoại như một công cụ thanh toán, bởi chúng tôi yêu các loại thẻ,” Dejan Roljic, người sáng lập kiêm CEO của GoCrypto thừa nhận.

Ngay cả bà Bivic Plankar cũng thừa nhận rằng phần lớn người dân Slovenia “vẫn xem tiền mã hóa như một khoản đầu tư chứ không phải một hình thức thanh toán.”

Nhưng cũng có những ý kiến khác giống như của Iris Jeral, chủ sở hữu một cửa hiệu thời trang đông khách ở Ljubljana. Bà bắt đầu áp dụng hình thức thanh toán bằng tiền mã hóa trong hoạt động bán hàng từ năm 2018 và đến giờ vẫn duy trì chiến lược này.

“Nó chính là tương lai, và theo thời gian, khách hàng sẽ dần yêu thích nó,” bà nói.

Theo Politico